Vệ tinh đầu tiên của châu Phi thực chất là thành quả của nhóm các cô gái trẻ đang học trung học

    NPQM,  

    Đừng vội đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài cũng như những yếu tố ban đầu khác, vì bạn sẽ phải bất ngờ vì những gì họ làm được đấy.

    Vệ tinh vũ trụ tư nhân đầu tiên của châu Phi sẽ được tiến hành kích hoạt và phóng lên không gian vào tháng 5 năm 2017, và điều đặc biệt là nó được thiết kế và hợp tác chế tạo bởi 14 cô gái đến từ đất nước Nam Phi. Chính họ đã nảy ra ý tưởng và từng bước hiện thực hóa vệ tinh của mình, với vai trò và mục tiêu theo dõi và thu thập thông tin liên quan đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên lục địa, từ đó giúp đỡ các nước châu Phi có một nền tảng và cơ sở tốt hơn để đối đầu với thực trạng thiếu lương thực, thực phẩm và thảm họa thiên tai.

    Đây là một phần nằm trong dự án được khởi động bởi Tổ chức Phát triển và Thúc đẩy Kinh tế Nam Phi (MEDO) bắt tay với Đại học Bang Morehead tại Mỹ. Những cô gái này đã được đào tạo bởi các kỹ sư từ Đại học Công nghệ Cape Peninsula nhằm đưa thêm nhiều phụ nữ châu Phi được tiếp cận đến các lĩnh vực trong nhóm STEM (Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán học). Từ trước tới nay chưa từng có một người phụ nữ da màu nào du hành vũ trụ, do vậy, rất nhiều học viên nữ tham gia vào dự án này đều có một mong muốn cháy bỏng được sở hữu vinh dự đấy.

    "Khám phá không gian và chiêm ngưỡng khung cảnh Trái Đất một cách toàn diện nhất không phải là điểu mà phụ nữ châu Phi nào cũng có đủ khả năng làm được, hay ít nhất là may mắn có được cơ hội đó," cô bé 16 tuổi Sesam Mngqengqiswa chia sẻ với CNN. "Cháu muốn được tận mắt chứng kiến điều đó và tự tay làm nên hành trình của chính mình."

    "Được giúp đỡ những cô gái trẻ đầ tài năng và nhiệt huyết này thực hiện ước mơ của mình thực sự là một vinh dự và niềm vui khôn xiết dành cho tôi," Tiến sỹ Mae C. Jemison - phi hành gia nữ người Mỹ gốc Phi đầu tiên, đồng thời là Tổng Đại sứ cho chương trình nghiên cứu và thúc đẩy khoa học của Bayer - trao đổi với Seeker. "Quá trình luyện tập và đào tạo sẽ cần được theo dõi sát sao vì nó vô cùng quan trọng."

    Chiến dịch này được lập ra nhằm giúp châu Phi chống lại những thách thức về những đặc điểm khí hậu thất thường. Vệ tinh sau khi ghi nhận được những thông tin cần thiết sẽ gửi về căn cứ để phân tích và đưa ra giải pháp cũng như hướng đi hợp lý nhất cho người dân châu Phi.

    "Mong là kết nối trên đó sẽ ổn định để có thể gửi thông tin về một cách hiệu quả, liên tục," Mngqengqiswa cho biết. "Những vụ lũ quét và hạn hán trầm trọng luôn luôn khiến cho những người nông dân phải đau đầu tìm cách vật lộn mưu sinh."

    Cũng theo một thống kê của Liên hợp quốc, một trận hạn hán gây ra bởi hiện tượng El Niño đã khiến cho năng suất và sản lượng ngô của Nam Phi trong năm 2016 bị thiệt hại 9,3 triệu tấn. Do vậy, chính phủ đã phải đưa ra quyết định nhập khẩu thêm 3-4 triệu tấn ngô để bù đắp lại thiếu hụt đó.

    Trước khi thực sự bắt tay vào làm việc chế tạo vệ tinh không gian đó, các cô gái tài năng này phải thiết đặt và lập trình thử các vệ tinh bóng bay thời tiết. Sau nhiều lần tiến hành, họ đã bắt đầu tiến đến những bước thiết kế đầu tiên. Những hình ảnh cảm biến nhiệt độ chụp lại từ trên không gian sẽ được dùng để nghiên cứu về thiên tai và các cách phát hiện, khắc phục.

    "Nếu biết cách tận dụng nó, chúng tôi sẽ có thể dự đoán và đưa ra những biện pháp hợp lý cho những vấn đề tồn tại hiện nay và cả trong tương lai ở châu Phi," Brittany Bull- 17 tuổi - phát biểu. "Những vùng đất và khu vực ổn định để nuôi trồng cây giống, hay thậm chí là cả ngăn chặn cháy rừng hoặc lũ lụt nữa..."

    Hầu hết ở nhiều nước châu Phi, phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực khoa học chỉ chiếm chưa đầy 30% tổng số người làm cùng trong ngành. Dự án của MEDO cũng hướng đến một sự thay đổi liên quan đến con số đó bằng cách tăng cường giáo dục, hỗ trợ cho nhiều nữ giới tại các nước như Namibia, Malawi, Kenya và Rwanda phát triển tiềm năng của mình.

    Bull cũng là một ví dụ tiêu biểu và dễ hiểu khi cô chấp nhận tham gia dự án, vì một hy vọng cháy bỏng được hiện thực hóa giấc mơ của mình.

    "Tôi muốn chứng tỏ bản thân rằng mình không cần phải tự đặt ra những giới hạn vô hình cho mình vì mình là phụ nữ. Chúng ta có thể làm mọi việc, kể cả là phi hành gia."

    "Ai cũng nhận ra được tầm quan trọng của việc đảm bảo sự đa dạng của kinh nghiệm, tài năng và cả cung cách xử lý vấn đề trong thế giới hiện nay," trích lời Tiến sỹ Jeminson. "Do đó, phụ nữ luôn luôn là một nhân tố không thể thiếu trong mọi lĩnh vực. Đây không phải chỉ là công việc nhằm tác động tới những con số thống kê sáo rỗng, mà còn là nỗ lực tìm kiếm và khai thác những cá nhân tài giỏi có tiềm năng cống hiến lớn cho sự nghiệp nghiên cứu và tìm tòi kiến thức vì lợi ích nhân loại."

    Tham khảo: Seeker

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày