26 người lạ được tập hợp lại ngẫu nhiên, để khênh một vật nặng thi với đàn kiến: Kết quả cho thấy bản chất sống ích kỷ đáng xấu hổ của loài người

    Thanh Long,  

    Nói về việc phải hi sinh vì lợi ích tập thể, loài người thua xa loài kiến. Ai cũng tham lam muốn giành lợi thế về phía mình.

    Bất cứ ai từng phải đối mặt với đàn kiến trong bếp nhà mình đều biết chúng là một loài vật sống cực kỳ xã hội. Rất hiếm khi bạn chỉ nhìn thấy một con kiến đi "ăn mảnh", hay bò một mình, đơn lẻ tách khỏi đàn của chúng.

    Con người cũng là loài sống xã hội, mặc dù một số người trong chúng ta có vẻ hướng nội, thích sự cô độc và tránh né đám đông. Tuy nhiên, xét về mặt tổng thể, xã hội loài người cũng là một xã hội ưu tiên sự hợp tác. Chúng ta hiếm khi có thể làm điều gì đó từ đầu tới cuối, một mình.

    Vậy trong một cuộc thi tiến hóa, kiến hay người sẽ có bản năng hợp tác xã hội tốt hơn?

    26 người lạ được tập hợp lại ngẫu nhiên, để khênh một vật nặng thi với đàn kiến: Kết quả cho thấy bản chất sống ích kỷ đáng xấu hổ của loài người- Ảnh 1.

    Ofer Feinerman, một giáo sư đến từ Khoa Vật lý các hệ phức hợp, Viện Khoa học Weizmann, Isarel đã thiết kế một thí nghiệm để trả lời câu hỏi này. Trong đó, ông mời một nhóm người lạ ngẫu nhiên tham gia vào một cuộc thi "giải đố" với loài kiến.

    Những kết quả bất ngờ từ cuộc thi đấu này vừa được đăng trên Kỷ yếu Viện hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ, đã mang đến những góc nhìn mới cho chúng ta về ưu và nhược điểm khi con người làm việc độc lập cũng như khi làm việc theo nhóm.

    "Bài toán di chuyển piano"

    Để so sánh khả năng làm việc nhóm giữa kiến và con người, các nhà khoa học tại Viện Khoa học Weizmann do giáo sư Feinerman dẫn đầu đã cho cả hai nhóm cùng đối mặt với một thử thách gọi là "bài toán di chuyển piano".

    Đây là một câu đố kinh điển trong lĩnh vực robot học, liên quan đến việc tìm cách di chuyển một vật thể có hình dạng bất thường – chẳng hạn như một cây đàn piano – từ điểm A đến điểm B trong một môi trường phức tạp.

    Kiến và con người là hai sinh vật duy nhất trong thế giới tự nhiên thường xuyên hợp tác để vận chuyển các vật nặng vượt xa kích thước cơ thể đơn lẻ của mình. Do đó, bài toán di chuyển piano là thử thách lý tưởng để kiểm tra sự hợp tác giữa các cá thể, giáo sư Ofer Feinerman nói.

    26 người lạ được tập hợp lại ngẫu nhiên, để khênh một vật nặng thi với đàn kiến: Kết quả cho thấy bản chất sống ích kỷ đáng xấu hổ của loài người- Ảnh 2.

    Tuy nhiên, vì hình dạng của đàn piano khá phức tạp, các nhà khoa học đã đơn giản hóa nó thành một hình chữ T lớn. Những người tham gia có nhiệm vụ di chuyển vật thể hình chữ T này đi qua hai bức tường có hai khe hẹp song song nhau.

    Các nhà nghiên cứu đã tạo ra hai bộ mê cung khác nhau về kích thước để phù hợp với kiến và con người.

    Ở phía con người, một nhóm những người lạ, không biết nhau từ trước, đã được mời một cách ngẫu nhiên để tham gia vào nghiên cứu. Họ sẽ thực hiện nhiệm vụ di chuyển vật thể hình chữ T theo các nhóm cá nhân (1 người), hợp tác theo nhóm nhỏ (6-9 người) và nhóm lớn gồm 26 người tất cả.

    Về phía loài kiến, loài Paratrechina longicornis, hay còn gọi là "kiến điên" đã được mời tham gia thử thách với Homo Sapiens. Đây là loài kiến đen, có thân hình dài khoảng 3 mm và phân bố rộng khắp trên toàn thế giới. Chúng được gọi là "kiến điên" vì mỗi khi đi tìm thức ăn, chúng có xu hướng lao đi rất nhanh và hành động quyết đoán.

    Các nhà khoa học đã tạo ra những miếng thức ăn có hình chữ T có kích thước rất lớn và thả nó vào mê cung để đàn kiến vận chuyển nó về tổ. Những con kiến cũng được thả vào mê cung theo nhóm: đơn lẻ, nhóm 7 con và nhóm cuối cùng lớn tới 80 con.

    26 người lạ được tập hợp lại ngẫu nhiên, để khênh một vật nặng thi với đàn kiến: Kết quả cho thấy bản chất sống ích kỷ đáng xấu hổ của loài người- Ảnh 3.

    Để công bằng hơn với loài kiến thì khi con người hợp tác di chuyển vật nặng, họ được yêu cầu không giao tiếp bằng bất kỳ hình thức nào, bao gồm cả lời nói và cử chỉ. Thậm chí, người tham gia phải đeo khẩu trang và kính râm, để đảm bảo họ không ăn gian khi nháy mắt hoặc nhếch miệng về một phía nào đó.

    Ngoài ra, người tham gia chỉ được phép giữ vật nặng bằng các tay cầm, mô phỏng cách mà kiến khênh vác mọi thứ. Các tay cầm này được trang bị máy đo để ghi lại lực kéo của từng người trong suốt quá trình thử nghiệm.

    Các nhà nghiên cứu đã lặp lại thí nghiệm nhiều lần cho mỗi nhóm, sau đó phân tích cẩn thận video cùng các dữ liệu cho phép họ lập được mô hình vật lý và các mô phỏng trên máy tính để phân biệt loài nào đã chiến thắng, chứ không chỉ là đo thời gian vượt qua thử thách giữa hai loài.

    Bản chất ích kỷ đáng xấu hổ của loài người

    Không có gì ngạc nhiên, khả năng nhận thức vượt trội của con người đã mang lại lợi thế trong thử thách cá nhân, khi họ có thể tính toán trước lời giải cho "bài toán di chuyển piano" và dễ dàng vượt qua một con kiến.

    Tuy nhiên, trong thử thách nhóm, kết quả hoàn toàn khác biệt, đặc biệt là với các nhóm lớn. Các nhóm kiến hoạt động không chỉ hiệu quả hơn so với kiến đơn lẻ, mà trong một số trường hợp, chúng còn vượt qua cả con người.

    Giáo sư Feinerman cho biết đó là do kiến hành động theo nhóm rất đồng bộ và có tính toán. Chúng cũng thể hiện trí nhớ tập thể vượt trội hơn con người, thứ giúp kiến duy trì hướng di chuyển và tránh lặp lại sai lầm.

    26 người lạ được tập hợp lại ngẫu nhiên, để khênh một vật nặng thi với đàn kiến: Kết quả cho thấy bản chất sống ích kỷ đáng xấu hổ của loài người- Ảnh 4.

    26 người lạ được tập hợp lại ngẫu nhiên, để khênh một vật nặng thi với đàn kiến: Kết quả cho thấy bản chất sống ích kỷ đáng xấu hổ của loài người- Ảnh 5.

    Trong thử thách đơn lẻ, con người đã thắng kiến

    Ngược lại, con người không cải thiện đáng kể hiệu suất khi làm việc nhóm. Khi việc giao tiếp giữa các thành viên bị hạn chế giống như kiến, hiệu suất của họ thậm chí còn giảm so với khi làm việc cá nhân.

    Các mô phỏng và dữ liệu lực kéo chỉ ra con người thường chọn các giải pháp "tham lam", trông có vẻ hấp dẫn trong ngắn hạn nhưng không có lợi về lâu dài. Và theo các nhà nghiên cứu, họ có xu hướng chọn phương án đem lại lợi ích cá nhân cao nhất nhưng lợi ích tập thể thì thấp nhất.

    "Thực tế, một tổ kiến là một gia đình", giáo sư Feinerman nói. "Tất cả kiến trong tổ đều là anh chị em ruột và chúng có lợi ích chung. Đây là một xã hội gắn kết chặt chẽ, nơi sự hợp tác vượt xa cạnh tranh. Đó là lý do một tổ kiến đôi khi được coi là một siêu cơ thể sống, giống như một cơ thể bao gồm nhiều 'tế bào' hợp tác với nhau.

    "Phát hiện của chúng tôi xác nhận điều này. Chúng tôi đã chứng minh rằng khi hành động theo nhóm, kiến thông minh hơn. Đối với chúng, tổng thể lớn hơn tổng các phần. Ngược lại, việc hình thành nhóm không mở rộng khả năng nhận thức của con người. 'Trí tuệ đám đông' nổi tiếng trong thời đại mạng xã hội không hề xuất hiện trong thí nghiệm của chúng tôi".

    Xem toàn bộ thử thách để biết: Kiến và người ai chiến thắng?

    Điều thú vị là nghiên cứu này được thực hiện dưới sự hợp tác của một nhóm các nhà khoa học bao gồm giáo sư Feinerman, tiến sĩ Ehud Fonio cũng đến từ Khoa Vật lý Hệ thống Phức hợp của Viện Weizmann, Giáo sư Nir Gov đến từ Khoa Vật lý Hóa học và Sinh học và Tiến sĩ Amir Haluts, nghiên cứu sinhdưới sự hướng dẫn của giáo sư Gov và Giáo sư Amos Korman đến từ Đại học Haifa.

    Cho nên bạn đừng lo, kiến có thể hợp tác tốt hơn trong các nhiệm vụ khuân vác chân tay, nhưng chúng không thể nào hợp tác cùng nhau để thực hiện được một nghiên cứu khoa học như thế này.

    Ít nhất, chúng ta vẫn là loài có trí thông minh thống trị, mặc dù về bản chất, mỗi chúng ta đều có phần ích kỷ. Khi phải hi sinh vì lợi ích chung, thì loài người thua xa loài kiến.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày