4 mẹo điều khiển trí não người khác trong một nốt nhạc mà ai cũng có thể áp dụng

    PV,  

    Trí óc của người khác không hẳn là một cấm địa đâu. Bạn hoàn toàn có thể điều khiển nó mà không cần có bất kỳ siêu năng lực nào.

    Bạn xem Star War bao giờ chưa? Các Jedi trong phim có một khả năng rất bá đạo: điều khiển trí não người khác.

    Nhưng thực ra, chính bạn cũng có khả năng đó. Bởi vì, não bộ của chúng ta là một nơi rất kỳ quái. Nó có thể khiến những việc không có thật thành có thật, và bạn sẽ là người giúp quá trình đấy diễn ra nhanh hơn.

    1. Muốn "lòe" người khác bằng một chai vang sang chảnh mà lại không có tiền? Đơn giản!

    Chỉ cần dùng một cái vỏ chai trông bắt mắt và đắt tiền, còn bên trong bạn muốn đổ rượu gì vào thì... tuỳ.

    Các chuyên gia cho biết, người uống sẽ chẳng thể biết được rượu vang họ uống có xịn thật hay không! Cụ thể, trong thí nghiệm, các ứng viên được uống cùng một loại rượu, chỉ khác là vỏ đựng chúng khác nhau (tất nhiên họ không biết điều này).

    Kết quả, những người tham gia đều cho rằng rượu đựng trong chai đắt tiền có vị "đậm đà" và "ngọt ngào", ngon hơn hẳn.

    Hiện tượng này không phải là do tâm lý sính ngoại. Theo các chuyên gia, nguyên do là vì sự kỳ vọng của con người. Khi nhìn vào vỏ chai đựng, não bộ sẽ tiếp nhận thông tin và hình thành kỳ vọng vào một hương vị khác biệt.

    2. Bạn có thể moi tiền người khác khá là dễ dàng đấy

    Thử một thí nghiệm sau: Hãy hỏi một người bạn của mình, bảo họ tả lại một cách chi tiết một sự kiện đáng nhớ của họ - ngày nhận bằng tốt nghiệp chẳng hạn. Nhớ là thật chi tiết nhé: thời tiết ra sao, mặc áo màu gì, ai là người trao bằng...

    Trí nhớ có thể bị hư cấu một cách dễ dàng
    Trí nhớ có thể bị hư cấu một cách dễ dàng

    Tiếp theo, lại hỏi người này về một ngày khác - cũng thật đáng nhớ vào, như sinh nhật, ngày cưới, ngày cầu hôn... và cũng thật chi tiết nhé.

    Cuối cùng, hãy thử hỏi xem anh/cô ta có nhớ gì về 100k nợ bạn không. Cơ hội là họ không những nhớ được cái khoản nợ "hư cấu" này, mà còn có thể mô tả được ngày đó diễn ra như thế nào nữa cơ.

    Kỹ năng này được gọi là "lost in the mall technique" (tạm dịch: kỹ năng lạc lối trong trung tâm thương mại) do Jim Coan - nhà khoa học thuộc ĐH Washington đưa ra vào năm 1995. Trong thí nghiệm khi đó, Jim Coan đã "cấy" thành công một mảnh ký ức cho ứng viên, rằng anh ta đã bị lạc khi đi shopping với mẹ lúc 5 tuổi (dù sự thật không phải thế).

    Nguyên do là gì? Các chuyên gia cho biết mỗi khi chúng ta nhớ lại điều gì đó, não bộ phải trải qua một quá trình giống y như lúc ký ức được hình thành. Do đó nếu biết cách lợi dụng quá trình này, bạn hoàn toàn có thể chèn một mảnh ký ức không có thật vào giữa mà nạn nhân chẳng cách nào hay biết.

    3. Hãy thuyết phục người khác lúc họ đang mệt sấp mặt

    Khi cơ thể mỏi mệt, tinh thần của chúng ta cũng theo đó giảm sút. Đây chính là lúc rất thích hợp nếu muốn thuyết phục, hay thậm chí là đánh lừa một ai đó, vì họ chẳng còn muốn xét xem những thứ bạn nói có vớ vẩn hay không nữa.

    Nhưng nhìn chung đây cũng là một con dao 2 lưỡi. Người đó có thể gạt phăng những gì bạn định lảm nhảm, và từ đó về sau cũng hết cơ hội luôn.

    4. Muốn làm lành hoặc kết bạn? Hãy nhờ người ta giúp!

    Giúp gì cũng được, chỉ cần không khó quá thôi. Nếu người đó chấp nhận, nhiều khả năng 2 người đã trở thành bạn rồi. Bởi vì, tiềm thức của chúng ta luôn tự động cho rằng mình đi giúp, tức là bản thân cũng quý mến người đó.

    Hiện tượng ngược đời này do Benjamin Franklin - một trong những nhà sáng lập ra nước Mỹ - đưa ra, và được gọi theo chính tên ông: "Hiệu ứng Benjamin Franklin".

    Để hiểu đơn giản hiệu ứng này, lấy ví dụ như sau: Nếu bạn thích một ai đó, bạn sẽ muốn làm những điều tốt cho họ, và ngược lại với những người bạn không thích. Càng làm nhiều tốt đẹp cho người bạn thích, hai người sẽ càng gắn bó và càng làm điều xấu với người bạn ghét, khoảng cách giữa hai người sẽ càng xa.

    Benjamin Franklin
    Benjamin Franklin

    Tuy nhiên nếu như thực hiện điều tốt cho người bạn ghét, hiệu ứng Benjamin Franklin sẽ xảy ra, giúp cả 2 trở thành bạn bè.

    Như trường hợp của Franklin, ông vốn có một người bạn thuộc dạng "kỳ phùng địch thủ", và tất nhiên chẳng ưa gì nhau. Tuy nhiên, trong thư viện của người kia có rất nhiều cuốn sách quý giá mà Franklin muốn mượn, ông đã sử dụng cơ hội này làm chìa khoá hàn gắn mối quan hệ của hai người.

    Ông viết một bức thư ngắn gửi cho địch thủ, bày tỏ mong muốn và khao khát được mượn sách. Người kia dù không ưa gì Franklin nhưng vẫn gửi sách ngay lập tức. Franklin ôm đống sách trong vài tuần rồi gửi lại, kèm một bức thư cảm ơn đầy thống thiết.

    Lần tiếp theo 2 người gặp mặt, vị địch thủ kia thậm chí còn chủ động bắt chuyện và trở nên hiền hòa hơn hẳn. Họ đã trở thành bạn thân cho tới tận khi ông qua đời.

    Theo Trí thức trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày