Bill Gates: “Chúng ta không sinh ra để làm việc”

    Kim,  

    Người làm công ăn lương cảm thấy gì khi nghe câu này của tỷ phú Gates?

    Bill Gates: “Chúng ta không sinh ra để làm việc”- Ảnh 1.

    Cựu chủ tịch Microsoft, tỷ phú, nhà hảo tâm, đã thực sự nói như vậy. Những tưởng ông phát biểu một cách trịch thượng, dưới địa vị của một người … không còn phải làm việc để kiếm ăn nữa, nhưng thực tế, nhận định của Bill Gates liên quan trực tiếp tới một thứ công nghệ đang ngày một quan trọng trong đời sống con người.

    Ấy là trí tuệ nhân tạo (AI).

    Dưới đây là một phân đoạn nhỏ, được cắt và ghép lại để đưa trọng tâm vấn đề về AI, và được trích ra từ buổi phỏng vấn giữa Bill Gates và tờ báo danh giá The Indian Express.

    Tỷ phú Bill Gates nhận định về khái niệm "việc làm" trong tương lai - Video: The Indian Express.

    Theo suy luận của Bill Gates, với sự hiện diện của AI để giúp chúng ta làm việc, từ những việc đơn giản như đẩy xe hàng hay những công việc yêu cầu chuyên môn cao như tư vấn sức khỏe, chúng ta sẽ phải định nghĩa lại khái niệm “công việc”.

    Theo ông, “công việc” xuất hiện từ thực trạng thiếu thốn giá trị. Thật vậy, khi thiếu thốn - bất kể là giá trị vật chất hay tinh thần, chúng ta tìm cách tạo ra chúng. Khi thiếu cái ăn, chúng ta phát minh ra việc làm nông; khi buồn, chúng ta phát minh ra những thú tiêu khiển như văn học, điện ảnh hay trò chơi điện tử, từ đó những công việc như tiểu thuyết gia, đạo diễn hay nhà phát triển phần mềm mới xuất hiện.

    Nhưng khi AI giải thành công những bài toán thiếu thốn này, đại đa số những công việc chúng ta đang làm sẽ trở thành cổ vật trưng bày trong viện bảo tàng.

    Nhưng theo Bill Gates, thay đổi này sẽ không tới trong một sớm một chiều, nhất là khi phần lớn nhân loại sinh trưởng trong bối cảnh túng thiếu. Công việc là khái niệm thâm căn cố đế, và sẽ trở thành trọng tâm cuộc tranh luận của thời đại công nghệ, nổ ra khi AI và robot tự hành bắt đầu thay thế con người trên diện rộng.

    Bill Gates cho rằng thế hệ mới, những lớp người không còn biết tới túng thiếu nhờ AI và robot, sẽ quyết định xem khái niệm “công việc/việc làm” được tái định nghĩa như thế nào.

    Bill Gates: “Chúng ta không sinh ra để làm việc”- Ảnh 2.

    Hình minh họa.

    Tuy vậy, thế giới Bill Gates mường tượng cũng không hoàn mỹ.

    Trong bối cảnh giả tưởng nơi AI tạo ra thặng dư giá trị, thậm chí xóa bỏ được tình trạng khan hiếm thực phẩm, con người vẫn có thể sa vào những vũng lầy mình tự tạo ra. Đơn giản nhất, việc nhận một “mức lương cơ bản toàn cầu”, hay một “mức thực phẩm tối ưu để sinh sống”, có thể khiến con người rơi vào cảnh phụ thuộc.

    Những áng văn chương mô tả cảnh con người lệ thuộc vào những thứ có sức mạnh lớn lao hơn mình trở thành những lời tiên tri ứng nghiệm. Nhân loại sa lầy, bị áp bức do chính những gì mình tạo ra, và dần dà phai mờ trên trang sử không còn do chính mình cầm bút ghi lại. Điều này có thể khiến con người sớm mai một, sớm hơn dự kiến. Không phải ngẫu nhiên, người ta e sợ rằng trí tuệ nhân tạo sẽ là phát minh cuối cùng của nhân loại.

    Trong thời buổi con người dựa dẫm nhiều vào công nghệ, sẽ tới một ngày không xa máy móc sẽ nghĩ hộ một bộ phận cư dân Trái Đất. Lúc ấy, phát biểu “Tôi tư duy, nên tôi tồn tại” của nhà hiền triết, khoa học, toán học René Descartes bỗng bị đặt lên bàn cân, sau khi đã trở thành mệnh đề mô tả bản chất con người suốt nhiều thế hệ.

    Dường như Bill Gates cũng nhận thức được tương lai ảm đạm này. Ông cho rằng quyết định hạn chế việc sử dụng AI, được dùng máy móc vào những công việc gì, hoàn toàn do con người đặt ra. Khi con người còn nắm quyền định đoạt vận mệnh của chính mình, khi ấy ta mới thực sự tự do.

    Bill Gates: “Chúng ta không sinh ra để làm việc”- Ảnh 3.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày