Vật chất kỳ lạ xe tự hành của Trung Quốc phát hiện trên Mặt Trăng có thể là thủy tinh

    zknight,  

    Điều này sẽ giải thích tại sao nó nằm giữa một miệng núi lửa.

    Tháng bảy vừa rồi, xe tự hành Thỏ Ngọc 2 của Trung Quốc khi đang thám hiểm vùng tối của Mặt Trăng đã chụp được một tấm ảnh bí ẩn. Nó cho thấy trên bề mặt Mặt Trăng xuất hiện một đống vật chất nhìn giống dạng gel nhưng lại lấp lánh ánh sáng.

    Nhóm điều khiển Thỏ Ngọc 2 đã quyết định tạm dừng hành trình để chụp thêm các tấm ảnh rõ ràng hơn tại địa điểm này. Các tấm ảnh bây giờ đã được công bố, cho thấy vật liệu lấp lánh đó có khả năng là thủy tinh.

    Xe tự hành Thỏ Ngọc 2 đã được tàu Hằng Nga 4 của Trung Quốc phóng lên và đổ bộ tại phần tối của Mặt Trăng hồi đầu năm nay. Đây là sứ mệnh thuộc Chương trình Thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, chúng ta đưa xe tự hành tới khám phá bề mặt phía sau Mặt Trăng.

    Vật chất kỳ lạ xe tự hành của Trung Quốc phát hiện trên Mặt Trăng có thể là thủy tinh - Ảnh 1.

    Vật chất kỳ lạ xe tự hành Thỏ Ngọc 2 của Trung Quốc chụp được khi đang thám hiểm vùng tối của Mặt Trăng

    Những hình ảnh rõ ràng hơn về vật chất lấp lánh trên bề mặt tối của Mặt Trăng đã được chia sẻ vào ngày 8 tháng 10 trên Our Space, một ấn phẩm khoa học được chính phủ Trung Quốc phê duyệt trên trang mạng xã hội Weibo.

    Nó được phát hiện bởi Andrew Jones từ Space.com, người đã báo cáo về vật chất lạ trong nhiều tháng trước đó.

    Dan Moriarty, một nhà địa chất tại Trung tâm Goddard Space Flight của NASA, đã thử tải hình ảnh trên Weibo về và tạo ra một số phiên bản nâng cấp khác nhau, bằng cách điều chỉnh độ sáng, độ tương phản và các tính năng tùy chỉnh khác:

    Trong một email, Moriarty nói rằng có những hạn chế đối với kỹ thuật này, bởi hình ảnh có thể bị ảnh hưởng bởi file nén JPEG và nó không có bất kỳ thanh tỷ lệ nào.

    Mặc dù vậy, những bức ảnh được nâng cấp dường như đã chứng thực những nghi ngờ trước đó, rằng vật liệu này có thể là thủy tinh hình thành từ một thiên thạch đâm vào bề mặt Mặt Trăng. Điều này sẽ giải thích tại sao nó nằm giữa một miệng núi lửa. 

    Nhưng nó cũng có khả năng là đá bazan có nguồn gốc từ thời kỳ các núi lửa trên Mặt Trăng hoạt động mạnh.

    "Hình dạng của các mảnh vỡ xuất hiện khá giống với các vật liệu khác trong khu vực", Moriarty nói với Space.com. "Điều này cho chúng ta biết vật liệu này có lịch sử tương tự như các vật chất xung quanh. Nó bị vỡ và gãy do tác động vào bề mặt Mặt Trăng, giống với đất quanh đó".

    Dư lượng thủy tinh từ tác động của thiên thạch và núi lửa cổ đại trên Mặt Trăng được cho là tương đối phổ biến. Chẳng hạn, một mảng đất màu cam từ một vụ phun trào núi lửa xảy ra cách đây hơn ba tỷ năm cũng đã được tìm thấy bởi hai phi hành gia cuối cùng đi bộ trên Mặt Trăng, Eugene Cernan và Harrison Schmitt của sứ mệnh Apollo 17.

    Vật chất kỳ lạ xe tự hành của Trung Quốc phát hiện trên Mặt Trăng có thể là thủy tinh - Ảnh 3.

    Xe tự hành Thỏ Ngọc 2 của Trung Quốc trên bề mặt tối Mặt Trăng.

    Quay trở lại với Thỏ Ngọc 2, xe tự hành này cùng tàu mẹ Hằng Nga 2 vừa mới được bật lại sau hai tuần tắt máy chống chọi với nhiệt độ lạnh lẽo trong màn đêm Mặt Trăng. Hi vọng rằng trong những bước đường tiếp theo, Thỏ Ngọc 2 sẽ còn gửi về nhiều tư liệu quý giá về môi trường xung quanh mặt tối của Mặt Trăng, nơi chúng ta chưa một lần đặt chân tới.

    Tham khảo Vice

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày