Việt Nam sắp công bố đề án ưu đãi đặc biệt cho cộng đồng Startup, không kém gì Ấn Độ

    PV,  

    Một loạt vấn đề cộng đồng Startup quan tâm như miễn/giảm thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, các vấn đề đào tạo, khó khăn tài chính… đều được chính phủ hỗ trợ với đề án xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam.

    “Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thông qua trong thời gian tới”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết tại sự kiện Kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam – Hoa Kỳ diễn ra ngày 7/3.

    Thứ trưởng Tùng cho biết, Nhà nước Việt Nam đã hỗ trợ cho việc hình thành, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam bằng việc xây dựng các đạo luật mới, giúp việc hình thành và phát triển hệ sinh thái này được triển khai một cách thuận lợi.

    Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" có 2 điểm đáng lưu ý, theo Thứ trưởng Tùng. Đó là: Sử dụng ngân sách Nhà nước để đầu tư, dẫn dắt các doanh nghiệp khởi nghiệp; và Nhà nước sẽ hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC), tạo điều kiện đầu tư cho các doanh nghiệp.

    Dưới đây là những ưu đãi cụ thể đối với doanh nghiệp khởi nghiệp trong đề án nói trên:

    1. Nghiên cứu, xem xét ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật cần thiết để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo:

    - Cơ chế đăng ký thành lập, hoạt động quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư gọi vốn từ cộng đồng;

     Quỹ đầu tư mạo hiểm là một trong những yếu tố chủ chốt góp phần hình thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp. Nguồn: 500.

    Quỹ đầu tư mạo hiểm là một trong những yếu tố chủ chốt góp phần hình thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp. Nguồn: 500.

    - Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; từ đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo;

    - Miễn, giảm thuế cho các tổ chức ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh phục vụ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo;

    - Khuyến khích đưa chương trình đào tạo khởi nghiệp vào một số trường đại học kỹ thuật, kinh doanh;

    - Tạo điều kiện thuận lợi để các sáng lập viên của doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư, huấn luyện viên, nhà tư vấn là người nước ngoài có thể có visa làm việc ít nhất 1 năm tại Việt Nam khi tham gia làm việc tại các khu không gian làm việc chung, tổ chức ươm tạo khởi nghiệp, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, cơ sở đào tạo, hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam.

    2. Khuyến khích hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo:

    - Hỗ trợ xây dựng và triển khai chương trình đào tạo khởi nghiệp tại các trường đại học, trường phổ thông trung học và trường dạy nghề

    - Hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ nâng cao năng lực khởi nghiệp như đào tạo, ươm tạo, huấn luyện, hướng dẫn khởi nghiệp, tư vấn sở hữu trí tuệ, tưvấn thuế, tài chính, đầu tư, marketing, kêu gọi vốn đầu tư;

    - Hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức đào tạo huấn luyện viên khởi nghiệp, hướng dẫn viên khởi nghiệp, nhà đầu tư thiên thần và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.

    3. Khuyến khích hoạt động cung cấp cơ sở vật chất – kỹ thuật cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo:

    - Hỗ trợ kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất – kỹ thuật của các tổ chức ươm tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh có liên kết với quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, viện nghiên cứu, trường đại học, trường dạy nghề;

    - Khuyến khích các trường đại học, trường dạy nghề, cơ quan bộ, ngành, địa phương cung cấp địa điểm, không gian làm việc chung, cơ sở vật chất cần thiết cho hoạt động đào tạo, ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo;

     Không gian làm việc chung (Co-working Space) Toong Tràng Thi. Ảnh: Toong.

    Không gian làm việc chung (Co-working Space) Toong Tràng Thi. Ảnh: Toong.

    - Hỗ trợ kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất – kỹ thuật của các tổ chức cung cấp thiết bị dùng chung như hạ tầng mạng; công cụ thí nghiệm, thử nghiệm sản phẩm mẫu cho các nhóm khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

    4. Phổ biến và kết nối thông tin giữa các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp

    5. Hỗ trợ tài chính cho các ý tưởng, dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

    6. Tăng cường hợp tác quốc tế trong hỗ trợ khởi nghiệp

    7. Thí điểm hoạt động thúc đẩy kinh doanh cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua việc nâng cấp Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam (VSV) thành Dự án cấp quốc gia.

    Dự án bao gồm 5 giai đoạn: (1) xác định nhóm công nghệvà xây dựng hệ thống dữ liệu; (2) Xây dựng năng lực, (3) đầu tư vốn mồi thông qua các tổ chức thúc đẩy kinh doanh, đầu tư vốn giai đoạn bắt đầu phát triển của doanh nghiệp (Series A), (4) xây dựng mạng lưới nhà đầu tư cá nhân cho khởi nghiệp, và (5) xây dựng mạng lưới quỹ đầu tư mạo hiểm.

    5 giai đoạn này được thực hiện song song từ năm 2016 đến 2020.

    Bảo Bảo/CafeBiz/Theo Trí Thức Trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ