Theo đà biến đổi khí hậu như hiện nay, nước biển có thể bay hơi hết?

    Thiên Long, http://www.sciencealert.com/if-carbon-levels-keep-rising-unabated-earth-s-oceans-could-eventually-ev 

    Nếu một ngày nào đó, biến đổi khí hậu gây nên tình trạng nước biển bay hơi hết, thế giới của con người và các loài sinh vật khác sẽ thực sự lâm vào một cuộc đại khủng hoảng.

    Các nhà khoa học mới đây đã đưa ra một dự đoán cho rằng, khi Mặt Trời dần biến thành một quả cầu đỏ khổng lồ, nhiệt độ cao và nhiều năng lượng hơn, sự sống trên Trái Đất sẽ có thể bị diệt vong.

    Lẽ dĩ nhiên điều này sẽ không thể xảy ra cho tới hàng triệu năm nữa. Cho đến nay, Mặt Trời được ước tính đã 4,6 tỷ năm tuổi và đang trải qua giai đoạn 5 tỷ năm cuối cùng trước khi trở thành một ngôi sao đỏ khổng lồ có nguy cơ nuốt tất cả các hành tinh xung quanh, có thể bao gồm Trái Đất.

    Nhưng nếu hiện tượng đó thực sự xảy ra, nhiệt độ cực đại có thể khiến các đại dương bốc hơi dữ dội, tạo nên một hiệu ứng nhà kính ẩm khó có thể đảo ngược. Đó chắc chắn là điều không thể tránh khỏi bởi Mặt Trời cũng như các ngôi sao khác sẽ phải tuân theo quy luật của vũ trụ. Có sinh ắt có tử.

    Tuy vậy theo một nghiên cứu mới đây của các nhà nghiên cứu, biến đổi khí hậu cũng là một nguyên nhân nguy hiểm không kém Mặt Trời có thể khiến các đại dương "bốc hơi" hết trong tương lai, gián tiếp hủy diệt sự sống của các loài sinh vật.

    Lượng khí CO2 đang được phát thải vào trong bầu khí quyển ngày càng nhiều hơn. Kéo theo đó, những tác động dễ thấy nhất là hiện tượng hiệu ứng nhà kính kiến Trái Đất dần nóng lên do không thể phản xạ toàn bộ nhiệt lượng từ mặt trời. Cùng với mặt đất, các đại dương cũng chính là nguồn phải hấp thụ một lượng lớn nhiệt lượng đó. Và nếu như nồng độ CO2 đạt đến một mức nhất định, đại dương sẽ đứng trước nguy cơ có thể bị biến mất.

    Để mô phỏng những tác động của CO2 trong bầu khí quyển, các nhà nghiên cứu đã sử dụng máy tính để xây dựng một môi trường nước. Mô hình này mô phỏng ý tưởng một hành tinh chỉ bao phủ toàn nước. Trái ngược lại Trái Đất của chúng ta hiện nay có tới hơn 70% là nước, còn lại là đất liền.

    Giả thuyết được sử dụng trong nghiên cứu cho rằng, CO2 đủ nhiều để giữ lại một lượng nhiệt lớn trong bầu khí quyển và khiến tất cả chất lỏng trên hành tinh bay hơi, thậm chí thoát ra khỏi bầu khí quyển và vĩnh viễn sẽ không quay trở lại dưới dạng những cơn mưa.

    Theo nhà khí hậu học Max Popp đến từ Viện khí tượng Max Planck tại Đức cho biết: "Về cơ bản, độ bão hòa CO2 rất cao có thể dẫn tới tình trạng nước bay hơi và biến mất. Quá trình nước bay hơi và biến mất ở ngoài vũ trụ sẽ xảy ra trong thời gian hàng triệu năm, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Mặc dù đây là một khoảng thời gian dài nếu nhìn từ góc độ của con người. Tuy nhiên những biến đổi về địa chất theo quy mô thời gian có thể thay đổi tương đối nhanh chóng".

    Nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Nature Communications phát hiện thấy, một hành tinh theo giả thuyết toàn là nước nếu có lượng CO2 trong bầu khí quyển đạt tới 1.520 phần triệu (ppm), nhiệt độ bề mặt trung bình có thể sẽ gia tăng tới khoảng 57 độ C. Tại mức nhiệt độ này, khí hậu sẽ bắt đầu mất ổn định, xáo trộn và dẫn đến tình trạng nước bay hơi vào trong không gian.

    Đó là trên mô hình hành tinh theo giả thuyết. Nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng, điều tương tự có thể dễ dàng xảy ra trên Trái Đất mặc dù khí hậu của chúng ta phức tạp hơn bởi có các yếu tố tác động khác như đất liền và các khối băng ở hai cực.

    Được biết, nồng độ CO2 trong không khí của Trái Đất hiện đã vượt qua mức 400 phần triệu (ppm).

    Popp nói với trang Motherboard về điều kiện xảy ra hiện tượng trên. Ông cho biết: "Ước tính sơ bộ lượng CO2 cần thiết để biến Trái Đất thành một nhà kính chứa ẩm khổng lồ sẽ cần gấp 3 hoặc 4 lần con số 1.520 phần triệu (ppm). Như vậy con số đó có thể là 4.500 hoặc lên tới 6.000 ppm".

    "Kết quả minh chứng từ nghiên cứu sẽ còn phải đợi một tương lai rất xa, lên tới hàng triệu năm nữa để kiểm chứng. Nhưng chúng sẽ không tác động gì tới khí hậu hiện tại và trong tương lai gần", Popp nói thêm.

    Phát hiện của các nhà nghiên cứu đặc biệt có ý nghĩa trong việc định hình tham vọng tìm kiếm một nơi định cư mới cho toàn bộ nhân loại ở ngoài vũ trụ xa xôi.

    Nhà khí hậu Popp khẳng định, có nhiều sứ mệnh đã tìm kiếm ra được hàng trăm hành tinh. Tuy vậy để tìm hiểu xem chúng có phù hợp với sự sống hay không, điều quan trọng nhất vẫn phải là trả lời được câu hỏi, liệu những hành tinh đó có thể duy trì được nguồn nước trong một thời gian dài hay không?

    Tham khảo ScienceAlert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày