"Ông lớn" công nghệ đua AI: Lợi thì có lợi...

    Lê Tỉnh - Xuân Mai,  

    Cuộc đua phát triển trí tuệ nhân tạo đem lại những đột phá đáng kinh ngạc song cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan đạo đức, lừa đảo

    Với sự ra đời của mô hình ngôn ngữ tiên tiến GPT-4 và mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra hình ảnh dựa trên các mô tả văn bản DALL-E, Công ty OpenAI đã nâng tầm khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên và tạo hình ảnh của AI.

    Khả năng đa dạng

    Trong khi đó, Bard của Tập đoàn Google, một chatbot AI đối thủ của ChatGPT, cùng với những cải tiến đáng kể cho công cụ tìm kiếm, đang hướng tới việc cung cấp kết quả tìm kiếm chính xác và cá nhân hóa hơn.

    Meta đang tập trung vào việc sử dụng AI để tạo nội dung tự động, cải thiện trải nghiệm người dùng và quản lý nội dung độc hại. Công ty mẹ Facebook cũng triển khai Meta AI trên các nền tảng mạng xã hội của mình tại nhiều nước như Úc, Canada, New Zealand, Singapore... Mới nhất, "gã khổng lồ" Microsoft vừa tích hợp AI Copilot vào bộ ứng dụng Office 365 để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.

    Hai đối thủ Apple và Samsung cạnh tranh trực diện khi tung hàng loạt tính năng AI trên điện thoại của mình. Với iOS 18.2, "nhà Táo" tích hợp chatbot AI ChatGPT vào trợ lý ảo Siri và ứng dụng công cụ Writing Tools giúp trả lời câu hỏi, soạn thảo văn bản, chuyển văn bản thành hình ảnh... Đồng thời, bổ sung 2 tính năng AI mới trên dòng iPhone 15 Pro và 15 Pro Max trở lên, gồm Genmoji để tạo biểu tượng cảm xúc từ văn bản và Image Playground với khả năng tạo hình ảnh từ văn bản mô tả. Trong khi đó, AI của Samsung phô diễn khả năng tìm kiếm thông tin nhanh chóng; dịch văn bản theo nhiều ngôn ngữ khác nhau; "phù phép" chất lượng hình ảnh dù điều kiện ánh sáng không tốt.

    Giới chuyên gia đánh giá cao những tiến bộ của AI, đặc biệt là khả năng tự động hóa và nâng cao hiệu suất. Tại Microsoft Ignite 2024, một sự kiện lớn thường niên do Microsoft tổ chức, Tập đoàn Bảo hiểm Zurich (Thụy Sĩ) cho biết đang sử dụng dịch vụ Azure OpenAI Service của công ty công nghệ này để xử lý nhiều loại ngôn ngữ, định dạng và nâng cao khả năng đánh giá rủi ro.

    Tại Việt Nam, nhiều tài khoản người dùng đã có thể dùng thử Meta AI bằng giao diện tiếng Việt. AI này giúp người dùng sáng tạo nội dung với nhiều hình thức đa dạng như làm thơ, viết email, viết code, lập kế hoạch du lịch, vẽ hình ảnh, trò chơi và thậm chí trò chuyện giống như một người bạn. "Sau gần 1 giờ trải nghiệm AI của Meta, tôi thấy khá dễ ra lệnh cho AI này, tốc độ cho ra kết quả nhanh tương đương ChatGPT" - anh Nguyễn Hoàng Phi, nhân viên công nghệ thông tin tại TP HCM, nhận xét.

    Với người dùng đã trải nghiệm Copilot tích hợp vào bộ ứng dụng của Microsoft, đa phần khá hài lòng khi công cụ này có thể tạo 10-15 slide Power Point trong thời gian 1-3 phút mà chỉ cần nhập số liệu, ngôn ngữ thuyết trình, chủ đề, hình ảnh; tính toán số liệu trong Excel; tóm tắt chuỗi email...

    Meta mới đây đã tích hợp AI lên ứng dụng nhắn tin MessengerẢnh: LÊ TỈNH

    Meta mới đây đã tích hợp AI lên ứng dụng nhắn tin MessengerẢnh: LÊ TỈNH

    Đầy rẫy nguy hiểm

    Mặc dù tỏ ra hào hứng với những tiềm năng mới mà AI mang lại song cộng đồng công nghệ cũng cảnh báo về những rủi ro liên quan đến việc lạm dụng công nghệ này. Trong đó, không ít người bày tỏ lo ngại về việc AI có thể thay thế công việc của con người và gây ra các vấn đề về bảo mật. "Người dùng cần nhận thức rõ những nguy cơ liên quan sai lệch thông tin khi khả năng chỉnh sửa hình ảnh và video của AI có thể dẫn đến việc tạo ra thông tin giả, gây khó khăn cho việc phân biệt giữa thật và giả. Về vấn đề đạo đức, việc phát triển và ứng dụng AI cần đi đôi với trách nhiệm xã hội và lợi ích của con người luôn được đặt lên hàng đầu" - một chuyên gia khuyến nghị.

    Bên cạnh đó, hiệu suất công việc mà AI mang lại vẫn chưa thực sự cao do tính năng chưa hoàn thiện. Mặc dù người dùng những ngày gần đây vô cùng thích thú chia sẻ trải nghiệm Meta AI trên mạng xã hội nhưng hầu hết nhận xét hình ảnh được tạo ra bởi AI này còn gây cảm giác thiếu tự nhiên, chưa thể thay thế công cụ Dall-E 2, Midjourney... "Meta AI khá thú vị nhưng để giải trí là chủ yếu, chưa thể phục vụ công việc. Đặc biệt, sử dụng tiếng Việt với các AI này không cho ra kết quả tốt, có thể do AI không hiểu sát nghĩa câu lệnh của người dùng" - anh Nguyễn Hữu Luận, nhân viên văn phòng ở TP HCM, đánh giá.

    Chưa kể, theo nhiều người dùng, Meta AI còn có một số hạn chế như chỉ chấp nhận độ dài văn bản tối đa 2.048 ký tự cho mỗi lần trò chuyện, sử dụng. Trên iOS 18.2 của Apple, để sử dụng các tính năng AI nâng cao, người dùng phải đăng ký và sử dụng tài khoản ChatGPT Plus với giá 20 USD/tháng.

    Theo trang Cnet, Meta AI có lợi thế rất lớn về dữ liệu đầu vào khi sở hữu và vận hành một số nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, so với các chatbot AI có kết nối internet, AI này gây thất vọng khi trả lời sai các câu hỏi và gây hiểu lầm. Cách lập kế hoạch du lịch hoặc trở thành trợ lý học tập của Meta AI chỉ ở mức đạt tiêu chuẩn, chưa hoàn hảo.

    Đối với Copilot của Microsoft, trang Computerworld cảnh báo AI này có thể gây tác hại không tưởng. Cụ thể, Copilot sẽ dùng dữ liệu đầu vào, tự bổ sung và tạo ra thông tin có thể không chính xác. Ví dụ, khi yêu cầu AI này viết một email phàn nàn về sản phẩm của một công ty nội thất mà không nêu rõ thông tin cụ thể, nó sẽ tự động tưởng tượng dữ liệu thời điểm mua hàng, lỗi sản phẩm... Do đó, người dùng phải xem xét rất cẩn thận nội dung mà Copilot cũng như mọi AI khác tạo ra để tránh gặp rủi ro lớn.

    Ông Nguyễn Văn Thức, Giám đốc điều hành KEYSTONE, chỉ rõ công cụ AI sẽ liên tục thu thập thông tin và được huấn luyện bởi lượng lớn dữ liệu đầu vào từ người dùng để cải thiện hoạt động. Vì vậy, đối với những thông tin đặc biệt quan trọng hoặc không thể tiết lộ, người dùng không nên sử dụng để tra cứu hoặc hỏi AI vì hoàn toàn có thể xảy ra khả năng lộ lọt thông tin. "Bên cạnh đó, trước sự phát triển của AI, để tránh bị lừa bởi những thông tin giả, hình ảnh cắt ghép sai sự thật, người dùng cần rất tỉnh táo" - ông Thức khuyến cáo. 

    AI sẽ đóng góp 19.900 tỉ USD cho kinh tế toàn cầu

    Theo một nghiên cứu mới đây của tập đoàn nghiên cứu thị trường công nghệ IDC, AI sẽ giúp doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng sản phẩm, dịch vụ tốt hơn. Dự kiến đến năm 2030, công nghệ này đóng góp 19.900 tỉ USD cho nền kinh tế toàn cầu và thúc đẩy 3,5% GDP của thế giới. Chính sự hấp dẫn này khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn bắt đầu chạy đua đưa AI vào nền tảng để giữ vững thị phần, nâng cao trải nghiệm khách hàng của mình.


    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày