Trong khi thế giới vật lộn kêu gọi tiêm vaccine, nơi đây lại sở hữu một tỉ lệ tiêm chủng ở mức... siêu thực. Nhưng tại sao vậy?
"Đất nước tiêm chủng thành công nhất thế giới" - đây hẳn là danh hiệu mà bất kỳ quốc gia nào cũng muốn đạt được trong thời kỳ dịch bệnh. Nhưng có lẽ, danh hiệu này sẽ không có bất kỳ quốc gia nào sở hữu được nữa, sau khi một nơi đạt được tỉ lệ tiêm chủng lên tới... 119% dân số.
Đó là Gibraltar, một vùng lãnh thổ của Anh, nằm ở bờ biển phía nam của Tây Ban Nha. Gibraltar có dân số chỉ rơi vào khoảng hơn 33.000 người, nhưng hiện đang khiến cho cả thế giới phải ghen tị.
Tính đến thời điểm ngày 30/9/2021, chỉ 1,04% người trưởng thành đủ điều kiện tại Gibraltar là chưa tiêm chủng. Theo số liệu từ Our World in Data, Gibraltar đang dẫn đầu thế giới về tỉ lệ tiêm chủng, ở mức 119% dân số. Kỳ lạ hơn nữa, họ đạt được con số này bất chấp việc trẻ em dưới 12 tuổi ở đây vẫn chưa được tiêm.
Giải mã tỉ lệ tiêm chủng kỳ lạ
Sở dĩ có con số kỳ lạ này là bởi Gibraltar chấp nhận tiêm chủng cho cả người nước ngoài cư trú tại đây. Trên thực tế, vùng lãnh thổ này có rất nhiều công nhân đến từ Tây Ban Nha, và rất nhiều người trong số đó đã được tiêm chủng tại Gibraltar, rồi đưa họ vào danh sách kiểm đếm thống kê của mình.
Gibraltar dẫn đầu thế giới về tỉ lệ tiêm chủng
Được biết, chính quyền Gibraltar đã chấp nhận tiêm chủng cho bất kỳ ai trên 16 tuổi tại đây, bất chấp tình trạng thị thực của họ là gì. Theo số liệu từ Bộ trưởng Y tế Samantha Sacramento, có khoảng 40.000 người tại Gibraltar đã tiêm chủng - nghĩa là nhiều hơn dân số chính thức của vùng này.
Và tính đến thời điểm hiện tại, Gibraltar cũng mới chỉ có 97 ca tử vong vì Covid-19. Tất cả đều xảy ra trước khi vaccine được tiêm chủng diện rộng. Kể từ tháng 2/2021, họ chỉ chứng kiến 2 - 3 trường hợp qua đời vì virus, dù biến chủng Delta đang đày đọa cả thế giới. Thậm chí giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 6 năm nay, họ cũng không ghi nhận bất kỳ ca nhiễm mới nào.
Dù chỉ có dân số khá khiêm tốn, những gì xảy ra ở Gibraltar vẫn là điều đáng ngưỡng mộ. Tổng cộng kể từ đầu đại dịch, Gibraltar chỉ mất khoảng 2 tháng phong tỏa mà thôi.
Bằng chứng về hiệu quả của vaccine
Tính đến giữa tháng 4/2021, Gibraltar đã tiêm chủng 66.232 liều - gần như tương đương với toàn bộ dân số. Dẫu vậy, vẫn có khoảng 3,5% người đủ điều kiện tiêm chủng vẫn chưa tiêm. Nhưng sau khi ghi nhận một vài ca nhiễm mới trong tháng 7 với biến chủng Delta, số lượng người bài trừ vaccine đã giảm đi đáng kể, chỉ còn 1,04%.
Và tình hình diễn ra ở Gibraltar cũng là minh chứng cho thấy vaccine đã làm việc thực sự hiệu quả. Trong số các trường hợp qua đời sau tháng 2/2021, 2 người không tiêm chủng, trường hợp còn lại tuổi đã cao, nguyên nhân tử vong chủ yếu là vì bệnh nền.
Theo Tiến sĩ Matilde Cañelles López từ Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha (CSIC), điều này cho thấy Gibraltar chính là minh chứng cho việc vaccine có tác dụng, có thể giảm nguy cơ nhiễm bệnh, mắc triệu chứng nặng hoặc tử vong.
Để so sánh thì Mỹ mới chỉ tiêm chủng cho 56% dân số, và đến nay đã vượt 700.000 ca tử vong. Trong đó, phần lớn các ca tử vong mới đều nằm ở nhóm chọn không tiêm vaccine.
Nguồn: News.com.au
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Một ứng dụng quản lý chi tiêu bằng AI đang gây sốt dân mạng Việt: Nhắc 'cực gắt' mỗi lần lỡ chi nhiều tiền, cảm giác như bị mẹ mắng!
Theo nhà phát triển, thay vì chỉ đưa ra những cảnh báo khô khan, Rolly phản hồi với giọng điệu đầy tính cá nhân, thậm chí "châm biếm" để khiến người dùng nhận ra thói quen tiêu tiền...quá đà của mình
Tiếng kêu thực sự của khủng long nghe như thế nào?