Đánh giá Fujifilm X-T100: ứng viên "entry level" tiềm năng, thừa hưởng nhiều ưu điểm từ đàn anh cao cấp
Khi so về mặt bằng sản phẩm entry level, X-T100 đã mang lại rất nhiều giá trị hữu ích cho người dùng, từ việc thiết kế chất lượng, trang bị đầy đủ từ EVF, màn hình xoay lật 3 chiều cho đến các tính năng thừa hưởng từ dòng cao và đặc biệt hơn cả là với những ai yêu thích màu phim đặc trưng của Fujifilm thì lại càng không thể bỏ qua.
- Ảnh thực tế X-T100 tại Việt Nam: máy ảnh không gương lật dành cho người mới tập chơi của Fujifilm
- Fujifilm ra mắt Instax Square SQ6: Máy ảnh chụp lấy ngay với thiết kế hình vuông đẹp mắt, giá bán 130 USD
- Trên tay máy ảnh đầu bảng X-H1 mới ra mắt của Fujifilm: dáng vẻ vẫn rất gọn gàng, nhiều cải tiến hơn hẳn dòng X-T, giá gần 47 triệu đồng
Trong những năm gần đây, Fujifilm liên tục đưa ra các sản phẩm máy ảnh mirrorless thuộc nhiều phân khúc khác nhau nhằm đáp ứng được nhu cầu của giới yêu nhiếp ảnh. Nếu chỉ nhắc đến dải sản phẩm dùng cảm biến APS-C, chúng ta có thể kể đến X-Pro cao cấp nhất sau đó trải dài sang X-T Series, X100 Series, rồi đến X-A Series với mục tiêu nhắm đến giới trẻ mới làm quen đến nhiếp ảnh.
Và chỉ trong riêng dòng X-T Series, Fujifilm từng phân tầng sản phẩm của mình với dòng 1 số (X-T1, X-T2) sẽ cao hơn 2 số (X-T10, X-T20). Mới đây, chúng ta lại chứng kiến một lần nữa hãng này phân cấp thêm cho dòng X-T với chiếc máy ảnh mang ký hiệu 3 số đầu tiên là X-T100. Vậy sự ra đời của chiếc máy ảnh mirrorless này sẽ có chỗ đứng ở đâu trong thị trường máy ảnh đang nở rộ rất nhiều này?
Thiết kế: sự giao thoa hài hoà giữa X-T20 và X-A5
Nhìn vào X-T100, chúng ta có thể nhận thấy ngay rất nhiều điểm chung mà chiếc máy này thừa hưởng từ các anh em đi trước, chẳng hạn như phần gù cao, cụm bánh răng điều chỉnh, báng tựa ngón tay sâu và cách đặt các nút bấm cũng khá giống.
Thoạt nhìn phía trước, bạn sẽ thấy phần máy rất phẳng, hệt như X-A vậy. Nhưng điều bất ngờ là đi kèm trong hộp cùng chiếc máy này là bộ báng tay cầm nhỏ để gắn ở cạnh phải máy, giúp người dùng có thể gắn vào và có điểm tựa tốt hơn trong thao tác. Chỉ hơi khó hiểu rằng vì sao Fujifilm không gắn trực tiếp ngay từ đầu mà lại để lựa chọn gắn/tháo rời như vậy?
Báng tay cầm phía trước phải gắn vào thêm, không hiểu vì sao Fujifilm lại cho lựa chọn này mà không làm hẳn dính vào thân máy để việc thao tác thoải mái hơn?
Lắp vào xong, cầm máy an tâm hơn hẳn!
Dù là sản phẩm thuộc "entry level" của X-T nhưng Fujifilm đã chịu đầu tư rất nhiều cho phần thiết kế của chiếc máy này. Cầm trên tay tôi thấy được độ đầm của máy, tất nhiên không nặng bằng X-T20 nhưng ít ra nó cũng vững chãi hơn dòng X-A, chính vì điều đó khi gắn các ống kính nặng ký cũng không tạo cảm giác mất cân bằng, chúi về phía trước nhiều như chiếc X-A5 mà tôi từng cầm qua.
Nhìn từ góc trên, máy có tổng cộng 3 bánh răng, trong đó 1 bánh răng bên trái đóng vai trò mặc định là chỉnh màu phim giả lập, còn 2 bánh răng bên phải dùng để chỉnh các chế độ và -EV.
Bánh răng chỉnh màu phim và bánh răng EV đều không được khắc bất kỳ kí tự nào, có lẽ đó là mục đích mà Fujifilm muốn người dùng có thể thoải mái gán các chức năng khác lên bánh răng này. Tuy nhiên, với tôi thì đây là một sự thay đổi không nên có và nó khiến những fan Fujifilm sẽ lúng túng vì không biết máy đang ở mức EV nào, buộc phải nhìn vào màn hình máy mới biết được.
Bánh răng bên trái để chỉnh màu phim giả lập
Còn bánh răng bên phải ngoài cùng để chỉnh EV
Nói tiếp về phần bánh răng, X-T100 còn có hẳn thêm 1 bánh răng nhỏ đặt theo phương đứng nằm ở bên phải của hệ thống màn hình hiển thị. Nhìn vào bạn có thể nhận ra ngay đây là điểm vay mượn từ chiếc X-A5 trước đây.
Nhưng, thứ ăn tiền và giúp X-T100 có chỗ đứng hơn hẳn X-A5, khẳng định vị thế "trên cơ" của mình chính là ở kính ngắm điện tử OLED EVF 0,39 inch với 2,36 triệu điểm ảnh. Bên cạnh đó, màn hình LCD 3 inch của X-T100 cũng có thể xoay lật được 3 chiều (lật lên, lật xuống và xoay hẳn ra phía trước), vô cùng tiện lợi cho hầu hết các góc chụp và phù hợp cho cả các bạn vlogger.
Kính ngắm EVF giúp tôi có thể kiểm soát bố cục tốt hơn ở những trường hợp khi màn hình hiển thị bị ánh sáng mạnh làm chói.
Lần đầu tiên Fuji mang phong cách màn hình xoay lật 3 chiều cho sản phẩm của mình (ngay cả X-T20 cũng không thể xoay màn hình được mà chỉ lật lên xuống mà thôi)
Flash cóc được giấu bên trong gù máy - một đặc sản thường thấy trên X-T10 và X-T20 của hãng.
Hiệu năng: đáp ứng vừa đủ các nhu cầu ảnh cơ bản
Fujifilm X-T100 trang bị cảm biến Bayer giống với X-A5 thay vì X-Trans như chúng ta thường thấy ở các dòng X-T trước đây, kèm theo đó là hệ thống lấy nét theo pha hứa hẹn cho hiệu năng lấy nét tốc độ cao, chính xác ở hầu hết các điều kiện chụp khác nhau.
Sử dụng cảm biến APS-C CMOS 24,2 MP giống với X-A5, dải ISO từ 200 đến 12.800 (có thể mở rộng lên 100 - 51.200)
Theo thông số kỹ thuật, X-T100 có đến 91 điểm lấy nét lai (kết hợp cả lấy nét theo pha lẫn lấy nét tương phản), nhiều chế độ lấy nét khác nhau: single, zone, wide/tracking. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể chọn điểm lấy nét cụ thể bằng cách chạm lên màn hình cảm ứng. Trong quá trình trải nghiệm thực tế, X-T100 cho khả năng lấy nét rất chính xác ở các trường hợp chủ thể đứng yên, chụp phong cảnh và tĩnh vật.
Khả năng tracking khuôn mặt rất tốt.
Chủ động lấy nét bằng cách chạm vào màn hình cảm ứng, khả năng phản hồi đôi lúc vẫn hơi có độ trễ.
Tuy nhiên, hệ thống lấy nét bắt đầu có dấu hiệu "bất bình thường" khi tôi thử chụp ở thể loại ảnh hoạt động đường phố (streetlife). Máy có rất nhiều lần không bắt nét rất chậm, điểm focus không thể xác định được chủ thể mặc dù tôi đã thử qua single AF point hay Zone AF. Nếu như các sản phẩm X-T10 hay X-T20 có thể cho tốc độ tracking rất nhanh thì ở X-T100 tôi lại không thấy được như vậy. Rất có thể đây chỉ là vấn đề phần mềm và hy vọng Fujifilm đưa ra giải pháp cập nhật mới để giải quyết vấn đề này được tốt hơn. Nhưng nhìn chung, với một nhu cầu cơ bản cho mục đích du lịch, lưu niệm hàng ngày thì đây là sản phẩm dư sức đáp ứng được.
Thử burst shot với X-T100.
Về khả năng Burst shot, Fujifilm X-T100 cho tốc độ 6 khung hình/giây với khả năng buffer lên đến 26 tấm JPEG. Bên cạnh đó, viên pin của chiếc máy này có thể đáp ứng được khoảng tầm 380-400 bức ảnh trước khi báo cạn pin.
Một số bức ảnh chụp trải nghiệm với Fujifilm X-T100:
Những tính năng phụ trợ đáng tiền
Film Simulation: Nếu là người dùng Fujifilm hoặc quan tâm đến các sản phẩm máy ảnh của hãng này, chắc chắn chúng ta không thể không biết đến "đặc sản" giả lập màu phim. Với X-T100, bạn có được 11 kiểu giả lập khác nhau với những tông màu rất hay để lựa chọn tuỳ theo gu cũng như thể loại chụp của người dùng.
Xử lý RAW trực tiếp trên máy: Một điểm cần lưu ý trong thời gian hiện tại là định dạng RAW cho chiếc máy ảnh này vẫn chưa được hỗ trợ trên Lightroom bản mới, may mắn rằng X-T100 cũng có khả năng xử lý ảnh RAW ngay trên máy rồi xuất ra file JPEG nên khá tiện lợi.
Kết nối không dây thông qua ứng dụng Fujifilm Camera Remote: Cách kết nối của ứng dụng này khá đơn giản, kèm theo đó giao diện cũng rất trực quan nên phù hợp với mọi người dùng, dù có là dân mới tập chụp. Với tôi, những tính năng bên trong ứng dụng này vô cùng hữu ích và bạn cũng nên tận dụng chúng, chẳng hạn như biến smartphone thành remote điều khiển từ xa, chuyển ảnh vào smartphone để "sống ảo" nhanh trên mạng xã hội…
Ứng viên "entry level" tiềm năng
Nhìn chung khi so về mặt bằng sản phẩm entry level, X-T100 đã mang lại rất nhiều giá trị hữu ích cho người dùng, từ việc thiết kế chất lượng, trang bị đầy đủ từ EVF, màn hình xoay lật 3 chiều cho đến các tính năng thừa hưởng từ dòng cao và đặc biệt hơn cả là với những ai yêu thích màu phim đặc trưng của Fujifilm thì lại càng không thể bỏ qua.
Nếu là người dùng dòng X-A của Fujifilm và muốn nâng cấp lên đời cao hơn nhưng không muốn bỏ ra quá nhiều chi phí, X-T100 là một sự lựa chọn rất đáng để bạn lưu tâm, đủ để đáp ứng gần hết các nhu cầu chụp ảnh từ lưu niệm hàng ngày, du lịch, cho đến cả quay video cho các vlogger.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng