Từ bỏ cơ hội du học lẫn công việc lương cao, 8x xinh đẹp startup ứng dụng hẹn hò dành cho người “kén”, chứ không “ế”
Sau nửa năm ra mắt, dù không có số lượng thành viên “khủng” như các ứng dụng hẹn hò đại trà, Rudicaf đang chứng minh là cộng đồng chất lượng, uy tín cho những người muốn tìm kiếm một mối quan hệ nghiêm túc.
Tháng 11/2016, cô gái sinh năm 1987 Vũ Nguyệt Ánh cho ra đời ứng dụng Rudicaf - viết tắt của cụm từ “Rủ đi cà phê”.
Khác với các ứng dụng hẹn hò đã từng có ở Việt Nam hay trên thế giới, Rudicaf không có công cụ chat giữa các thành viên, không có phần tặng quà online hay các tương tác online khác.
Người dùng chỉ có thể vào xem hồ sơ đối phương, dùng thông tin cơ bản có kèm ảnh và “linh cảm” của mình để đánh giá người này có phù hợp hay không. Nếu có, người dùng tự đặt lịch hẹn với nhau và câu chuyện hai người sẽ bắt đầu từ một cuộc hẹn hò thực tế, chứ không bắt đầu thông qua ứng dụng.
“Tôi khẳng định Rudicaf không phải là ứng dụng hẹn hò online trên di động. Đây chỉ là một công cụ online hỗ trợ việc tạo ra những trải nghiệm hẹn hò offline chất lượng, khác biệt và đẳng cấp...”, Ánh chia sẻ.
Xác định đi một con đường khác, hướng tới xây dựng cộng đồng “chất lượng” hơn là số lượng, Rudicaf đưa ra quy định xét duyệt khá “khắt khe”. Các thành viên muốn tham gia cần có trình độ cử nhân Đại học trở lên (một số trường hợp đặc biệt được xem xét riêng), còn độc thân, có mức thu nhập từ 12 triệu đồng/tháng trở lên đối với nam và từ 8 triệu đồng/tháng trở lên đối với nữ.
Sau khi nộp hồ sơ, thành viên còn phải trải qua một loạt các quá trình tư vấn, xem xét, thẩm định rồi thanh toán phí gia nhập trước khi được cấp tài khoản để gia nhập.
Trong 6 tháng đầu ra mắt, Rudicaf có khoảng 10.000 lượt đăng kí từ các nguồn nhưng để trải qua đầy đủ các bước lọc hồ sơ, tư vấn, thẩm định thì chỉ chốt được hơn 100 khách.
Vậy nên không có gì ngạc nhiên khi trong năm đầu tiên, Rudicaf dự kiến số lượng thành viên chỉ khoảng vài trăm người – 1 con số rất khiêm tốn so với chục nghìn, trăm nghìn thành viên của các ứng dụng hẹn hò đại trà.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng không nhanh, thậm chí rất chậm nếu so với định nghĩa startup thông thường nhưng Rudicaf đã bước đầu thành công khi trong những tháng vừa qua không phải “tìm khách, kiếm khách và mời khách” mà chỉ tập trung xử lí hồ sơ và chăm sóc các khách hàng tự tìm đến đăng kí dịch vụ.
“Rudicaf đang đi từng bước thật chậm rãi trên con đường phát triển bền vững của mình với những con số thành viên khiêm tốn nhưng vô cùng chất lượng và nghiêm túc”.
“Mình muốn xây dựng một cộng đồng mà ở đó các thành viên yên tâm đặt lịch hẹn hò mà không canh cánh lo "bị lừa, bị ảo", không gặp phải những đối tượng không nghiêm túc, đang có gia đình hay có vấn đề về nhân cách, chỉ dùng ứng dụng như công cụ săn một vài thứ gì đó…” CEO 8x chia sẻ.
Từ bỏ “con đường hoa hồng” để theo đuổi đam mê khởi nghiệp
Tốt nghiệp loại Giỏi (vị trí Á khoa) chuyên ngành Đạo diễn Truyền hình tại Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội cùng bề dày kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực truyền thông, sau khi ra trường chưa đầy 1 năm, Vũ Nguyệt Ánh được mời về làm phó giám đốc điều hành một công ty truyền thông tại TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, sau một thời gian gắn bó, Ánh nhận ra điều làm cô vui nhất không phải đứng trước máy quay làm MC, đứng sau ống kính làm biên tập hay đạo diễn một chương trình hoành tráng, mà đó là những công việc liên quan đến chăm sóc đời sống tinh thần và tình cảm của con người.
Trở ra Hà Nội, cô gái sinh năm 1987 quyết định vay vốn ngân hàng, tự mở công ty riêng trong sự phản đối quyết liệt của gia đình.
“Mẹ mình rất bức xúc và thất vọng vì mình đã từ bỏ con đường truyền hình vốn đang rất thuận lợi, cũng là ngành sở trường mà mình đã được đào tạo và có kinh nghiệm lâu năm. Mặt khác, mẹ cũng luôn muốn mình đi du học bởi không muốn mình lãng phí 7 năm học chuyên Pháp trước đó và cũng bởi vì du học thời đó vẫn là 1 trào lưu khá hot. Nhưng mình đã nói với mẹ rằng: “Mẹ cứ coi như con vay tiền để đi du học, nhưng không phải là du học nước ngoài để mang về 1 tấm bằng mà không chắc sau này sẽ dùng để làm gì. Con sẽ học ở trường đời, thương trường với những bài học thực tế, hữu ích để dù con có thất bại khi kinh doanh thì những bài học đó vẫn luôn có giá trị và ý nghĩa trong quãng đường lập nghiệp sau này”.
Năm 2011, Vũ Nguyệt Ánh cho ra mắt startup Ericamoon, chuyên cung cấp các mô hình hẹn hò mới mẻ như: Single party - Mini party dành cho các bạn trẻ độc thân với các hoạt động trò chơi giao lưu, kết nối được tổ chức vào tối thứ 7 hàng tuần; Luxury connection – Dịch vụ kết nối tình yêu dành cho các đối tượng “high profile” trong xã hội…
Ở thời điểm đó, các dịch vụ do Ericamoon mang tới đã tạo ấn tượng tốt đẹp với đông đảo khách hàng tại Hà Nội. Tuy nhiên, do chi phí tổ chức khá cao trong khi thị trường lại chưa đủ tốt, cộng thêm việc thiếu kinh nghiệm quản lý tài chính, thiếu các mối quan hệ xã hội để mở rộng tập khách hàng… sau hơn 1 năm hoạt động và chấp nhận bù lỗ, Ánh phải đóng cửa công ty trong tiếc nuối.
Dù gánh khoản nợ vài trăm triệu ngân hàng nhưng Ánh không hề bi quan, gục ngã. “Mình vẫn luôn tin là sự thất bại này chỉ là tạm thời. Ngày cuối cùng chia tay với các nhân viên công ty, mình vẫn nói với các em rằng: Tin chị đi, chắc chắn rồi chị sẽ quay lại làm về mảng này!” – Nguyệt Ánh bồi hồi nhớ lại kỉ niệm 4 năm về trước.
Sau hơn 4 năm làm thuê trong lĩnh vực truyền thông và giải quyết được cơ bản “hậu quả” của lần khởi nghiệp đầu tiên, Ánh từ bỏ công việc đang trên đà thuận lợi tại một tập đoàn lớn, trở lại con đường khởi nghiệp với sự ngỡ ngàng của rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp và gia đình.
Vào ngày Quốc tế độc thân 11/11 năm ngoái, sản phẩm đầu tiên của Rudicaf là RUDICAF Dating - ứng dụng đặt lịch hẹn hò đầu tiên tại Việt Nam đã ra mắt tại Hà Nội với sự quan tâm của đông đảo giới báo chí, truyền thông.
Trong năm 2017, với mục tiêu trở thành thương hiệu uy tín số 1 Việt Nam trong lĩnh vực hẹn hò và kết nối con người, Ánh cùng đội ngũ sẽ tập trung hoàn thiện, nâng cấp ứng dụng RUDICAF Dating lên phiên bản 2.0 với nhiều tính năng thú vị như hẹn xem phim, hẹn ăn tối, chơi thể thao… thông qua hình thức kết nối sở thích.
Chia sẻ kinh nghiệm sau hai lần khởi nghiệp, CEO của Rudicaf cho rằng thời điểm mới là yếu tố quan trọng nhất đối với một startup. “Dù bạn có ý tưởng hay tới đâu, nhân sự của bạn có giỏi đến đâu, business model (mô hình kinh doanh-PV) có tốt tới đâu mà sản phẩm của bạn không ra đời đúng thời điểm thì bạn cũng không thể thành công được. Nếu quá sớm, thị trường sẽ chưa sẵn sàng đón nhận bạn; nếu quá muộn, bạn phải hụt hơi chạy theo hàng loạt đối thủ cạnh tranh hoành tráng khác”.
Ngoài ra, startup là một con đường chông gai, nhiều gian nan và rất cô đơn. Nếu không đủ đam mê, quyết tâm, ý chí và kiên nhẫn thì không nên làm startup và không thể làm startup đến cùng được, Ánh kết luận.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Huawei và SMIC gặp khó khăn với tiến trình sản xuất chip, mắc kẹt ở 7nm cho đến ít nhất năm 2026
Huawei và SMIC sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong thời gian tới.
Dựa trên lý thuyết mới, lần đầu tiên ngành vật lý học "chụp hình" được một hạt photon