Vì sao giao diện của Temu "vừa xấu vừa rối rắm" hơn Shopee mà dân tình vẫn thi nhau vào mua?

    Mạnh Kiên,  

    So với Shopee, Lazada hay Tiki, ứng dụng Temu vừa vào Việt Nam có giao diện lòe loẹt và có phần kém chuyên nghiệp hơn hẳn.

    Vì sao giao diện của Temu "vừa xấu vừa rối rắm" hơn Shopee mà dân tình vẫn thi nhau vào mua?- Ảnh 1.

    Khi mở các nền tảng thương mại điện tử quen thuộc như Shopee hay Tiki để mua sắm, bạn sẽ thấy một giao diện gọn ghẽ, trực quan, được sắp xếp rất hợp lý để bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng sử dụng, với những gợi ý khéo léo để thôi thúc hành vi mua sắm trong vô tận.

    Nhưng khi truy cập vào Temu, thứ chào đón người dùng là một loạt cửa sổ bật lên tới tấp, chào hàng các chương trình giảm giá lớn, một mớ hỗn độn các dòng chữ đan xen nhau, hình ảnh ngẫu nhiên và số lượng sản phẩm chóng mặt.

    Đối với người tiêu dùng, yếu tố thẩm mỹ lòe loẹt và có phần hơi "chợ búa" của Temu rõ ràng không thể kích thích họ lựa chọn mua sắm. Bất kỳ thương hiệu nổi tiếng nào, kể cả trang web của các nhãn hàng đều cố gắng mang đến giao diện chỉn chu và chuyên nghiệp nhất có thể. Nhưng phương pháp ngược của Temu vẫn thành công.

    Thay vì tuân thủ các chuẩn mực thiết kế, Temu hay các nền tảng mới nổi gần đây như TikTok, Shein lại chọn gắn bó với công thức hình ảnh lộn xộn, bát nháo, vốn rất thường thấy trên các nền tẩng thương mại điện tử ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua.

    Trong khi những người sành sỏi về thiết kế có thể không thích những lựa chọn này thì thành công vang dội của Temu sẽ thay đổi mọi tư duy về thiết kế web và ứng dụng.

    Vì sao giao diện của Temu "vừa xấu vừa rối rắm" hơn Shopee mà dân tình vẫn thi nhau vào mua?- Ảnh 2.

    "Một phong cách rất Trung Quốc"

    Sự xung đột về mặt thẩm mỹ bắt nguồn từ một số khác biệt cơ bản trong cách thức hoạt động của thương mại điện tử ở Trung Quốc và phương Tây.

    Ở Trung Quốc, hầu hết hoạt động mua sắm trực tuyến diễn ra trên Tmall và JD.com, thay vì các trang web của từng thương hiệu riêng lẻ.

    Trong khi Gucci hoặc Zara sử dụng trang web chỉ để thu hút khách truy cập vào thương hiệu, còn bán hàng online chỉ là thứ yếu, thì các nền tảng Trung Quốc lại chỉ có mối quan tâm tối thượng là bán được càng nhiều sản phẩm càng tốt. Tâm lý đó là yếu tố quyết định kiểu giao diện lộn xộn nói trên.

    Nói cách khác, các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc như Temu hay Shein hướng đến mô hình thị trường, thay vì mô hình thương hiệu; do đó, trang chủ tràn ngập sản phẩm và phiếu giảm giá.

    "Kiểu thiết kế như vậy hóa ra lại hiệu quả", Oren Schauble, nhà sáng lập Valuable Studios, công ty tư vấn cho các thương hiệu về tiếp thị kỹ thuật số và chiến lược thương mại điện tử, cho biết. "Họ đang làm tốt công thức đó và liên tục lặp lại. Đến khi nào vẫn hiệu quả thì họ sẽ còn tiếp tục".

    Cũng vì các nền tảng này chú trọng yếu tố cạnh tranh về giá nên người mua hàng tiềm năng đến với họ cũng dễ tính hơn khi xét đến mặt giao diện.

    Không phải ngẫu nhiên mà những người mua sắm thuộc thế hệ Z ở phương Tây lại dễ tính chấp nhận giao diện theo phong cách Trung Quốc của Temu và TikTok Shop.

    Ashwinn Krishnaswamy, đối tác tại Forge Design, công ty tư vấn về thương hiệu tiêu dùng, cho biết những người tiêu dùng trẻ tuổi có thu nhập eo hẹp sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc họ có thể mua được nhiều món đồ thế nào hơn là vẻ đẹp của cửa hàng trực tuyến.

    Vì sao giao diện của Temu "vừa xấu vừa rối rắm" hơn Shopee mà dân tình vẫn thi nhau vào mua?- Ảnh 3.

    "Thế hệ trẻ cởi mở hơn trong tương tác với những giao diện có thể lộn xộn hoặc khó sử dụng… nếu giá trị mang lại xứng đáng. Với mức giảm giá 50%, tôi sẵn sàng gạt mọi sự khó chịu về giao diện lằng nhằng sao một bên".

    Trở thành tỷ phú với Temu

    Thành công từ sự không giống ai của Temu không chỉ thay đổi thế giới tiêu dùng phương Tây mà còn thay đổi cả các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc của chính họ. Nhà sáng lập Alibaba Jack Ma và nhà sáng lập JD.com Richard Liu đều tuyên bố công ty của họ cần phải thích nghi với sự cạnh tranh khốc liệt từ ngôi sao đang lên này.

    Temu không cố gắng trở thành Amazon; không cố gắng duy trì và mở rộng thị phần thông qua các nguyên tắc như phục vụ khách hàng, giao hàng nhanh và trả hàng miễn phí. Thay vào đó, họ tập trung vào nhu cầu mua sắm bất chợt của người tiêu dùng mới, những người kỳ vọng vào một nền tảng có thể đáp ứng nhu cầu của họ liên tục mà không có sự gián đoạn.

    Sau khi xây dựng được lượng người dùng lớn, họ thu hút người tiêu dùng đến với nền tảng bằng một lượng lớn sản phẩm giá rẻ. Thoạt nhìn, điều này nghe có vẻ không mới, nhưng Temu đã biến nó thành một nghệ thuật.

    Temu hợp tác với khoảng 80.000 nhà cung cấp sản xuất mọi sản phẩm mà người dùng có thể tưởng tượng trên đời. Công ty thu thập dữ liệu một cách tích cực để theo kịp thị hiếu và xu hướng thay đổi, đồng thời thêm hàng nghìn mặt hàng giá rẻ mới được thêm vào nền tảng mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thuộc thế hệ Z.

    "Mua sắm như tỷ phú", khẩu hiệu của Temu có nghĩa là người tiêu dùng có thể mua mọi thứ họ muốn với chi phí rất thấp. Còn cách nào tốt hơn để giành được sự yêu thích của người tiêu dùng hơn cách này?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày