Hội thảo Quốc tế "Định hướng nghiên cứu về Trí tuệ nhân tạo và ứng dụng cho Thành phố Hồ Chí Minh" (18/12) nhằm tạo diễn đàn giao lưu, hợp tác giữa các bên liên quan trong và ngoài nước.
Hội thảo thuộc khuôn khổ Tuần lễ Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh - WHISE 2024 đã quy tụ 6 tham luận từ các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, làm rõ tiềm năng, thách thức và đề xuất giải pháp phát triển AI cho Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại hội thảo, có sự hiện diện của ngài Philipp Agathonos - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Áo tại Việt Nam,TS. Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, TS. Lê Thanh Minh – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, ThS. Nguyễn Minh Huấn - Đại diện Sở thông tin và Truyền thông cùng đại diện các sở ban ngành, viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.
Hội thảo thuộc khuôn khổ WHISE 2024 diễn ra từ 17-18/12
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chia sẻ: "Với chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và định hướng thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm nghiên cứu sánh tầm trong khu vực, chúng tôi mong muốn được lắng nghe kinh nghiệm, kết nối hợp tác với cộng đồng nghiên cứu để cùng nhau giải quyết bài toán về ứng dụng AI cho đất nước nói chung và thành phố nói riêng".
Bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia phát triển số cao cấp tại Ngân hàng Thế giới, đã chia sẻ những góc nhìn sâu sắc về vai trò của AI trong phát triển kinh tế - xã hội. Tham luận của bà tập trung phân tích các thách thức hiện hữu như thiếu hụt hạ tầng số, dữ liệu đáng tin cậy và nhân lực chất lượng cao, đồng thời đưa ra các giải pháp thực tiễn như xây dựng khung pháp lý, đầu tư hạ tầng tính toán và tăng cường hợp tác đa phương. Những ý kiến này không chỉ góp phần định hình chiến lược phát triển AI cho thành phố Hồ Chí Minh mà còn mở ra những hướng đi mới để thành phố trở thành trung tâm sáng tạo AI hàng đầu trong khu vực.
TS. Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội thảo
Trong tham luận "Hợp tác công tư trong nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo", Đại sứ Philipp Agathonos nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa khu vực công và tư nhân trong nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI). Ông chỉ ra rằng để AI có thể ứng dụng hiệu quả và đáng tin cậy, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp, và cơ quan công quyền. Sự hợp tác này không chỉ đảm bảo nguồn dữ liệu chất lượng cao và đa dạng, mà còn thúc đẩy việc xây dựng các mô hình AI minh bạch, có khả năng giải thích và truy xuất nguồn gốc.
Ông cũng đề cập đến những thách thức như thiên kiến dữ liệu và đạo đức trong AI, đồng thời nêu bật các ví dụ ứng dụng thực tiễn như EMIKAT – công cụ quản lý khí thải giúp lập kế hoạch môi trường xanh, và Fake Shop Detector – hệ thống phát hiện cửa hàng giả mạo. Đại sứ khuyến nghị cần tăng cường hợp tác công tư trong phát triển dữ liệu, xây dựng mô hình AI, ban hành quy định pháp luật và đầu tư vào các lĩnh vực nghiên cứu mới. Ông kết luận rằng AI là một công cụ hữu ích khi được phát triển gắn liền với các giá trị nhân văn và sự tin tưởng từ cộng đồng.
Đại sứ Philipp Agathonos trình bày tham luận "Hợp tác công tư trong nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo"
Với tham luận cùng tên với chủ đề họp báo, Th.S Nguyễn Minh Huấn, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh, đã cung cấp những thông tin quan trọng về chương trình nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo giai đoạn 2020-2030. Ông nhấn mạnh tầm nhìn đưa trí tuệ nhân tạo trở thành công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị thông minh, cùng các mục tiêu phát triển hệ sinh thái AI, gia tăng đóng góp vào GRDP và biến thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm nghiên cứu, chuyển giao AI hàng đầu.
Diễn giả đang trình bày tham vấn và dự hội thảo trực tuyến
Là diễn giả cuối cùng tại hội thảo, TS. Mark Spittle đã trình bày về "Thích ứng với đổi mới: Xem xét lại các mục tiêu AI của Chính phủ Quốc gia và thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030". Tham luận tập trung phân tích các thay đổi lớn trong lĩnh vực AI từ năm 2020/2021, đặc biệt là những tiến bộ trong công nghệ và ứng dụng thực tiễn. Ông cũng đề xuất một số định hướng phát triển để thành phố Hồ Chí Minh tận dụng tốt hơn những cơ hội mà AI mang lại, hướng tới việc thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược AI vào năm 2030.
Hội thảo Khoa học Quốc tế lần I năm 2024 về trí tuệ nhân tạo đã tạo nên dấu ấn quan trọng, không chỉ mang đến những góc nhìn đa chiều về tiềm năng và thách thức của AI mà còn mở ra các định hướng chiến lược, góp phần đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm nghiên cứu và ứng dụng AI hàng đầu trong khu vực.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Lời mặc cả giá 1 tỷ USD của Apple cũng vô hiệu, iPhone 16 vẫn bị quốc gia này cấm bán
Bất chấp đề xuất xây nhà máy sản xuất AirTag của Apple, iPhone 16 vẫn bị quốc gia này cấm cửa.
VinFast bất ngờ tung cùng lúc 4 dòng xe mới chuyên kinh doanh vận tải, có xe chạy tới 470km mỗi lần sạc đầy