Từng làm cả thế giới điên đảo với tham vọng mang Internet tới những vùng biệt lập, dự án máy bay không người lái khổng lồ của Facebook chính thức chết yểu

    Linh Anh, Theo Trí Thức Trẻ 

    16 nhân viên làm việc trong dự án này đã bị sa thải.

    Ngày 26/6, Facebook tuyên bố từ bỏ kế hoạch xây dựng máy bay không người lái khổng lồ chuyên trách cung cấp Internet cho các khu vực vùng sâu, vùng xa. Với sải cánh tương đương một chiếc Boeing 747, máy bay của Facebook dự kiến sẽ giúp mạng xã hội này hiện thực hóa tham vọng mang mọi người tới gần nhau hơn, bất kể họ ở đâu trên thế giới.

    Những chiếc máy bay không người lái là một phần của dự án Aquila, vốn từng khiến báo giới tốn nhiều giấy mực. Tuy nhiên, mục tiêu của Facebook đã thay đổi. Thay vì tạo ra những trạm phát sóng trên cao giống như những chiếc máy bay của dự án Aquila, Facebook giờ đây tập trung vào việc phát triển các công nghệ cơ bản.

    "Chúng tôi quyết định lúc này là thời điểm thích hợp để tập trung giải quyết những thách thức về mặt kỹ thuật. Điều này đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ không tự phát triển máy bay không người lái của riêng mình và kết quả là cơ sở chính của dự án ở Bridgewater sẽ bị đóng cửa", Yael Maguire, giám đốc kỹ thuật của Facebook, nhấn mạnh.

    Theo Business Insider, quyết định này sẽ khiến 16 nhân viên bị sa thải.

    Thông báo của Facebook xuất hiện không lâu sau khi giới truyền thông đưa tin về những biến động của Dự án Aquila. Đây từ là một trong những kế hoạch đầy tham vọng của Facebook để mang Internet tới những khu vực xa xôi, biệt lập.

    Khi thực hiện chuyến bay đầu tiên, máy bay không người lái của Facebook đã thực sự tạo nên một cơn bão. Tuy nhiên, gã khổng lồ trong lĩnh vực mạng xã hội này đã giấu việc máy bay bị rơi khi hạ cánh thay vì đáp xuống đúng như kế hoạch. Chuyến bay thử nghiệm thứ 2 thành công hơn nhưng phi cơ vẫn bị hư hại khi các cánh quạt hoạt động không đúng cách.

    Năm 2017, trong một email nội bộ, Facebook vẫn nói về việc tái thiết kế chiếc máy bay không người lái trước khi quyết định khai tử nó. Tuy nhiên, rõ ràng những nỗ lực đó đã không hiệu quả, dẫn tới kết cục ngày hôm nay của dự án Aquila.

    Năm 2014, Facebook mua một công ty nghiên cứu máy bay không người lái có trụ sở tại Bridgewater, Anh với giá gần 20 triệu USD. Người đứng đầu của công ty, Andrew Cox, trở thành nhà sáng lập và lãnh đạo dự án Aquila của Facebook. Với quyết định đóng cửa, rõ ràng khoản đầu tư 20 triệu USD của Facebook đã không hiệu quả.

    Để tiếp tục kết nối mọi người, Facebook sẽ tạo ra một phương thức kết nối mới nhưng vẫn đảm bảo 3 đột phá là tính khả dụng, khả năng chi trả và khả năng tiếp cận. "Chúng tôi đã kết nối gần 100 triệu người thông qua nỗ lực của mình và tiếp tục phát triển nhiều công nghệ và các chương trình thế hệ mới, từ Wifi tốc độ cao đến những công nghệ hỗ trợ 4 tỷ người chưa có cơ hội tiếp cận Internet trên toàn cầu", Maguire nhấn mạnh.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ