Tổng thống Mỹ "gây bão" vì chụp ảnh tự sướng tại lễ truy điệu huyền thoại Nelson Mandela
(GenK.vn) - Tấm ảnh tự sướng "khó coi" của 3 vị lãnh đạo cấp cao đang lan truyền như một cơn sốt trên Facebook và Twitter.
Tổng thống Mỹ và 2 thủ tướng chụp ảnh tự sướng trong lễ truy điệu huyền thoại Nelson Mandela
Hiện dư luận Mỹ và các báo lớn trên thế giới đang rất bất bình trước hình ảnh không đẹp của Tổng thống Obama cùng 2 thủ tướng Đan Mạch và Anh Quốc. Các ngài này đã giơ smartphone lên chụp ảnh tự sướng và cười tươi với nhau trên khán đài sân vận động FNB (thị trấn Soweto, Johannesburg, Nam Phi) trong lễ truy điệu của Nguyên Tổng thống Nam Phi, nhà đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid nổi tiếng nhất, ngài Nelson Mandela. Buổi lễ truy điệu có khoảng 80.000 người tham dự trực tiếp.
Tự sướng (Selfie) vừa được từ điển nổi tiếng Oxford 2013 chọn là từ của năm. Các nghiên cứu cho thấy tần số sử dụng từ này trong tiếng Anh đã tăng 17.000% trong riêng năm ngoái.
Tổng thống Obama ngồi giữa phu nhân Michelle Obama và Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning Schmidt trên khán đài, bên cạnh là Thủ tướng Anh David Cameron. Bà Thủ tướng Đan Mạch đã lấy smartphone ra và rủ 2 nhà lãnh đạo Anh Mỹ chụp ảnh tự sướng. Phu nhân Obama tỏ vẻ khó chịu và tránh vụ chụp ảnh này, trong khi Tổng thống Obama thì giúp bà Thủ tướng Đan Mạch đỡ chiếc điện thoại. Có vẻ bà Obama khá khó chịu với hành động này của chồng, đặc biệt là khi "đức lang quân" luôn tươi cười với nữ Thủ tướng Đan Mạch (ảnh dưới)
Dư luận cho rằng dù đây không phải lễ tang, nhưng các khách VIP như ngài Obama nên giữ ý tứ, nhất là trước ánh mắt của hàng triệu người và hàng trăm chiếc camera đang tập trung vào mình.
Một số bình luận trên tờ Washington Post đã mỉa mai hành động này của 3 vị lãnh đạo cấp cao
Một người trích dẫn câu nói nổi tiếng của ngài Nelson Mandela “Bề ngoài rất quan trọng – hãy luôn nhớ mỉm cười”. Một người khác thì viết “Một Tổng thống da đen, một nữ Thủ tướng da trắng và một Thủ tướng da trắng, tất cả hòa chung một nụ cười. Đó chính xác là những gì mà ngài Mandela đã tranh đấu cả đời, ngài nên cảm thấy hài lòng và xin một tấm ảnh của họ làm kỷ niệm”.
Một số ý kiến thì lại cho rằng, hành động của ông Obama và Cameron là phù hợp với sự kiện đang diễn ra, nơi người dân Nam Phi cũng đang nhảy múa và ca hát để tưởng niệm nhà lãnh tụ mà họ gọi là Madiba (tiếng gọi tôn kính các già làng trong cộng đồng của họ).
Nelson Rolihlahla Mandela (sinh ngày 18 tháng 7 , 1918 - mất ngày 5 tháng 12 , 2013 ) là Tổng thống Nam Phi từ năm 1994 đến 1999, và là tổng thống Nam Phi đầu tiên được bầu cử dân chủ theo phương thức phổ thông đầu phiếu . Trước khi trở thành tổng thống, Mandela là nhà hoạt động chống chủ nghĩa apartheid (chủ nghĩa phân biệt chủng tộc), và là người đứng đầu Umkhonto we Sizwe , phái vũ trang của Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC). Vào năm 1962 ông bị bắt giữ và bị buộc tội phá hoại chính trị cùng các tội danh khác, và bị tuyên án tù chung thân. Mandela đã trải qua 27 năm trong lao tù, phần lớn thời gian là ở tại Đảo Robben . Sau khi được trả tự do vào ngày 11 tháng 2 năm 1990, Mandela đã lãnh đạo đảng của ông trong cuộc thương nghị để tiến tới một nền dân chủ đa sắc tộc vào năm 1994. Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình từ năm 1994 đến 1999, Mandela thường ưu tiên cho vấn đề hòa giải dân tộc.
Tại Nam Phi, Mandela còn được biết tới với tên gọi Madiba, một tước hiệu danh dự mà bộ lạc của ông thường trao cho những già làng.
Mandela đã nhận hơn 250 giải thưởng trong hơn bốn thập niên, trong đó có Giải Nobel Hòa bình năm 1993.
Nguồn: Wikipedia tiếng Việt
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Huawei và SMIC gặp khó khăn với tiến trình sản xuất chip, mắc kẹt ở 7nm cho đến ít nhất năm 2026
Huawei và SMIC sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong thời gian tới.
Dựa trên lý thuyết mới, lần đầu tiên ngành vật lý học "chụp hình" được một hạt photon