Trang Businessinsider đã đi tìm lời giải vì sao WiFi trên các chuyến bay luôn đắt đỏ nhưng tốc độ lại như "rùa bò".
Bạn làm gì khi mắc kẹt hàng giờ trên một chuyến bay?
Cách đây nhiều năm, chúng ta có thể sẽ nhận được những câu trả lời đại loại như ngủ, đọc sách, ngắm bầu trời… nhưng với tốc độ phát triển của khoa học kỹ thuật trong thời gian gần đây, nhiều người sẽ lựa chọn lướt internet.
Tuy nhiên, có một thực tế luôn làm phiền lòng hành khách là WiFi trên máy bay thường rất đắt tiền, tốc độ như "rùa bò" và không thể sử dụng vào ban đêm.
Nhưng tại sao?
Chắc chắn đó là một sự tuyệt vời khi kết hợp thời gian trên chuyến bay với việc truy cập internet. Tuy nhiên, với nhiều người đó chỉ là niềm phấn khích ban đầu, sau đó sẽ là cảm giác bực bội khi trả tiền cho dịch vụ internet trên máy bay.
Thế tại sao lại không có một lựa chọn tốt cho dịch vụ internet trên một chuyến bay? Và tại sao khách hàng chỉ có thể dùng dịch vụ WiFi từ một công ty, trong khi nó quá tồi tệ?
Câu trả lời mà chúng ta tìm kiếm có lẽ xuất phát từ một công ty tên là Gogo Inc – công ty cung cấp hầu hết dịch vụ WiFi cho các chuyến bay trên thế giới hiện nay. Tech Insider đã nói chuyện với Steve Nolan, đại diện của Gogo để tìm hiểu vì sao WiFi trên máy bay luôn khiến nhiều người "phát điên" như vậy.
Tại sao tốc độ lại "chậm như rùa bò"?
Có nhiều lí do khiến tốc độ truy cập mạng trên các chuyến bay "chậm" nhưng bạn nên biết rằng WiFi trên các chuyến bay được cung cấp tương đương với tốc độ truy cập trung bình trên smartphone của riêng bạn. Vì vậy, sẽ tốt đẹp nếu chỉ có điện thoại của bạn và mạng WiFi trên máy bay nhưng khi 200 hành khách cùng truy cập thì lại là một vấn đề khác.
Hãy nghĩ về nó (WiFi trên máy bay) như là những loại tài nguyên hữu hạn khác, ví dụ nếu chỉ có mình bạn và 10 lít nước, bạn sẽ sử dụng rất thoải mái, ngược lại nếu phải chia sẻ cho 10 người bạn sẽ không còn được tiêu xài hoang phí nữa. Tương tự, trên máy bay, khoảng 200 người chia sẻ một kết nối internet có giới hạn băng thông và đều này tất yếu sẽ dẫn đến tốc độ lướt web mà bạn gọi là "chậm như rùa bò".
Tại sao không nâng cấp các thiết bị cho internet nhanh hơn
Có thể, Gogo chắc chắn có công nghệ giúp tốc độ WiFi trên máy bay nhanh hơn. Thế hệ thứ hai của tiêu chuẩn internet "air-to-ground" (của Gogo) đã sẵn sàng và đang được triển khai. Công nghệ này được quảng bá là sẽ mang đến tốc độ truy cập internet trên không tương tự như ở mặt đất.
Và theo các chuyên gia thì có nhiều cách để khiến internet trên các chuyến bay trở nên nhanh hơn.
Chi phí?
Vấn đề nâng cấp internet trên các chuyến bay cũng sẽ tiêu tốn chi phí khá cao. Chỉ có khoảng 150 máy bay được trang bị công nghệ internet dựa vào vệ tinh của Gogo (cho tốc độ nhanh hơn, ổn định hơn).
Để nâng cấp, các máy bay cần đáp ứng một số yêu cầu như:
- Ngừng bay khoảng 3 ngày để lắp đặt các thiết bị và chắc chắn điều này sẽ gây thiệt hại không nhỏ khi mất doanh thu từ những chuyến bay.
- Các công nghệ được gắn thêm vào máy bay cần phải được FAA đồng ý về độ an toàn và tất nhiên điều này cũng sẽ tốn thêm một khoảng chi phí lẫn thời gian chờ đợi.
- Tệ hơn nữa là giấy chứng nhận chỉ được cấp cho từng chiếc máy bay riêng lẻ chứ không phải chứng nhận chung cho một doanh nghiệp.
- Trong số các ưu tiên về dịch vụ trên máy bay, WiFi không phải là nội dung được xếp hạng đầu. Điều này cũng dễ hiểu khi mục đích của các hãng hàng không là lợi nhuận trong khi chi phí lắp đặt, sử dụng WiFi lại khá đắt đỏ.
Tại sao không có các công ty khác cạnh tranh với Gogo để làm giảm chi phí cho việc cung cấp WiFi trên các chuyến bay?
Ngoài những lí do khách quan kể trên khiến chất lượng WiFi trên các chuyến bay chưa tốt thì còn một nguyên nhân nữa là: không có cạnh tranh. Nếu bạn sử dụng WiFi trên chuyến bay, chắc chắn đó là dịch vụ được cung cấp bởi Gogo, không có một lựa chọn khác.
Không phải là không có những tên tuổi khác quan tâm đến lĩnh vực này nhưng vấn đề là Gogo đã chốt hợp đồng 10 năm với các hãng hàng không ngay lần kí kết hợp đồng đầu tiên. Và do đó trong thời gian này Gogo gần như độc quyền trong mảng kinh doanh WiFi trên các chuyến bay.
Hai đối thủ cạnh tranh chính của Gogo là ViaSat và GEE sử dụng vệ tinh riêng cho khách hàng (Jet Blue và Southwest). Cả hai dịch vụ có kết nối nhanh hơn và giá thấp hơn nhưng vẫn không thể làm ảnh hưởng đến sự thống trị của Gogo. Điều này chủ yếu là Gogo đã quá nhanh tay khi khóa các hãng bay vào một hợp đồng kéo dài cả thập kỷ.
Nhưng tại sao dịch vụ này vẫn quá đắt? Thậm chí là ngày càng đắt hơn?
Trong vài năm qua, dường như chi phí sử dụng WiFi trên máy bay chỉ tăng chứ không giảm và tốc độ cũng không được cải thiện.
Thật ra thì nhu cầu bức thiết sử dụng WiFi ở tốc độ cao đa số rơi vào các thương nhân, những người không muốn bỏ lỡ giây phút nào để cập nhật các thông tin cho kinh doanh. Do đó, đối tượng khách hàng này ít phàn nàn về giá chi phí dịch vụ WiFi trên các chuyến bay. Gogo xem đây là một cách để kiểm soát năng lực của người dùng nhưng có không ít trường hợp khách hàng tỏ ra phẫn nộ khi đã trả tiền nhưng thậm chí không thể gửi nổi một email cho đối tác.
Một số tin tức tốt
Đó là việc Delta, hãng hàng không lớn nhất và được sử dụng rộng rãi nhất tại Hoa Kỳ vừa cam kết sẽ nâng cấp toàn bộ hệ thống internet trên các chuyến bay sang công nghệ dựa vào vệ tinh (do Gogo cung cấp).
Hiện dự án này đã được tiến hành. Delta Air Lines sẽ nâng cấp dịch vụ WiFi trên máy bay cho khách hàng trải nghiệm với tốc độ băng thông rộng. Việc nâng cấp này sẽ áp dụng cho các chuyến bay giữa các khu vực của Mỹ, đến Mỹ La tinh hay vùng biển Caribbean. Gogo sẽ tiến hành cải tiến cho các máy bay đường dài của hãng từ năm 2016.
Tham khảo: businessinsider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Một ứng dụng quản lý chi tiêu bằng AI đang gây sốt dân mạng Việt: Nhắc 'cực gắt' mỗi lần lỡ chi nhiều tiền, cảm giác như bị mẹ mắng!
Theo nhà phát triển, thay vì chỉ đưa ra những cảnh báo khô khan, Rolly phản hồi với giọng điệu đầy tính cá nhân, thậm chí "châm biếm" để khiến người dùng nhận ra thói quen tiêu tiền...quá đà của mình
Tiếng kêu thực sự của khủng long nghe như thế nào?