TS.BS Nguyễn Kiên Cường: ‘Tin tức liên tục thay đổi nhưng các trắc nghiệm chuẩn về Covid-19 không hề cũ, việc thực hiện đúng hết sức quan trọng’
“Xét ở ý nghĩa và tầm quan trọng thì những bộ trắc nghiệm về đeo khẩu trang, rửa tay… của Lá chắn Virus Corona không hề cũ, mà vẫn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác dự phòng bệnh dịch”.
- Loạt sao Việt thi nhau làm trắc nghiệm xem hiểu virus corona đến đâu: Đức Phúc đạt điểm ấn tượng, Sĩ Thanh - Huỳnh Phương có tốt hơn?
- Ngành trò chơi điện tử Trung Quốc 'phất lên' nhờ virus corona
- Máy sấy khô tay không thể giết chết virus Corona, đèn UV cũng vậy: WHO đính chính 7 hiểu lầm lớn xoay quanh COVID-19
Đó là nhận định của Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường, Chủ nhiệm Khoa Vệ sinh Quân đội - Viện Y học Dự phòng Quân đội khi trao đổi với phóng viên về cổng trắc nghiệm của chiến dịch Lá chắn Virus Corona, nhằm tuyên truyền cho cộng đồng dự phòng bệnh dịch nguy hiểm này.
- PV: Thưa bác sĩ, trong những ngày này, bản thân bác sĩ và các đồng nghiệp đang làm gì để góp phần cùng cộng đồng phòng chống dịch?
TS.BS Nguyễn Kiên Cường: Trong những ngày qua, với tình hình dịch bệnh do Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng ta có thể nhận thấy rõ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan ban ngành từ trung ương đến điạ phương.
Chúng tôi cũng như các bạn đồng nghiệp khác đang nỗ lực chung tay cùng toàn xã hội thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng ngừa dịch bệnh, không để dịch lây lan.
Tôi cho rằng, chỉ cần thường xuyên theo dõi các thông tin chính thống từ Bộ Y tế, và thực hiện nghiêm các khuyến cáo của Bộ, thì đó là cách làm tốt nhất để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng trước dịch bệnh.
Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường, Chủ nhiệm Khoa Vệ sinh Quân đội - Viện Y học Dự phòng Quân đội.
Tôi cũng thấy, các đồng nghiệp của chúng tôi đang hết sức tích cực và khẩn trương trong công tác nghiên cứu, xây dựng quy trình lấy mẫu, quy trình xét nghiệm chẩn đoán phát hiện tác nhân và thực hiện các biện pháp điều tra giám sát ca bệnh theo yêu cầu nhiệm vụ, cách ly theo đúng hướng dẫn, quy định của ngành y tế.
Chúng tôi luôn xác định tư tưởng vững vàng và nêu cao ý thức trách nhiệm và quyết tâm cao nhất, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống, và tôi xin được bày tỏ lòng cảm kích của mình trước những việc làm của các đồng nghiệp trên cả nước trong công tác phòng chống dịch bệnh, và đặc biệt là các đồng nghiệp, các cán bộ nhân viên y tế đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn của tỉnh Vĩnh Phúc.
- PV: Vì sao bác sĩ đồng ý trở thành thành viên Ban Tư vấn, thẩm định chuyên môn cho chiến dịch Lá chắn Virus Corona? Bác sĩ nhận thấy điều tích cực, điểm sáng gì từ chiến dịch này so với những kênh thông tin đại chúng khác mà bác sĩ biết - cũng nói về virus Corona?
TS.BS Nguyễn Kiên Cường: Tôi đồng ý tham gia cho chiến dịch Lá chắn Virus Corona vì hai lý do. Thứ nhất, tôi nghĩ rằng những việc làm của tôi xuất phát từ mục đích chung tay phòng chống dịch, đó là một việc làm dù nhỏ bé nhưng ít nhiều cũng mang ý nghĩa tích cực cho xã hội, và cho cộng đồng, và cá nhân tôi cho rằng đó là một việc làm tốt.
Thứ hai, theo tôi được biết, việc cập nhật số liệu các thông tin về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch bệnh được chiến dịch Lá chắn Virus Corona tổng hợp từ các nguồn thông tin chính thống của Bộ Y tế, của các nguồn tin khoa học đáng tin cậy.
Theo tôi, việc cung cấp các bài test trắc nghiệm đưới dạng các câu hỏi và có sẵn đáp án để người đọc lựa chọn và trả lời có thể coi là điểm sáng của chiến dịch. Khi người dân quan tâm về dịch bệnh do Covid-19 thì việc tìm hiểu thông tin, nắm bắt thông tin, và các biện pháp phòng chống dịch được người dân hết sức quan tâm.
Việc chuẩn bị các bộ câu hỏi trắc nghiệm giúp cho người tham gia trả lời câu hỏi kiểm tra lại nhận thức của mình, và cần phải hiểu đúng, có kiến thức đúng, mới có hành vi đúng và áp dụng đúng các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
- PV: Là một trong những chuyên gia thẩm định nhiều bộ câu hỏi - đáp để làm thành Cổng thông tin trắc nghiệm về virus Corona rất hữu ích trên mạng xã hội Lotus. Xin bác sĩ đánh giá về ưu điểm, nhược điểm của những câu hỏi đó.
TS.BS Nguyễn Kiên Cường: Có 3 ưu điểm tôi nhận thấy. Thứ nhất, tìm hiểu kiến thức dưới hình thức trắc nghiệm sẽ giúp cho bạn đọc kiểm tra được mình hiểu đã đầy đủ chưa, đã đúng chưa và có chỗ nào mình còn bỏ sót hoặc chưa để ý. Cách làm này giống như cách thực hiện một trò chơi và giúp cho bạn đọc không bị nhàm chán, kích thích trí tò mò, do đó dễ ghi nhớ được thông tin.
Thứ hai, đáp án câu hỏi trắc nghiệm được dẫn nguồn từ các thông tin chính thống của Bộ Y tế và các nhà chuyên môn có uy tín và giàu kinh nghiệm.
Và thứ ba, các bộ câu hỏi đa dạng, phong phú về chủ đề, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho cộng đồng.
Cũng vì lý do nêu trên, tôi thấy về chất lượng chuyên môn những bộ câu hỏi hiện có trên cổng trắc nghiệm của Lá chắn Virus Corona là đạt yêu cầu phục vụ cộng đồng.
Còn về phương thức tạo hiệu ứng để tăng tính hấp dẫn với người dùng như giao diện, hình thức, cách làm để hấp dẫn thu hút bạn đọc… thì tôi không rành, các bạn hãy cứ theo dõi và tối ưu cho hiệu quả hơn để phục vụ người dùng.
- PV: Theo bác sĩ, đến thời điểm này khi thông tin từ khắp nơi trên mạng đã quá đầy đủ, quá nhiều về virus Corona; nhất là trên báo chí cập nhật liên tục tình hình dịch bệnh, thì những thông tin kiểu như hỏi đáp về rửa tay, khẩu trang, dấu hiệu nghi nhiễm... đã trở nên cũ chưa? Và người dân nên lưu ý gì để cùng kiểm soát dịch bệnh với các cơ quan y tế?
TS.BS Nguyễn Kiên Cường: Thông tin luôn luôn thay đổi và cập nhật, đặc biệt là thông tin về tình hình dịch bệnh, số ca bệnh mới mắc, số ca tử vong, số ca bệnh hồi phục luôn luôn thay đổi… Nhưng khó có thể nói rằng các thông tin kiểu như hỏi đáp chuẩn về rửa tay, khẩu trang, nghi nhiễm... đã trở nên cũ. Nếu xét về khía cạnh thời điểm đăng tải thông tin thì có thể coi là cũ, nhưng xét ở ý nghĩa và tầm quan trọng của nó thì không hề cũ, mà vẫn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác dự phòng bệnh dịch.
Để tiếp tục thu hút độc giả, thì cần tìm kiếm và đổi mới thông tin, khi các thông tin về kiến thức thường thức đã đầy đủ, thì cần các thông tin chuyên sâu hơn.
Hiện nay, khi có quá nhiều thông tin, thậm chí có những thông tin không chính xác được chia sẻ trên mạng xã hội gây lo lắng, hoang mang. Bởi vậy, người dân cần chủ động lựa chọn tiếp nhận các nguồn thông tin chính thống; bình tĩnh, không quá lo lắng, nhưng không chủ quan trước tình hình dịch bệnh.
Công tác phòng chống dịch đang được chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, người dân nên chủ động theo dõi thông tin cập nhật từ Bộ Y tế, áp dụng các khuyến cáo và thực hiện đúng các hướng dẫn được Bộ Y tế ban hành.
- PV: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Huawei và SMIC gặp khó khăn với tiến trình sản xuất chip, mắc kẹt ở 7nm cho đến ít nhất năm 2026
Huawei và SMIC sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong thời gian tới.
Dựa trên lý thuyết mới, lần đầu tiên ngành vật lý học "chụp hình" được một hạt photon