Trung Quốc cấp phép hoạt động cho Uber, nhưng đây không khác gì sợi dây quấn quanh cổ
Chính quyền Trung Quốc cho biết họ sẽ xóa khoảng cách khác biệt giữa taxi truyền thống và các dịch vụ như Uber, để tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng hơn.
Chính quyền Trung Quốc vừa mới loại bỏ một quy định đã tồn tại 18 năm đối với dịch vụ xe taxi, đây được xem như là động thái mở đường cho việc hợp pháp hóa các dịch vụ cho đi nhờ xe thông qua ứng dụng di động như Uber.
Bộ Phát triển nhà ở và đô thị, cùng với Bộ Công an đã ký một tài liệu mới vào hôm 16 tháng 3 vừa qua. Theo đó nó sẽ giúp loại bỏ một số quy định trước đây liên quan đến dịch vụ xe taxi, mà đã từng được thông qua từ năm 1998.
Uber tại Trung Quốc sẽ được coi là kinh doanh hợp pháp, nhưng phải tuân thủ các quy định của Chính phủ.
Mặc dù chưa rõ các nội dung trong quy định mới này, nhưng theo nguồn tin của Business Insider cho biết thì đây là nỗ lực của Chính quyền Trung Quốc nhằm xóa khoảng cách giữa các dịch vụ taxi truyền thống và các dịch vụ cho đi nhờ xe như Uber hay Didi Kuaidi.
Nguồn tin này cũng cho biết, một trong số những quy định được bãi bỏ là lệ phí nhượng quyền thương mại mà các tài xế taxi phải trả cho công ty của họ. Hầu hết tại các thành phố Trung Quốc, các tài xế phải trả một khoản phí khá cao cho công ty taxi mà mình đang làm việc được gọi là phí nhượng quyền thương mại. Mức phí này vào khoảng vài nghìn nhân dân tệ mỗi tháng.
Khoản phí này khiến cho mức lương của các tài xế taxi đã thấp lại càng thấp hơn. Cộng thêm với việc cạnh tranh từ các dịch vụ như Uber hay Didi, các tài xế taxi truyền thống đang gặp nhiều khó khăn. Có người đã bỏ công việc này, trong khi những người khác ở lại cố gắng phản đối và biểu tình.
Uber là lựa chọn của nhiều người dân Trung Quốc do giá cước rẻ.
Ông Liu Xiaoming, một quan chức cấp cao của ngành giao thông vận tại cho biết: “Nhiều thành phố sẽ bỏ phí nhượng quyền thương mại của các hãng taxi để cải cách lại ngành công nghiệp này. Mục đích là để cung cấp một môi trường cạnh tranh công bằng hơn cho các hãng taxi, cũng như các mô hình kinh doanh mới”.
Bên cạnh đó, các mô hình mới như Uber cũng sẽ được hưởng lợi từ quy định mới này. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Yang Chuantang cho biết: “Là một phát minh mới, các dịch vụ cho đi nhờ xe thông qua dịch vụ trực tuyến đã được khách hàng đón nhận. Chính vì vậy, giải pháp của chúng tôi là giúp các mô hình này chuyển tiếp thành hình thức kinh doanh hợp pháp”.
Điều đó cũng có nghĩa là Uber tại Trung Quốc sẽ được đưa vào khuôn phép. Nó sẽ được công nhận là hình thức kinh doanh hợp pháp, nhưng sẽ do Chính phủ quy định giá cước, phải tuân theo các quy định giống như các hãng xe taxi và quan trọng là phải đặt các máy chủ tại Trung Quốc.
Đây có thể là tin tốt, cũng có thể là tin xấu đối với Uber. Khi công ty này sẽ không được phép tự ý quyết định giá cước nữa, bên cạnh đó việc đặt máy chủ tại Trung Quốc cũng dễ dẫn đến việc các thông tin khách hàng bị Chính phủ yêu cầu truy cập.
Chúng ta sẽ chờ xem động thái tiếp theo của Uber là gì.
Tham khảo: BI
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng