WHO: 92% dân số thế giới đang hít thở không khí kém chất lượng, Đông Nam Á là một điểm nóng
Các quốc gia Đông Nam Á có thể học tập giải pháp mà các nước Tây Âu đã thực hiện từ vài thập kỷ trước.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngày hôm qua, công bố một báo cáo chỉ ra tới 92% dân số thế giới đang phải hít thở không khí kém chất lượng. Đây là một con số đáng báo động cho thấy ô nhiễm không khí đã trở thành một mối đe dọa đáng sợ với sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu.
Trong báo cáo mới, cũng là phân tích toàn diện nhất của WHO từ trước tới nay về chất lượng không khí ngoài trời, họ cho biết mỗi năm có khoảng 3 triệu người chết trên toàn thế giới do ảnh hưởng của ô nhiễm không khí ngoài trời. Chủ yếu những ca tử vong này được gây ra bởi bệnh tim mạch, bệnh phổi và các bệnh không truyền nhiễm khác.
Khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 2 phần 3 số ca tử vong, khoảng 2 triệu người. Châu Âu và Châu Mỹ dường như đang là khu vực an toàn nhất, với chỉ khoảng 333.000 người chết liên quan đến ô nhiễm không khí ngoài trời.
92% dân số thế giới đang hít thở không khí kém chất lượng, Đông Nam Á là một điểm nóng
Trả lời một phỏng vấn liên quan đến kết quả nghiên cứu này, Rajasekhar Balasubramanian, một chuyên gia về chất lượng không khí tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết: “Khi bạn nhìn ra bên ngoài cửa sổ nhà hay căn hộ, bạn không thể nhìn thấy các hạt nhỏ bé đang lơ lửng trong không khí. Bởi vậy, bạn nghĩ rằng không khí ngoài đó trong lành và sạch sẽ”.
“Nhưng báo cáo của WHO đã chỉ rõ rằng ngay cả khi không có những yếu tố gây ô nhiễm, nồng độ của các hạt lơ lửng đã làm cho chất lượng không khí giảm xuống dưới mức chấp nhận được từ quan điểm y tế”, Balasubramanian nói.
Trong nghiên cứu trước đây, WHO ước tính rằng hơn 8 trong số 10 người tại các khu vực đô thị được giám sát chất lượng không khí đang hít thở một bầu không khí không lành mạnh. Ô nhiễm không khí cả trong nhà lẫn ngoài trời phải chịu trách nhiệm cho khoảng 7 triệu cái chết mỗi năm.
Ô nhiễm không khí ngoài trời gây ra hơn 6 triệu cái chết mỗi năm
Nghiên cứu mới đã giảm con số xuống dưới 6.5 triệu người. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn đang xấu đi trông thấy, Maria P.Neira, giám đốc Sở Y tế và môi trường của WHO cho biết.
Những tác nhân chính gây ô nhiễm không khí ngoài trời được liệt kê bao gồm: khí thải từ phương tiện giao thông, khí thải gia đình, nhiệt điện và các hoạt động công nghiệp. Ngoài ra, các điều kiện thiên nhiên không có sự can thiệp của con người cũng phải chịu một phần trách nhiệm, ví dụ như những cơn bão bụi.
“Nhất định phải có những khoản tiền đang phải trả cho hệ thống y tế để duy trì điều trị và chăm sóc những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính. Đây là điều mà các quốc gia phải cân bằng khi họ ra các quyết định lựa chọn nguồn năng lượng hoặc điều khoản liên quan đến giao thông công cộng”, Tiến sĩ Neira nói.
Nghiên cứu của WHO được thực hiện bởi hàng chục nhà khoa học suốt 18 tháng. Họ dựa trên rất nhiều nguồn dữ liệu từ ảnh chụp vệ tinh cho tới các trạm theo dõi mặt đất ở hơn 3.000 địa điểm thành thị và nông thôn.
Định nghĩa về không khí trong lành của WHO giới hạn nồng độ các hạt vật chất có đường kính nhỏ hơn 2.5 micromet (PM2.5) chỉ được có mặt ở nồng độ dưới 10 microgam trên mét khối. Đó còn chưa kể đến nồng độ Ozone, oxyt nitơ và các chất ô nhiễm có hại khác.
Biểu đồ về chất lượng không khí trong nghiên cứu của WHO với tiêu chuẩn PM2.5
Trở lại một khu vực được coi là điểm nóng, Giáo sư Balasubramanian nói rằng tại Đông Nam Á, một khu vực mà các thành phố phân bố khá dày đặc, một cuộc chiến chống lại ô nhiễm không khí xuyên biên giới cần được thiết lập.
Các quốc gia Đông Nam Á có thể học tập giải pháp mà các nước Tây Âu đã thực hiện từ vài thập kỷ trước, ví dụ như chuyển sang các nguồn nhiên liệu sạch hơn. Còn nếu như cứ để tình trạng ô nhiễm tiếp diễn, những nguy cơ sức khỏe sẽ ngày càng trở nên đáng lo ngại, bởi dân số tại khu vực này đang ngày một gia tăng.
Tham khảo Nytimes
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng