Việc sáng tạo ra tử cung nhân tạo là một tiến bộ khoa học đáng ghi nhận, nhưng giống như trí tuệ nhân tạo nếu con người không biết cách kiểm soát những phát minh một cách hợp lý thì đó chắc chắn là ngày tận cùng của nhân loại.
Bắt đầu từ hơn 1 thập kỷ trước, các nhà khoa học đã tiến hành những bước đi nhằm cho ra đời công nghệ đầy hứa hẹn mang tên Ectogenesis (tử cung nhân tạo), thế chân cho kỹ thuật IVF (thụ tinh trong ống nghiệm). Ứng viên cứu tinh cho nhóm người vô sinh, thậm chí có thể giúp mọi người sinh con mà không cần tới cơ thể người mẹ.
Không hề hoang đường
Mặc dù vậy, nếu truy ngược lịch sử thì thuật ngữ tử cung nhân tạo đã xuất hiện từ năm 1924 với nghiên cứu của nhà sinh học John Burdon Sanderson Haldane. Thời điểm đó ông còn khiến giới khoa học ngạc nhiên khi đưa ra dự đoán rằng khoảng 150 năm sau (tức năm 2074 tới đây) thì có tới 70% số trẻ em sinh ra trên thế giới là được thụ thai từ tử cung nhân tạo.
Dĩ nhiên là ông không được những đồng nghiệp cũng như dư luận ủng hộ với phát ngôn kiểu gây sốc này nhưng với sự phát triển chóng mặt của khoa học công nghệ thì thế giới dần nhận ra những gì ông tiên đoán là hoàn toàn có cơ sở.
Sau thời điểm John Haldane đưa ra ý tưởng về thuật ngữ tử cung nhân tạo khoảng 70 năm thì điều tưởng như chỉ xuất hiện trên phim viễn tưởng đã trở thành thực tế khi vào năm 1996, những nhà khoa học Nhật Bản đã duy trì sự sống thành công của một phôi thai dê trong một chiếc máy chứa nước ối nhân tạo.
Tủ cung nhân tạo mặc dù là một khái niệm rất mới và kỳ lạ nhưng lại không hề gây sửng sốt, nó giống như công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm (In Vitro Fertilization) ra đời cách đây trên 3 thập kỷ. Lúc đầu, người ta cho là viển vông nhưng nay lại phổ thông, được chấp nhận mà không gây tranh cãi về mặt đạo đức.
Ectogenesis là công nghệ hỗ trợ cho sinh sản, dựa trên những tiến bộ y học và sinh học. Đây chỉ là một trong những thành tựu trong các lĩnh vực liên quan mà con người đạt được trong thời gian gần đây, trong đó có việc giải mã thành công hệ gen người ở cuối thế kỷ trước.
Điểm đặc sắc của công nghệ này là việc bào thai phát triển lơ lửng trong tử cung nhân tạo có chứa dung dịch đặc biệt, dây rốn được liên thông với “các máy nhau thai”. Ngoài ra còn có bộ phận hiệu chỉnh các khuyết tật di truyền, như rủi ro mắc bệnh dị gen, bệnh Hungtington hay hội chứng Down.
Do phát triển trong phòng thí nghiệm có kiểm soát nên các đột biến thâm nhập phôi sẽ được hạn chế thấp nhất. Điều này không có nghĩa, mọi thứ là tuyệt đối hay cho ra đời những em bé “đặt hàng”, bởi không hề có gen đơn nào có thể dự báo cho ra đời một đứa trẻ hoàn hảo.
Lợi ích trước mắt
Theo nhà khoa học người Hungary, Zoltan Istvan, công nghệ Ectogenesis sẽ đạt được thương phẩm vào năm 2034 mặc dù hiện đang còn có nhiều ý kiến trái ngược. Thậm chí, có cả những quan điểm chống đối nhưng sớm muộn nó sẽ trở thành hiện thực, thay dần cho công nghệ IVF.
Lợi thế của tử cung nhân tạo là giảm các biến chứng khi sinh, nhất là hiện tượng sẩy thai, thai chết lưu vì quá trình phát triển của bào thai được giám sát chặt chẽ, quan sát được dễ dàng bằng mắt thường hoặc loại bỏ những biến chứng do người mẹ nghiện các loại chất kích thích trong khi mang thai truyền sang cho thai nhi.
Nó rất hữu ích với nhóm phụ nữ vô sinh muốn có con, thậm chí có thể dùng cho các cặp đồng tính muốn có con hợp pháp và hạn chế tình trạng đẻ thuê hay mang thai hộ. Ngoài ra, nó còn làm giảm gánh nặng tử vong do mang thai, sinh con ở phụ nữ, kéo dài tuổi sinh đẻ sinh học cho con người, kể cả những phụ nữ mắc bệnh nan y phải dùng tới thuốc...
Đặc biệt, nó còn áp dụng cả cho động vật, nhất là những loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, hoặc dùng để nuôi trồng khuẩn phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học.
Hiểm họa lâu dài
Mặc dù có những lợi ích cực kỳ rõ ràng nhưng mặt trái của công nghệ Ectogenesis lại là điều đáng bàn. Đó chính là việc lần đầu tiên trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, máy móc đã tạo ra con người.
Nếu những ai đã từng xem bộ phim khoa học viễn tưởng nổi tiếng Ma Trận thì chắc chắn không khỏi rùng mình khi nhìn thấy những cánh đồng chứa đầy những chiếc tử cung nhân tạo và kẻ nắm quyền điều khiển chính là những máy móc được điều khiển bởi một trí thông minh nhân tạo.
Hãy khoan nói về những vấn đề rắc rối liên quan đến các mối quan hệ xã hội đời thường khi công nghệ này thực sự phát triển hoàn thiện, hãy thử tưởng tượng một viễn cảnh giống như trong phim thì công nghệ tạo ra sự sống này có thể là dấu chấm hết cho sự tồn tại của con người.
Con người vốn sáng tạo ra máy móc để có thêm sự hỗ trợ trong những công việc nhất định nhưng việc một cỗ máy có thể nuôi sống phôi thai và tạo ra một cá thể mới thì trong tương lai chắc chắn không ai chịu được sự thật rằng mình được tạo ra bởi những máy móc vô tri vô giác.
Thậm chí nếu viễn cảnh trong phim Ma Trận là có khả năng xảy ra thì con người sẽ chính thức trở thành nô lệ đúng nghĩa đen của máy móc, là nguồn sống của máy móc nếu chúng biết cách tận dụng nguồn điện sinh hóa của cơ thể con người.
"Đừng bao giờ để con người làm việc của máy móc"
Một câu nói nổi tiếng của bộ phim Ma Trận với ý nghĩa không được đổi vị trí trong thế giới giữa con người và máy móc. Việc sáng tạo ra tử cung nhân tạo là một tiến bộ khoa học đáng ghi nhận, nhưng giống như trí tuệ nhân tạo nếu con người không biết cách kiểm soát những phát minh một cách hợp lý thì đó chắc chắn là ngày tận cùng của nhân loại.
>>Bình minh của Trí tuệ nhân tạo đã đến, loài người hãy coi chừng!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng