TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng dự thảo Nghị định 86 sửa đổi quy định doanh nghiệp công nghệ phải đáp ứng điều kiện kinh doanh và điều kiện hoạt động như đơn vị vận tải là không hợp lý.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô đã qua 4 lần trình Chính phủ nhưng vẫn chưa được phê duyệt. Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tiếp tục lấy ý kiến đóng góp lần thứ 5 nhưng dự thảo vẫn đang bị phản đối dữ dội từ nhiều phía.
"Nghi ngờ thiếu công tâm"
Hiệp hội Taxi Hà Nội và TP HCM vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 86.
"Chúng tôi tha thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ hoặc Văn phòng Chính phủ tổ chức một buổi đối thoại với đại diện doanh nghiệp (DN), cả Grab và các chuyên gia giao thông, sở GTVT các địa phương, để trao đổi, lắng nghe, tranh luận, nhằm hiểu rõ thực trạng, làm rõ chân lý, bản chất của các loại hình vận tải để có giải pháp đúng đắn nhất xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86 một cách hiệu quả, thuyết phục; bảo đảm vì lợi ích chung của đất nước và xã hội; tránh kiểu ngụy biện, đánh tráo khái niệm dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong ban hành nghị định này" - văn bản nêu rõ.
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM, cho rằng trong tờ trình Chính phủ, Bộ GTVT đã báo cáo chưa đúng về những sai lầm, bất cập quanh việc thực hiện thí điểm xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ (Grab, Uber). Việc Bộ GTVT vẫn coi Grab là xe hợp đồng điện tử - dù trong nhiều hội nghị, Bộ trưởng GTVT đã kết luận Grab là taxi - cả Bộ Tư pháp cùng các chuyên gia đều khẳng định thực chất đó là taxi điện tử. Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM bày tỏ: "Điều này khiến dư luận nghi ngờ có sự thiếu công tâm. Các hiệp hội taxi vừa phải gửi đơn kiến nghị khẩn cấp lên Thủ tướng".
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho biết trong điều 3 của dự thảo Nghị định 86 sửa đổi có nêu: "Kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; cước tính theo đồng hồ tính tiền hoặc thông qua phần mềm căn cứ vào km xe lăn bánh, thời gian chờ đợi". "Thế nhưng, cũng dự thảo nghị định này lại coi Grab (hoạt động đúng như định nghĩa trên) là xe hợp đồng điện tử thì rất vô lý. Hợp đồng điện tử hay hợp đồng giấy chỉ là phương thức giao kết chứ không phải là cơ sở để phân loại bản chất của loại hình vận tải" - ông Hùng băn khoăn.
Trong khi đó, ông Trương Đình Quý, Phó Tổng Giám đốc taxi Vinasun, nhấn mạnh bản chất cùng là hoạt động taxi nhưng Grab lại là xe hợp đồng điện tử với quy định quản lý lỏng lẻo hơn và chịu rất ít nghĩa vụ với nhà nước, người lao động, khách hàng. "Như vậy, chúng ta đang tạo sân chơi riêng, rất thoáng cho Grab vì lý do gì? Vì sao không quy định cả taxi truyền thống và taxi công nghệ đều là taxi để dễ quản lý, bình đẳng các nghĩa vụ và trách nhiệm? Còn anh nào ứng dụng công nghệ tiên tiến thì anh đó có lợi nhuận cao hơn" - ông Quý nêu vấn đề.
Taxi truyền thống hoạt động tại sân bay Nội Bài (Hà Nội)
Loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết
PGS-TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - đề nghị thay vì việc áp đặt, bó hẹp hoạt động của DN công nghệ trong tầm quản lý hiện nay của một số cơ quan nhà nước, Nghị định 86 sửa đổi cần phải đưa ra các biện pháp khuyến khích DN công nghệ tham gia sâu hơn vào việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế - xã hội.
Ông Long còn đề nghị cần xóa bỏ ngay những quy định chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý đối với xe khách liên tỉnh mà đưa ra những quy định làm hạn chế quyền lợi của người dân, hạn chế thành quả kinh tế. Ngoài ra, cần loại bỏ các điều kiện kinh doanh (ĐKKD), thủ tục không chứng minh được sự cần thiết, tạo ra gánh nặng và chi phí không cần thiết cho DN, qua đó gián tiếp làm gia tăng chi phí với người tiêu dùng và xã hội.
Theo ông Long, dự thảo Nghị định 86 sửa đổi quy định DN công nghệ phải đáp ứng ĐKKD và điều kiện hoạt động như đơn vị vận tải là không hợp lý. Bởi lẽ, nó làm biến đổi bản chất hoạt động của đơn vị cung cấp phần mềm và triệt tiêu ưu điểm của dịch vụ kết nối mang lại, biến nó thành kênh liên lạc không hơn không kém.
Tuy nhiên, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT, khẳng định dự thảo Nghị định 86 sửa đổi được xây dựng trên tinh thần kế thừa, không triệt tiêu cái mới và không làm phát sinh thêm ĐKKD. Giải thích về việc tăng ĐKKD trong dự thảo so với nghị định hiện hành, ông Ngọc cho rằng trong quy định soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật trước đây, nghị định hướng dẫn thực hiện luật, thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định. Tuy nhiên, theo tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới, nhiều điều trước đây có thể quy định ở thông tư, nay được quy định tại nghị định.
"Vì vậy, Thông tư 63 hướng dẫn thực hiện Nghị định 86 là những điều không mới, theo quy định mới là không thể quy định ở thông tư. Do đó, ban soạn thảo đã đưa quy định vào nghị định" - Vụ trưởng Vụ Vận tải lý giải và cho rằng việc thống kê điều kiện trong dự thảo nghị định rồi cho rằng tăng ĐKKD là chưa đúng.
"Tiền lệ nguy hiểm"
"Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi quy định DN công nghệ phải đáp ứng ĐKKD và điều kiện hoạt động như đơn vị vận tải là cản trở sự sáng tạo của ngành kinh tế số, tạo ra gánh nặng thực thi và chi phí vô lý cho DN, ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Đây là tiền lệ nguy hiểm trong bối cảnh thúc đẩy, khuyến khích khởi nghiệp và phát triển nền kinh tế 4.0" - PGS-TS Ngô Trí Long nhìn nhận.
Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam:
Định danh không đúng bản chất sẽ hạn chế DN phát huy thế mạnh
Là một công ty công nghệ, Grab đang hợp tác kinh doanh với hàng trăm đối tác là các công ty vận tải và hợp tác xã, hỗ trợ kết nối taxi, xe máy và ôtô gần nhất với khách hàng. Chúng tôi không sở hữu xe hay bất cứ tài xế nào. Việc xác định loại hình kinh doanh cho các dịch vụ kết nối xe hợp đồng điện tử là cần thiết nhưng định danh Grab là một công ty taxi sẽ bị xem là một bước lùi của Việt Nam trong quá trình kiến tạo ở kỷ nguyên 4.0.
Grab Việt Nam cho rằng tài xế chọn sử dụng nền tảng kết nối của Grab vì sự tự do và linh hoạt, dù đó là lái xe toàn thời gian hay lúc nhàn rỗi. Tài xế muốn sử dụng xe cá nhân tham gia các hoạt động kinh doanh vận tải thông qua ứng dụng Grab cũng có cơ hội tăng thu nhập. Vì vậy, nếu định danh Grab là một công ty taxi thì tài xế Grab sẽ bị ảnh hưởng, kéo theo đó là khách hàng. Việc định danh không đúng bản chất sẽ làm các DN bị hạn chế trong việc phát huy thế mạnh, nền tảng vốn có. Trong bối cảnh thương mại điện tử đang là xu hướng chung, việc ràng buộc luật của vận tải vào các dịch vụ ứng dụng công nghệ sẽ can thiệp quá sâu và ép DN thay đổi bản chất, mô hình kinh doanh của mình.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật BASICO:
Tư duy quản lý theo cách cũ, người dân chịu hậu quả
Trong khi Luật Giao thông đường bộ 2008 vẫn giữ nguyên nhưng 3 nghị định 91/2009/NĐ-CP, 93/2012/NĐ-CP, 86/2014/NĐ-CP và dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 86 quá khác nhau. Thậm chí, nếu tiến độ soạn thảo văn bản nhanh hơn thì tốc độ thay đổi còn lớn hơn nữa. Việc 10 năm phải thay đổi tới 4 nghị định đã chứng tỏ quy định bất cập, vô lý, vướng mắc.
Những nội dung thay đổi trong dự thảo Nghị định 86 sửa đổi không có nhiều điểm đổi mới và không có tính đột phá, mà mới chỉ là sửa chữa sai lầm, nhầm lẫn, vô lý, cản trở sự phát triển. Chính vì vậy, dự thảo dù đã trình Chính phủ 4 lần vẫn chưa được thông qua.
Nếu dự thảo lần này được ban hành cũng sẽ chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn vì rất nhiều tổ chức, cá nhân đã chỉ ra những thiếu sót, bất cập. Grab là taxi điện tử, chúng ta quản lý các loại hình này là taxi điện tử với những điều kiện phù hợp, chứ không phải áp đặt điều kiện của taxi truyền thống. Nếu tư duy quản lý theo cách cũ, người dân phải chịu hậu quả.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam:
Không thể quản lý Grab như taxi truyền thống
Không thể quản lý Grab, loại hình vận tải taxi, như taxi truyền thống. Cần phải gỡ bỏ bất cập để taxi truyền thống vươn lên và có quy định phù hợp với các loại hình vận tải mới này.
Ví dụ, việc kiểm định đồng hồ tính cước của taxi, các DN lớn mất hàng tỉ đồng mỗi năm. Chi phí này cuối cùng người tiêu dùng gánh chịu. Do đó, thay bằng việc phải kiểm định định kỳ, cơ quan chức năng giao cho DN. Nếu xảy ra gian lận, DN phải chịu trách nhiệm.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Một món đồ trong toilet được đấu giá 235 tỷ đồng, gây tranh cãi kịch liệt nhưng vẫn trở thành biểu tượng nghệ thuật đình đám
Dù đã qua hơn 100 năm , tác phẩm kỳ lạ của họa sĩ người Mỹ Marcel Duchamp vẫn thu hút nhiều sự quan tâm và bàn luận của công chúng cho đến hiện tại.
Dựa trên lý thuyết mới, lần đầu tiên ngành vật lý học "chụp hình" được một hạt photon