Hai ngày trải nghiệm Fujifilm X-A5: nhỏ gọn, dễ dùng, nhiều nâng cấp thú vị
Sự nâng cấp trong hệ thống lấy nét pha cũng như khả năng khởi động nhanh, xử lý nhiễu ảnh tốt trong điều kiện thiếu sáng, kèm theo đó là nhỏ gọn và mang đậm tính thời trang chính là những điểm mạnh đáng nêu ra của chiếc máy ảnh này.
Fujifilm X-A5 là chiếc máy ảnh mới nhất thuộc dòng X-A thời trang mà hãng sản xuất đến từ Nhật Bản giới thiệu đến thị trường nước ta vào đầu tháng 2 này. Được biết, X-A3 đã từng rất thành công tại Việt Nam nhờ mức giá khá tốt cũng như có các lợi thế về giao diện lẫn tính ứng dụng tốt, phù hợp cho giới trẻ hiện nay. Vậy với phiên bản nâng cấp X-A5 này thì sao, hãy cùng tôi cảm nhận.
Mặc dù thời gian trải nghiệm Fujifilm X-A5 chỉ vỏn vẹn hai ngày nhưng tôi đã có những cảm xúc rất riêng về sản phẩm này, yêu cũng có mà chưa hài lòng cũng... có đôi chút. Nhưng đó chỉ là những ý kiến cá nhân và quan điểm sử dụng của từng người mà thôi, nào cùng cảm nhận nhé.
Thiết kế và cảm giác sử dụng
Về mặt thiết kế, Fujifilm X-A5 gần như không khác gì so với đời X-A3 trước đây, vẫn kiểu dáng nhỏ gọn ấy, hai bên máy được dán da mang đậm tính thời trang và cũng góp phần tôn vinh sự trẻ trung năng động của người dùng. Đây chính là điểm cộng rất lớn ở ngoại hình sản phẩm, nó đã gây ấn tượng cho tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Vị trí các phím vẫn được giữ nguyên, dù không thuộc phân khúc cao cấp nhưng hầu như những gì bạn cần phải điều chỉnh đều được đặt ngay ở phím cứng mà không cần tốn công vào điều chỉnh bên trong giao diện màn hình. Cụ thể hơn, máy có hẳn 2 bánh xe điều khiển, trong đó một bánh ở cạnh trên dùng để điều khiển tốc độ màn trập và bánh nhỏ còn lại ở mặt sau dùng để đảm nhiệm phần thay đổi thông số khẩu độ ống kính.
Bánh trên dùng để điều khiển tốc màn trập
Còn bánh nhỏ phía sau thay đổi khẩu độ của ống kính
Còn các phím khác như thế nào? Phím chỉnh điểm lấy nét, White Balance, hẹn giờ, quay phim… đều đặt đủ ở phía ngoài, thế nên bạn chẳng cần phải loay hoay điều chỉnh trong giao diện màn hình làm gì cả. Điểm thiếu sót duy nhất ở dòng X-A này vẫn là vòng chỉnh ISO và EV (bù trừ sáng) như ở các dòng cao hơn của Fujifilm. Tuy nhiên, với cá nhân tôi thì những thứ này cũng không quá quan trọng và về nhiếp ảnh cơ bản thì chiếc X-A5 này vẫn tạo sự tiện dụng vừa đủ cũng như không khiến những người mới tập chụp bị rối bời bởi hàng sa số phím.
Các phím điều khiển cơ bản vẫn có mặt đầy đủ, người dùng không phải lăn tăn tìm kiếm trong màn hình menu nữa
Tuy nhiên, điều khiến tôi bắt đầu không thoải mái khi cầm trên tay chính là phần báng để tay phía trước. Nó vẫn còn quá nông và với những người tay hơi to thì sẽ có cảm giác giữ máy không được chắn chắn. Vấn đề này sẽ càng rõ ràng hơn nếu tôi lắp những ống kính to hơn, khiến sức nặng của máy bị "đổ" về phía trước nhưng báng cầm lại nhỏ nên dễ tạo cảm giác trượt tay. Vì vậy, lời khuyên của tôi là bạn cần phải trang bị thêm dây đeo vai hoặc dây đeo cổ tay để an toàn hơn. Hy vọng rằng ở phiên bản X-A sắp tới, Fujifilm sẽ thiết kế lại phần báng giữ này cho sâu hơn.
Báng giữ tay phía trước vẫn còn hơi nông và với những ai có bàn tay to thì sẽ cảm thấy không được thoải mái khi cầm thiết bị này
Giao diện của Fujifilm luôn được tôi đánh giá rất tốt từ các sản phẩm trước và ở chiếc X-A5 này tôi vẫn không thay đổi quan điểm của mình. Mọi thứ được hiển thị vừa đủ thông tin để bạn nắm bắt, bên cạnh đó còn có thể tận dụng tính năng cảm ứng trên màn hình để lấy nét, thay đổi bộ giả lập màu phim hay phóng to/thu nhỏ ảnh khi xem.
Màn hình của Fujifilm X-A5 có kích thước 3 inch cùng độ phân giải 1,04 triệu điểm ảnh, đủ để hiển thị nội dung tốt với độ sắc nét ấn tượng. Độ sáng màn hình của máy có thể điều chỉnh lên tới mức 5 (tối đa) và tôi vẫn không hề gặp khó khăn gì khi sử dụng ngoài trời nắng. Đây là một điểm đáng khen bởi với những máy ảnh không có viewfinder như X-A5 thì màn hình đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc lấy nét và bố cục khung ảnh. Nếu như gặp phải luồng sáng mạnh mà màn hình lại bị chói thì điều này sẽ gây khó khăn không ít cho người chụp, nhưng may mắn là màn hình của X-A5 đã không khiến tôi thất vọng trong những trường hợp này.
Phần cứng và trải nghiệm
Fujifilm X-A5 được trang bị cảm biến CMOS APS-C có độ phân giải 24,2 MP, tuy nhiên sử dụng bộ lọc Bayer thay vì X-Trans truyền thống như các dòng sản phẩm trước đây của hãng này.
So sánh kích thước cảm biến của X-A5 so với cảm biến Full Frame, tỉ lệ crop của X-A5 là 1,5x
Một điểm nâng cấp đáng lưu ý của chiếc máy ảnh X-A5 so với người tiền nhiệm X-A3 là được bổ sung hệ thống lấy nét theo pha vốn chỉ được trang bị trên các dòng cao cấp trước đây của Fujifilm. Như vậy về mặt tổng quan, chiếc máy ảnh này sở hữu được khả năng lấy nét lai (vừa lấy nét pha vừa lấy nét tương phản), đưa con số điểm lấy nét từ 77 lên 91 điểm và hứa hẹn nhanh gấp 2 lần so với trước.
Sau 2 ngày trải nghiệm, tôi nhận thấy hệ thống AF của máy đạt ở mức khá ổn và nhanh nhạy ở đa phần các trường hợp ánh sáng hài hòa. Tuy nhiên, với môi trường ánh sáng hơi phức tạp, độ chênh sáng cao thì máy lấy nét có phần chậm đôi chút, những vẫn không đáng kể.
Nếu chuyển từ ống kính kit Fujinon XC 15-45mm f/3.5-5.6 OIS PZ mới sang ống 18mm F2 thì tốc độ có cải thiện nhưng với yêu cầu bắt khoảnh khắc nhanh ở thể loại ảnh đường phố thì hệ thống bắt nét này vẫn chưa có đủ độ "chín" cần thiết. Tất nhiên đó chỉ là sở thích chụp ảnh cá nhân tôi, còn với đa phần các thể loại ảnh khác như phong cảnh, chân dung… thì máy vẫn có thể đáp ứng được đầy đủ mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.
Chụp với ống kit Fujinon XC 15-45mm f/3.5-5.6 OIS PZ tại F/6.4
Zoom 100%, độ chi tiết rất tốt.
Khả năng chụp đêm của chiếc máy này cũng khá ấn tượng
Độ nhạy sáng ISO của X-A5 cũng được nâng lên cao nhất là 12.800 (mở rộng tối đa 51.200) cao hơn so với mức 6.400 (mở rộng 25.600) trên X-A3. Tôi cũng đã thử khả năng chụp ảnh của chiếc máy này ở điều kiện trời tối với từng mức ISO khác nhau, qua đánh giá của riêng tôi thì X-A5 xử lý nhiễu khá tốt, quý độc giả có thể xem so sánh dưới đây để hình dung được nhiều hơn về chất lượng ảnh của chiếc máy này:
ISO 1600
ISO 3200
ISO 6400
ISO 12800
ISO 12800
Zoom 100%, chi tiết vẫn được bảo toàn khá tốt
Không chỉ phục vụ cho nhu cầu chụp ảnh thông thường, dòng X-A luôn hướng đến giới trẻ nên cũng không thể thiếu tính năng selfie vốn thịnh hành những năm gần đây. Màn hình lật 180 độ là ưu điểm của chiếc máy ảnh này, giúp người dùng có thể xoay lật ra phía trước để thoải mái nhìn vào khung ngắm, selfie mọi lúc mọi nơi. Bên cạnh đó, tính năng tự động lấy nét theo mắt (Eye AF) giúp tôi có thể dễ dàng chụp ảnh với "đồng bọn" hơn, không tốn quá nhiều thời gian để căn chỉnh và chờ lấy nét nữa.
Nói thêm về Fujinon XC 15-45mm f/3.5-5.6 OIS PZ, đây là ống kit mới nhất thay thế 16-50mm OIS II vốn được dùng cho X-A3 trước đây. Nó vẫn sử dụng dải khẩu độ f/3.5-5.6 nhưng về tiêu cự thì có phần được rộng rãi hơn, theo đó khi quy về chuẩn Full Frame thì có tiêu cự thực là 23-68mm thay cho 24-77mm như trước.
Tuy nhiên tiêu cự chỉ là một yếu tố nhỏ để nhắc tới, thứ giúp cho ống kính này đặc biệt hơn kẻ tiền nhiệm chính là hệ thống zoom điện tử lần đầu được xuất hiện trên hệ ống kính ngàm Fuji X. Hệ thống zoom điện tử này vô cùng có lợi cho những người có nhu cầu quay video bởi nó có thể thay đổi tiêu cự một cách mượt mà, tránh hiện trạng bị khựng/giật khi xoay tiêu cự bằng cơ như ngày xưa.
Thời lượng pin của X-A5 cũng không có gì đáng phải phàn nàn, tôi có thể chụp thoải mái khoảng tầm 470 tấm ảnh trước khi pin cạn sạch, một con số rất ổn với những chiếc máy ảnh mirrorless hiện nay. Fujifilm X-A5 vẫn được tích hợp các công nghệ kết nối không dây như Wifi và Bluetooth đến smartphone để người dùng có thể nhanh chóng đăng tải ảnh lên các trang mạng xã hội ngay tức thì mà không cần phải copy ra máy tính nữa. Bên cạnh đó, tính năng giả lập màu phim cũng là "đặc sản" không thể thiếu của các dòng máy ảnh Fujifilm, và chiếc X-A5 này cũng thế.
Một số ảnh chụp được bằng Fujifilm X-A5 sau 2 ngày trải nghiệm (sử dụng cùng ống kit 15-45mm mới, 18mm f2 và 56 f1.2):
Nhìn chung, với một chiếc máy ảnh mirrorless cơ bản, X-A5 đã đáp ứng rất tốt hầu hết các nhu cầu của người dùng từ không chuyên đến bán chuyên. Sự nâng cấp trong hệ thống lấy nét pha cũng như khả năng khởi động nhanh, xử lý nhiễu ảnh tốt trong điều kiện thiếu sáng, kèm theo đó là nhỏ gọn và mang đậm tính thời trang chính là những điểm mạnh đáng nêu ra của chiếc máy ảnh này. Giá như Fujifilm chỉnh sửa lại một chút ở phần thiết kế báng giữ ngón tay và khả năng lấy nét ổn định hơn, chắc chắn X-A5 sẽ là chiếc máy ảnh mirrorless hoàn hảo nhất với mức giá vừa phải phù hợp cho nhiều người dùng không chuyên.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng