Vì sao chuyên gia NASA tuyên bố chưa có phi hành gia nào từng rời khỏi bầu khí quyển Trái Đất, kể cả khi đã đặt chân lên Mặt Trăng

    Anh Việt,  

    Dù đã đặt chân lên Mặt Trăng, bay quanh quỹ đạo hàng trăm ngày hay "du lịch vũ trụ", các phi hành gia vẫn chưa từng thật sự bước ra khỏi bầu khí quyển Trái Đất. Lý do nằm ở định nghĩa khoa học mới về... độ dài khủng khiếp của khí quyển.

    Nghe có vẻ giống một thuyết âm mưu, nhưng theo các chuyên gia NASA, không một phi hành gia nào trong lịch sử -kể cả Neil Armstrong hay Yuri Gagarin -thực sự rời khỏi bầu khí quyển của Trái Đất.

    Lý do nằm ở cách chúng ta định nghĩa “bầu khí quyển” và “rìa không gian”. Trái Đất không có một đường biên rạch ròi giữa khí quyển và vũ trụ. Dù phần lớn không khí nằm dưới đường Kármán (khoảng 100 km tính từ mặt đất), thì về mặt vật lý, khí quyển của Trái Đất vẫn kéo dài đến hàng trăm nghìn kilomet ra không gian, thậm chí vượt xa quỹ đạo Mặt Trăng.

    Vì sao chuyên gia NASA tuyên bố chưa có phi hành gia nào từng rời khỏi bầu khí quyển Trái Đất, kể cả khi đã đặt chân lên Mặt Trăng- Ảnh 1.

    Doug Rowland, chuyên gia vật lý Mặt Trời của NASA, giải thích: “Không khí không dừng lại ngay trên đầu bạn. Nó chỉ loãng dần, loãng dần mãi. Ở độ cao của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), vẫn có không khí đủ để gây lực cản khiến trạm chậm lại - và cần được tái tăng tốc định kỳ bằng động cơ.”

    Một nghiên cứu vào năm 2019 từ dự án quan sát SOHO của NASA/ESA chỉ ra rằng, bầu khí quyển Trái Đất - cụ thể là lớp “geocorona” chứa hydro nguyên tử - có thể kéo dài tới 629.000 km, tức gần gấp 50 lần bán kính Trái Đất, và hoàn toàn bao trùm cả quỹ đạo Mặt Trăng. Điều này đồng nghĩa rằng ngay cả khi các phi hành gia hạ cánh lên Mặt Trăng, họ vẫn đang “trong khí quyển” của Trái Đất, dù mật độ không khí lúc này cực kỳ thấp (chỉ khoảng 0.2 nguyên tử hydro trên mỗi cm³).

    Thực tế còn rối rắm hơn khi xét đến việc cả Trái Đất và Mặt Trăng đều nằm trong khí quyển ngoài của Mặt Trời, gọi là nhật quyển (heliosphere). Điều này khiến câu hỏi “Không gian bắt đầu từ đâu?” trở nên tương đối hơn bao giờ hết. Nếu tính theo ranh giới vật lý cuối cùng của hệ Mặt Trời, thì phải tới tận heliopause -nơi mà gió Mặt Trời bị chặn lại hoàn toàn bởi không gian giữa các sao.

    Tóm lại, theo Rowland: “Không gian không phải là vùng chân không hoàn toàn. Trên đầu bạn, ở độ cao hàng trăm km, vẫn có không khí, bụi, nguyên tử hydro, plasma Mặt Trời và vô vàn thứ kỳ lạ khác.”

    Vậy nên, có thể nói một cách hài hước (nhưng chính xác):

    Kể cả khi bạn đi bộ trên Mặt Trăng, bạn vẫn đang… trong khí quyển của Trái Đất.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ