Trên tay bo mạch chủ Biostar B760A-Silver: nhiều tính năng vượt phân khúc nhưng vẫn thiếu một điều
Biostar B760A-Silver là chiếc mainboard hiếm hoi trên thị trường không chỉ đạt tiêu chí về giá thành mà còn nhiều tiêu chí về hiệu năng.
Thông thường, khi lựa chọn mainboard – bo mạch chủ cho cấu hình máy tính để bàn sử dụng CPU của Intel, người dùng thường sẽ phân vân lựa chọn giữa các chipset Z, H và B series. Ở thị trường Việt Nam, do khá "nửa nạc nửa mỡ" của chipset H nói chung hay mới nhất là H770 nói riêng nên các nhà phân phối và bán lẻ linh kiện máy tính chỉ tập trung vào các sản phẩm mainboard chipset Z để phục vụ phân khúc cao cấp và B với phân khúc bình dân.
Cũng bởi khoảng cách tương đối xa giữa hai dòng chipset này mà người dùng sẽ gặp đôi chút khó khăn khi lựa chọn. Ngoài sự khác biệt về khả năng ép xung CPU hay số lượng làn PCIe hoặc cổng USB của chipset, các tính năng hay thiết kế linh kiện mainboard cũng có sự chênh lệch khá lớn. Nắm bắt được điều này, Biostar đã cho ra mắt mainboard B760A-Silver với tham vọng phần nào xóa mờ khoảng cách.
Vỏ hộp của Biostar B760A-Silver có thiết kế đơn giản với logo hãng, tên sản phẩm và tem thông tin hỗ trợ các dòng CPU Intel Core thế hệ 12 và 13. Bởi chipset 800-series đã bị Intel hủy bỏ và các CPU Intel Core I thế hệ 14 gần như không khác thế hệ 13, B760 là dòng chipset B mới nhất và tương thích với CPU lên tới i9-14900K.
Mặt sau hộp là thông tin chi tiết hơn về các tính năng nổi bật được trang bị cho chiếc mainboard này cũng như thông số kỹ thuật và sơ đồ các cổng kết nối ở phần I/O.Là mainboard sử dụng chipset B760, B760A-Silver nghiễm nhiên được xếp vào hàng ngũ bo mạch chủ tầm trung đến bình dân. Các phụ kiện đi kèm bởi vậy cũng gần như tối giản. Bên trong hộp chỉ bao gồm mainboard, sách hướng dẫn sử dụng, CD chứa sách hướng dẫn và file cài driver, miếng chắn I/O shield và 4 dây SATA3. Miếng chắn I/O là một linh kiện/ tính năng đang dần bị quên lãng với các sản phẩm bo mạch chủ. Trong khi đó, việc đi kèm một chiếc đĩa CD có thể được đánh giá là thừa thãi và thiếu bảo vệ môi trường, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp lớn trên thế giới đang hướng tới sản xuất trung hòa các-bon.
Với tông màu bạc (như tên gọi – Silver) thiên trắng, Biostar B760A-Silver sẽ là một lựa chọn tiềm năng cho các cấu hình máy theo chủ đề màu này.
Như đã nói ở trên, B760A-Silver hỗ trợ socket LGA1700 nên tương thích với tất cả các CPU Intel Core I thế hệ 12, 13 và 14. Không những thế, mặt sau của socket còn được in dòng chữ "LGA-17xx/LGA-18xx" một lần nữa lại làm dấy lên tin đồn về socket mới. Khả năng cao chiếc ốp lưng socket này sẽ được sử dụng lại cho socket mới đồng thời các tản nhiệt socket LGA1700 trên thị trường sẽ hoàn toàn tương thích với LGA1800 sau này.
Xung quanh socket là là hệ thống MOFSET với công suất 70A chỉ để phục vụ CPU, kết hợp nguồn vào 8+4 pin và tản nhiệt cỡ lớn cũng giúp mang lại hiệu năng đáng nể. Nhờ vậy, B760A-Silver có thể dễ dàng cân được các CPU đầu bảng với mức ngốn điện khủng khiếp như i9-13900K hay i9-14900K mà gần như không ảnh hưởng đến hiệu năng. Tuy nhiên, dù cấp điện tốt để CPU có thể hoạt động ở mức xung nhịp cao trong thời gian lâu hơn, bởi trang bị chipset B760 nên Biostar B760A-Silver không được ép xung CPU.
Phía dưới CPU là các chân chuẩn M.2 và NVMe, trong đó chân cắm NVMe 4.0 và WiFi Key E được đặt dưới tấm tản nhiệt nhôm. Chân cắm card WiFi M.2 còn được Biostar đi sẵn dây antenna để nối với chân SMA nối dài antenna ở khu vực cổng I/O. Dù chipset hỗ trợ tới WiFi 6E, việc không trang bị card WiFi là một điểm trừ nhưng cũng khó để đòi hỏi nhiều hơn ở một chiếc mainboard tầm giá này. Nếu có nhu cầu sử dụng kết nối không dây thay vì mạng dây hỗ trợ LAN 2.5 GbE, người dùng sẽ cần mua thêm cả card WiFi và antenna nối dài.
Bên cạnh chân PCIe 5.0 x16 là các khe M.2 với băng thông tối đa hỗ trợ chuẩn NVMe 4.0 và tất nhiên không được trang bị tản nhiệt để tối ưu chi phí. Tuy nhiên, chip âm thanh của B760A-Silver vẫn được tách riêng thông qua phần chỉ mạch màu vàng nhạt giúp hạn chế nhiễu và "sôi" khi sử dụng thiết bị âm thanh trở kháng thấp.
Không những thế, B760A-Silver còn được trang bị thêm đèn báo lỗi Debug LED sẽ sáng đỏ để báo lỗi về CPU, RAM, VGA hay ổ boot nếu máy không thể khởi động. Đây cũng là một tính năng hiếm thấy trên các bo mạch chủ tầm trung trở xuống.
Một điểm yếu khác của Biostar B760A-Silver là số lượng cổng kết nối ở khu vực I/O khi chỉ có 05 cổng USB 3.2 Type A, 02 cổng USB 2.0, 01 cổng USB 3.2 Type C, 01 cổng HDMI 2.1, 01 cổng DisplayPort 1.2 cùng cổng mạng RJ45, cổng âm thanh 3.5 và chân SMA cho antenna WiFi. Tất nhiên, B760A-Silver vẫn có điểm sáng với nút BIOS update giúp cài đặt BIOS mà không cần CPU.
Giao diện BIOS của B760A-Silver (ảnh: Biostar).
Tựu trung lại, Biostar B760A-Silver là một chiếc mainboard có hiệu năng gây bất ngờ so với mức giá, thậm chí có thể coi là một món hời đối với người dùng có hầu bao hạn chế. Dù vẫn còn một số hạn chế có thể khắc phục được, giá trị mang lại của B760A-Silver vẫn ở mức vượt kỳ vọng. Bất kể bạn xây dựng cấu hình để sáng tạo nội dung, làm văn phòng, chơi games hay thậm chí làm phòng game, chiếc mainboard đều sẽ đáp ứng được nhu cầu với mức giá cực kỳ hợp lý.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Một thiết bị trông giống máy đổi giọng nói của Conan, các nhà khoa học tạo ra nó làm gì vậy?
Một lượng lớn thông tin y tế, từng bị lãng quên trong suốt hàng ngàn năm, bây giờ có thể được khai thác từ chính cổ họng bạn.
Quyết bảo vệ "đại kình địch" của mình, Apple hé lộ lý do vì sao công ty không tự làm công cụ tìm kiếm