Zotac GT 730 GDDR5: Cỗ xe tăng cho game thủ, cực ngon tầm giá dưới 2 triệu đồng

    Nội Tâm,  

    Nếu cần một card đồ họa tốt tầm giá dưới 2 triệu, Zotac GT 730 GDDR5 là một lựa chọn rất tốt bạn không nên bỏ qua.

    Ở phân khúc VGA phân khúc phổ thông, có 1 quy luật mà mọi người đều công nhận: Đó là 3 yếu tố hình thức đẹp, hiệu năng tốt và giá rẻ không thể cùng song hành.
    - Card đẹp hiệu năng tốt = giá không rẻ
    - Card rẻ đẹp = hiệu năng không tốt
    - Card rẻ hiệu năng tốt = không đẹp

    Tuy nhiên hôm nay, tôi đã bắt gặp một card đồ họa phá vỡ quy luật trên. Đó là Zotac GT 730 GDDR5 - một sản phẩm thú vị dành cho phân khúc phổ thông và game thủ eSport. Giá bán lẻ của chiếc card là 1.624.000 VNĐ.

    Zotac GT 730 GDDR5

    Vỏ hộp đơn giản. Phụ kiện đi kèm gồm sách hướng dẫn và đĩa cài driver.

    Zotac GT 730 GDDR5 khiến tôi cảm thấy vô cùng bất ngờ. Ở tầm giá này, tôi đang chuẩn bị tinh thần cho một card đồ họa nhỏ nhắn, ngắn cũn cỡn, tản nhiệt quạt nhỏ và không có mặt nạ.

    Nhưng không! Trước mắt tôi là sản phẩm tương đối hầm hố. Tuy rằng chất liệu không có gì đáng nói, vẫn là tản nhiệt nhôm, mặt nạ nhựa dán đề-can nhưng cách tạo hình của Zotac phải nói cực kỳ khéo léo.

    Dù vẫn sử dụng tông màu đen - cam đã gắn liền với thương hiệu, nhưng Zotac đã di chuyển sắc cam từ quạt tản nhiệt thành các đường nét trên mặt nạ, khiến chiếc GT 730 GDDR5 của hãng nhìn oai và lầm lì hơn hẳn các sản phẩm phân khúc phổ thông series 600 trở về trước.

    Dù board mạch vẫn rất ngắn nhưng các đường nét của card khiến tôi liên tưởng sản phẩm với một cỗ xe tăng hiện đại.

    Cánh quạt blade là một thay đổi đáng kể của Zotac, thiết kế này cho lượng gió nhiều nhưng độ ồn cực thấp. Tôi đặc biệt đánh giá cao điều này bởi thực sự tôi không thích quạt tản nhiệt màu cam cũ một chút nào, tuy rằng mát và êm nhưng... xấu

    Cánh quạt blade thực ra không có gì mới, nhiều hãng đã sử dụng nhưng được trang bị ở một sản phẩm phổ thông thì đúng là hiếm thấy.

    Card được trang bị đủ 3 cổng xuất hình cơ bản: DVI, Dsub và HDMI, có thể xuất 3 màn hình cùng lúc

    Linh kiện và tản nhiệt

    Nếu như ngoại hình của card rất nổi bật thì linh kiện lại không có gì đáng nói. Để đáp ứng TDP dưới 50W của GT 730, Zotac trang bị 1 phase GPU và 1 phase memory. Tuy chỉ có 1 phase GPU nhưng phase này có dung tích lớn hơn thông thường, được trang bị tới 3 mosfet trở kháng thấp để điều khiển.

    Tuy nhiên chip nhớ vẫn của SKhynix sản xuất.

    Tản nhiệt chỉ là một miếng nhôm mỏng, được tạo rãnh rất cao để sử dụng vật liệu hiệu quả hơn.

    Card chạy ở xung nhịp 902/1253 MHz - bằng xung mặc định của Nvidia

    Ép xung

    Zotac GT 730 GDDR5 tiếp tục khiến tôi ngạc nhiên khi đạt tới mức xung 1090/1500 MHz. Với xung nhịp này hiệu năng chắc chắn tăng lên không ít. Tôi sẽ bench card ở 2 mức xung mặc định và 1090/1500 MHz trong các test thử nghiệm.

    Cấu hình thử nghiệm

    Bo mạch chủ: ASRock Z77 Extreme4

    Bộ xử lý: Intel Core i5-3570K @4.5 GHz

    Bộ nhớ trong: 2 x 4 GB Kingston HyperX T1 1866

    Ổ cứng: SSD Kingston HyperX 240 GB

    Nguồn: 660W

    Card đồ họa:
    Gainward GT 730 GDDR3 128 bit – 700/535 MHz
    MSI HD 7730 GDDR3 – 800/800 MHz
    MSI HD 7730 GDDR5 – 800/1125 MHz (bằng xung gốc của AMD)
    Sapphire R7 240 – 780/900 MHz
    Zotac GT 730 GDDR5 – 902/1253 MHz (bằng xung gốc của Nvidia)

    Phần mềm và game thử nghiệm

    - Nvidia Driver 344.75 WHQL
    - AMD Driver Catalyst 14.4 WHQL
    - 3DMark Vantage: Thiết lập Performance Preset (1280 x 1024)
    - 3DMark 11: Thiết lập Performance Preset (1280 x 720)
    - 3DMark 2013: Fire Strike
    - Batman: Origins (DX 11)
    - BioShock Infinite (DX 11)
    - Crysis 3 (DX 11)
    - Dirt 3 (DX 11)
    - Hitman Absolution (DX 11)
    - Metro: Last Light (DX 11)
    - Sleeping Dogs (DX 11)
    - Sniper Elite V2 (DX 11)
    - Tomb Raider (DX 11)

    Kết quả thử nghiệm

     

     

     

    eSport: Dota 2

    Dota 2 là một trong những game eSport đồ họa nặng nhất hiện nay, cũng là game khoái khẩu của tôi. Tôi chiến một ván game với thiết lập sau: độ phân giải 1920 x 1080, max render quality, thiết lập High, bật nhiều hiệu ứng:

    FPS chủ yếu ở trên 40, đủ để chất lượng game được đảm bảo. Tôi chơi ở độ phân giải Full HD và thiết lập gần như cao nhất, ai thích FPS cao hơn có thể hạ thiết lập game xuống.

    Kết quả ván game:

    Nhiệt độ - độ ồn

    Nhiệt độ phòng vào thời điểm test là 17 độ C. Nhiệt độ card khi sử dụng benchtable:
    - Idle: 26 độ C.
    - Gaming (Default 902/1253 MHz): 45 độ C; fan 32%.
    - Gaming (OC 1090/1500 MHz): 48 độ C; fan 34%.

    Tản nhiệt hoạt động xuất sắc cả về nhiệt độ lẫn độ ồn. Ngay cả khi tôi tăng tốc độ lên 100% card cũng chỉ phát ra tiếng động rất nhỏ, không thể nghe thấy nếu dùng vỏ case. Thực tế sử dụng quạt tản nhiệt chỉ quay tốc độ từ 40% trở xuống, đảm bảo 100% im lặng.

    Kết luận

    Tổng kết tương quan hiệu năng giữa các sản phẩm trong bài viết:

    Với giá chỉ 1.624.000 VNĐ, Zotac GT 730 GDDR5 thực sự là card đồ họa tốt bậc nhất dành cho game thủ phân khúc dưới 2 triệu đồng. So sánh với các VGA giá tương đương như HD 7730 GDDR3 và R7 240, Zotac GT 730 GDDR5 mạnh hơn hẳn. Card đồ họa mạnh nhất phân khúc này là HD 7730 GDDR5, tuy nhiên cũng chỉ hơn Zotac GT 730 GDDR5 khoảng 7% trong khi giá cao hơn gần 400 ngàn đồng.

    Cộng thêm khả năng ép xung ấn tượng, người dùng có thể khai thác thêm tới 20% hiệu năng nữa - quả là một món hời kép. Đối với độ phân giải 1366 x 768 (màn hình 18,5 inch), GT 730 GDDR5 chiến game tốt với thiết lập từ trung bình tới cao. Đối với riêng nội dung eSport, card tỏ ra tương đối thích hợp. Tôi có thể chơi Dota 2 ở độ phân giải 1920 x 1080 thiết lập cao mà không gặp vấn đề gì.

    Bên cạnh hiệu năng, ngoại hình cũng là một điểm cộng cực lớn cho chiếc card của Zotac. Sản phẩm quá đẹp khi so với các card đồ họa khác cùng phân khúc. Tản nhiệt hoạt động êm ái tuyệt đối với nhiệt độ tốt.

    Nếu cần một card đồ họa tốt tầm giá dưới 2 triệu, Zotac GT 730 GDDR5 là một lựa chọn rất tốt bạn không nên bỏ qua. Tuy nhiên người dùng cần chú ý kẻo mua nhầm phiên bản GDDR3 - thông số 2 GB bộ nhớ 128 bit - có vẻ cao hơn nhưng thực tế hiệu năng yếu hơn bản GDDR5 rất nhiều.

    Ưu:
    - Hình thức đẹp.
    - Hiệu năng ngon.
    - Ép xung cao.
    - Tản nhiệt mát, êm.
    - Giá tốt.

    Nhược:
    - Linh kiện không nhiều.

    * Giá tham khảo một số sản phẩm khác trong tầm giá theo báo giá của An Phát. Xin cảm ơn Công ty Máy tính An Phát đã hỗ trợ sản phẩm cho bài viết:
    - Zotac GT 730 GDDR3 128 bit: 1.624.000 VNĐ
    - Gainward GT 730 GDDR5: 1.624.000 VNĐ
    - MSI HD 7730 GDDR3: 1.599.000 VNĐ
    - MSI HD 7730 GDDR5: 1.999.000 VNĐ
    - Sapphire R7 240: 1.699.000 VNĐ

    >>Zotac GT 640 Synergy: cựu binh nổi dậy

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày