Từ một nhà máy hoang tàn, BOE đã trở thành biểu tượng thần kỳ của ngành công nghệ Trung Quốc như thế nào?

    Chíp,  

    Từ một công ty đứng trên bờ vực phá sản, dưới sự lãnh đạo của một kế toán viên không mấy tên tuổi, BOE đang trên đà trở thành hãng sản xuất màn hình hàng đầu thế giới, cạnh tranh sòng phẳng với Samsung.

    Một phần tư thế kỷ trước, bị các đối thủ nước ngoài vượt trội về mặt công nghệ, gã khổng lồ quốc doanh Beijing Electron đứng trên bờ vực phá sản. Nhiều thập kỷ sau, với hàng chục tỷ nhân dân tệ kêu gọi được từ các quỹ đầu tư nhà nước, Beijing Electron hồi sinh dưới tên gọi BOE Technology Group Co. và đang hợp tác với Apple để trở thành nhà cung cấp màn hình thế hệ mới lớn nhất thế giới.

    "Tác giả" của màn lội ngược dòng ngoạn mục này là Wang Dongsheng, một kế toán không mấy tên tuổi. Ông tiếp quản Beijing Electron khi nó chỉ còn là một nhà máy sản xuất đèn chân không hoang tàn sau đó thuyết phục, thậm chí van xin nhân viên dưới quyền góp tiền để cứu công ty. Có thời điểm, Beijing Electron phải lao vào sản xuất cả nước xúc miệng để kiếm tiền duy trì hoạt động.

    Từ một nhà máy hoang tàn, BOE đã trở thành biểu tượng thần kỳ của ngành công nghệ Trung Quốc như thế nào? - Ảnh 1.

    Trụ sở BOE tại Bắc Kinh, Trung Quốc

    Vượt qua mọi khó khăn, Wang nhận được sự hỗ trợ từ Bắc Kinh để xây dựng nhà máy sản xuất màn hình phẳng lớn nhất thế giới. Ông cũng đặt ra chiến lược có thể đưa BOE trở thành hãng sản xuất màn hình lớn nhất thế giới: Làm chủ công nghệ màn hình có thể uốn cong để tạo ra nền tảng cho một thế hệ smartphone màn hình gập như Samsung Galaxy Fold. Hiện tại, màn hình dẻo của BOE đã được trang bị cho smartphone màn hình gập Huawei Mate X, Royole Flexpai và có thể trong tương lai nó còn được sử dụng trên chiếc iPhone gập của Apple.

    Hiện tại, BOE trở thành biểu tượng cho tham vọng phát triển công nghệ của Trung Quốc. Bạn sẽ chẳng thể nhận ra đây là một công ty từng suýt phá sản tới 2 lần khi ghé thăm nhà máy trị giá 7 tỷ USD của họ ở ngoại ô Thành Đô, một thành phố phía tây Trung Quốc, nổi tiếng với gấu trúc và các loại gia vị. Với diện tích đủ để đặt vào trong 16 sân bóng đá, nhà máy này sản xuất các mẫu màn hình OLED mà cả Apple và Huawei đều đang xem xét đưa vào các thiết bị tinh tú của họ.

    Theo Zhang Yu, phó chủ tịch cấp cao phụ trách marketing, với công suất 64.000 tấm màn hình mỗi tháng, ước tính tới cuối năm nay BOE sẽ trở thành nhà cung cấp màn hình OLED cho smartphone thứ 2 thế giới, chỉ sau Samsung Electronics Co.. Số tấm màn hình mà BOE tạo ra mỗi tháng có thể tạo ra 6 triệu chiếc smartphone màn hình gập và hãng này cũng đang hướng tới các khách hàng sản xuất thiết bị đeo thông minh, bảng điều khiển xe hơi, đồ gia dụng và TV. Cung cấp màn hình cho iPhone, như một số nhà phân tích dự đoán, sẽ giúp BOE tạo dựng danh tiếng trên thị trường màn hình smartphone trị giá 39 tỷ USD.

    "Màn hình gập là lực lượng cách mạng thúc đẩy sự thay đổi lớn tiếp theo trên thị trường", ông Zhang nói. "Chúng tôi có một kế hoạch toàn diện cho việc kinh doanh màn hình OLED. Màn hình cho thiết bị di động chỉ là một phần trong đó mà thôi".

    Từ một nhà máy hoang tàn, BOE đã trở thành biểu tượng thần kỳ của ngành công nghệ Trung Quốc như thế nào? - Ảnh 2.

    Nguyên mẫu màn hình OLED dẻo BOE trưng bày tại trụ sở

    Bên trong nhà máy tại Thành Đô, những cánh tay robot lật những tấm kính lớn như mặt bàn phòng họp như lật một tờ giấy. Một lớp màng 0,03mm được hình thành bên trên bề mặt kính để tạo ra các khối chân không trong suốt không có bụi trước khi các lớp điện tử được thêm vào. Sau đó, các đèn laser công suất cao sẽ được dùng để loại bỏ lớp màng ban đầu, tạo ra sản phẩm hoàn chính. Toàn bộ quá trình dài vài giây được diễn ra tự động, nhịp nhàng giống như dàn nhạc đang trình diễn một bản giao hưởng, gần như không có sự can thiệp của con người.

    Để có ngày hôm nay, BOE nhận được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ rất nhiều. Bên cạnh việc được các quỹ quốc doanh đồng ý giúp huy động ít nhất 20,5 tỷ CNY cho dự án xây dựng thêm một nhà máy ở Phúc Châu, phía nam Trung Quốc, BOE còn được các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước dành cho những ưu đãi về đất đai, năng lượng và các chính sách thuận lợi.

    Từ một nhà máy hoang tàn, BOE đã trở thành biểu tượng thần kỳ của ngành công nghệ Trung Quốc như thế nào? - Ảnh 3.

    Một nhân viên BOE vẽ trên màn hình để trình diễn tính năng cảm ứng đa điểm

    Chính quyền của Tổng thống Donald Trump rõ ràng không có những hỗ trợ như thế này cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tương lai của BOE không hoàn toàn là màu hồng. Kể từ khi bắt đầu phát triển màn hình OLED vào năm 2014 đến nay, khoản nợ của hãng này đã tăng gấp 4 lần, đạt mức kỷ lục 118 tỷ CNY.

    Là một doanh nghiệp đại chúng và có mối quan hệ đối tác với Apple và Samsung, BOE không bị cáo buộc gián điệp giống như Huawei. Nhưng tháng 11 năm ngoái, Nhật báo Kinh tế Hàn Quốc đã tố cáo BOE là một trong số các công ty Trung Quốc thâu tóm trái phép công nghệ màn hình dẻo của Samsung.

    Vụ việc này tiếp nối thương vụ thâu tóm gây tranh cãi vào năm 2003 của Hydis, một công ty chuyên về màn hình của Hàn Quốc. Chính Hydis đã cung cấp nền tảng cho mảng kinh doanh màn hình LCD của BOE. Tuy nhiên, BOE bị tố bỏ mặc Hydis lâm vào cảnh phá sản sau khi sử dụng công nghệ được chuyển giao từ hãng này để xây dựng một nhà máy sản xuất màn hình mới ở Bắc Kinh. BOE không thừa nhận rằng chính họ khiến Hydis sụp đổ và từ chối bình luận về cáo buộc đánh cắp công nghệ.

    Từ một nhà máy hoang tàn, BOE đã trở thành biểu tượng thần kỳ của ngành công nghệ Trung Quốc như thế nào? - Ảnh 4.

    Sáng lập, Chủ tịch BOE, ông Wang Dongsheng trong một sự kiện ở Tokyo vào năm 2017

    Mặc dù được coi là người hồi sinh BOE nhưng Wang Dongsheng vẫn giữ lối sống kín tiếng của mình. Ông từ chối lời mời phỏng vấn của Bloomberg.

    "Tôn trọng công nghệ và kiên trì đổi mới là một trong những giá trị cốt lõi của BOE", Wang tuyên bố trong một hội nghị với các đối tác hồi tháng 11 năm ngoái.

    Sau khi sản xuất màn hình LCD trên quy mô lớn, giờ đây BOE chuyển hướng sang chuyên về màn hình OLED vì nó có nhiều màu sắc hơn, tiêu thụ ít điện năng hơn và mỏng hơn. Màn hình OLED cũng có thể uốn cong, xoắn hoặc cuộn thành bất kỳ hình thức nào mà không làm ảnh hưởng tới chất lượng hiển thị tuyệt vời. Hiện tại, màn hình OLED đang được trang bị cho hầu hết các mẫu flagship trên thị trường từ iPhone của Apple tới Galaxy S của Samsung và các mẫu smartphone màn hình gập của Samsung, Huawei...

    Nhưng khó khăn là chi phí sản xuất màn hình OLED cao gấp 5 lần so với màn hình LCD, điều này khiến mức giá thiết bị cao hơn với đại đa số người tiêu dùng và gây cản trở cho việc xây dựng dây chuyền sản xuất. Nhưng BOE tin rằng smartphone màn hình gập sẽ dần giải quyết được các vấn đề này, sản lượng màn hình sẽ tăng và chi phí sẽ giảm trong thời gian tới.

    Từ một nhà máy hoang tàn, BOE đã trở thành biểu tượng thần kỳ của ngành công nghệ Trung Quốc như thế nào? - Ảnh 5.

    Doanh số tấm màn hình OLED dẻo trong những năm tới theo dự tính của IHS Markit (đơn vị: triệu tấm)

    Nhà máy tại Thành Đô, đã bắt đầu sản xuất hàng loạt vào năm 2017, là cơ sở sản xuất màn hình OLED trên quy mô lớn đầu tiên của BOE. Hiện tại, mỗi tháng nhà máy này xuất xưởng 32.000 tấm màn hình OLED, tương đương gần 70% công suất thiết kế. BOE cũng đang xây dựng thêm một nhà máy ở Miên Dương, ngay gần Thành Đô với công suất tương tự.

    Nhưng theo BOE dự tính các nhà máy này mới chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu màn hình OLED của thị trường. Vì thế, họ chuẩn bị xây dựng thêm 2 nhà máy như thế này tại Trùng Khánh và Phúc Châu với mục tiêu bắt đầu sản xuất hàng loạt từ năm 2020. Những dự án ấy của BOE có chi phí dự kiến là 14 tỷ USD. BOE cũng đang thử nghiệm dây chuyền sản xuất tấm màn hình OLED kích thước lớn hơn nhiều (gần 10 mét vuông) ở Hợp Phì cho các thiết bị lớn như TV. Đây là kế hoạch để cạnh tranh với LG Display Co. của BOE.

    Từ một nhà máy hoang tàn, BOE đã trở thành biểu tượng thần kỳ của ngành công nghệ Trung Quốc như thế nào? - Ảnh 6.

    Màn hình OLED có thể gập lại của BOE

    Sự phát triển bành trướng ấy đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia sản xuất màn hình hàng đầu thế giới. Các nhà cung cấp Trung Quốc, dẫn đầu là BOE và Tianma Microelectronics Co. tại Thâm Quyến, hiện chiếm khoảng 1/4 thị phần màn hình OLED dẻo toàn cầu, theo TrendForce. Tiếp nối đà tăng trưởng này, các hãng Trung Quốc sẽ bắt kịp những đối thủ từ Hàn Quốc vào năm 2020.

    Nhưng việc mở rộng quá nhanh cũng dấy lên mối lo ngại nguồn cung màn hình OLED vượt quá nhu cầu thị trường. Điều nay làm tăng rủi ro với BOE, công ty có giá trị thị trường vào khoảng 20 tỷ USD và doanh thu năm 2018 đạt 96 tỷ CNY.

    "Thị trường OLED vừa và nhỏ, dẫn đầu bởi Samsung Display, đang phải đối mặt với tình trạng công suất sản xuất vượt quá nhu cầu", Jerry Kang, nhà phân tích cấp cao tại IHS Markit viết. "Vì mức giá cao nên nhu cầu sẽ tăng khá chậm".

    Năm ngoái, BOE đã vượt qua LG Display để trở thành hãng sản xuất màn hình LCD lớn nhất thế giới. Hiện tại, họ muốn lặp lại thành công ấy với màn hình OLED, nơi Samsung đang giữ ngôi vương khi độc quyền cung cấp màn hình OLED cho iPhone.

    "Mọi người đã bắt đầu nhận ra rằng BOE có thể tác động tới hướng phát triển của toàn bộ ngành công nghiệp màn hình", giám đốc nghiên cứu TrendForce, Boyce Fan chia sẻ. "Trong khi các nhà cung cấp Trung Quốc thách thức sự thống trị của các đối thủ Hàn Quốc trên thị trường màn hình OLED thì các hãng smartphone Trung Quốc sẽ rất sẵn lòng lựa chọn màn hình của các hãng đồng hương".

    Trong thời kỳ hoàng kim của mình, những năm 1950 và 1960, Beijing Electron là hãng sản xuất linh kiện điện tử lớn nhất Trung Quốc. Họ sản xuất đèn chân không điện tử sử dụng công nghệ thời Liên Xô. Năm 1979 hãng này bắt đầu lâm vào khủng hoảng khi đất nước mở cửa để đón nhận những công nghệ vượt trội từ nước ngoài. Công ty đã phải cắt giảm tới 10.000 công nhân tại nhà máy ở phía đông bắc Bắc Kinh. Zhang nhớ lại rằng khoảng 90% sinh viên mới tốt nghiệp được tuyển dụng vào năm 1988 đã bỏ việc vì mức lương thấp. Các kỹ sư ở lại với công ty nhận lương thấp hơn cả lao công dọn dẹp trong khách sạn ở gần đó và khi các công nhân trẻ nghỉ việc, nhà máy chỉ còn lại toàn công nhân già, không có kỹ năng.

    Wang, khi đó là kế toán trưởng, có thể kiếm được một công việc lương cao hơn ở nơi khác. Tuy nhiên, ông được bổ nhiệm là giám đốc và quyết định thử nghiệm một lần cuối cùng. Ông khởi động chiến dịch cải tổ vào năm 1992, yêu cầu ban quản lý và công nhân góp vốn để cứu công ty khỏi bị phá sản. Theo tiết lộ của Zhang, với mong muốn duy trì hoạt động của nhà máy, 2.600 nhân viên đã góp được 6,5 triệu CNY, thậm chí một số công nhân đóng góp tới 5 năm tiền lương của mình.

    Tuy nhiên, số tiền ấy chỉ đủ để trả lãi cho các khoản vay và Beijing Electron không có một mảng kinh doanh cốt lõi tạo ra lợi nhuận khi mà thị trường không còn nhu cầu với đèn chân không điện tử. "Chúng tôi đã thử nhiều phương án tới mức chẳng thể nhớ nổi", Zhang nói. Zhang gia nhập công ty với tư cách một kỹ sư hóa học. Beijing Electron thậm chí thử nghiệm cả việc sản xuất nước xúc miệng và thành lập cả công ty môi giới việc làm để kiếm tiền. Nhưng cả hai đều không thành công.

    Tháng 4/1993, nhà máy được đổi tên thành Beijing Oriental và Wang hướng tới việc sản xuất TV màu, tạo ra các ống tia cực tím trước khi chuyển sang sản xuất màn hình phẳng vào đầu những năm 2000.

    "Có rất nhiều yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng thần kỳ của BOE. Tôi nghĩ các chính sách ủng hộ từ chính phủ và nỗ lực từ chính BOE là hai lý do chính", ông Fan của TrendForce nói.

    Tiếp theo, BOE đã phải đối mặt với một quyết định sinh tử: đặt cược vào loại màn hình nào cho tương lai? Sau một cuộc tranh luận nội bộ, họ chọn màn hình OLED dẻo, thứ mà một số giám đốc cho rằng sẽ tạo ra khác biệt.

    "Đó là một quyết định khó khăn và mọi người phải chịu áp lực rất lớn", Zhang nói. Và nó cũng tiềm ẩn rủi ro lớn, theo Zhang. Nếu BOE thất bại trong việc thương mại hóa màn hình OLED trong vòng 3 năm, công ty có thể sụp đổ dưới sức ép từ các khoản nợ.

    BOE bắt đầu với một dây chuyền thử nghiệm nhỏ vào năm 2011 và có nguyên mẫu đầu tiên vào năm 2013. Đây là kết quả sau nhiều năm nghiên cứu và tuyển dụng nhân tài giỏi nhất từ các trường đại học hàng đầu trong nước cùng những giờ làm việc dài đằng đẵng trong phòng nghiên cứu để thực hiện hàng trăm thử nghiệm với mục tiêu tìm ra sự đột phá của BOE.

    Mọi thứ không còn quá bấp bênh với BOE. Trụ sở chính của hãng này đang chiếm một góc rộng lớn trong một khu công nghiệp ở Bắc Kinh, bên cạnh hàng loạt thương hiệu toàn cầu khác như Mercedes, General Electric. Tại đây, BOE trưng bày các thành tựu của mình bao gồm màn hình hoàn toàn trong suốt và màn hình 65 inch được sản xuất bởi kỹ thuật in phun.

    "Với các đối thủ nước ngoài, thành công của chúng tôi giống như một phép màu. Nhưng với bản thân chúng tôi, nó là kết quả của hơn một thập kỷ nỗ lực hết mình", Zhang nói.

    Theo Bloomberg

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày