Hiện tượng El Nino sắp quay trở lại và loài người có thể sắp chứng kiến thời điểm nóng nhất trong lịch sử; song hành với đó là những thiên tai và thảm họa kinh hoàng.
CNN đưa tin, nhiệt độ các đại dương đã nóng tới mức kỷ lục trong 4 năm qua, theo báo cáo của các nhà khoa học hồi tháng 1. Tới giữa tháng 3, các nhà khí hậu học lại lần nữa cảnh báo rằng nhiệt độ bề mặt nước biển toàn cầu đã tăng lên một mức cao mới.
Xu hướng này khiến các chuyên gia lo lắng về tương lai, đặc biệt là khi xuất hiện dần các dự báo El Nino đang trên đường bắt đầu vào mùa hè này - và cùng với nó là các tác động tiêu cực như nhiệt độ cực cao, lốc xoáy nhiệt đới và mối đe dọa đáng kể đối với các rạn san hô.
El Nino là gì?
El Nino là một hiện tượng thời tiết lớn ảnh hưởng đến quy mô toàn cầu. Nó được mô tả như một sự thay đổi khí hậu có tính định kỳ, kéo dài từ 2 đến 7 năm, trong đó nhiệt độ bề mặt biển nhiệt đới tại vùng trung và đông của Thái Bình Dương tăng lên đột ngột và kéo dài hơn so với trung bình dài kỳ.
Hiện tượng El Nino được gọi là "Trẻ hài đồng" theo tiếng Tây Ban Nha bắt nguồn từ cư dân Nam Mỹ. Nó thường xảy ra ở Peru và Ecuador vào mùa đông và được gắn liền với sự kiện Giáng Sinh.
El Nino gây ra một số hiện tượng khác nhau trên toàn cầu. Ở vùng trung tâm Tây Bán Cầu, nó gây ra sự khô hạn, thời tiết nóng và khó chịu hơn bình thường. Ngoài ra, nó cũng gây ra mưa lớn và lũ lụt ở một số nơi trên thế giới, trong khi các khu vực khác lại trở nên khô hạn và cháy rừng.
Hiện tượng này ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người, đặc biệt là cư dân sống tại các vùng ven biển của Thái Bình Dương. Nó có thể gây ra những thảm họa tự nhiên như lụt lớn, nạn đói, thiếu nước và các vấn đề về sức khỏe.
Hiện tượng El Nino được giải thích bởi sự tăng của nhiệt độ bề mặt biển ở vùng trung tâm Thái Bình Dương, do lượng khí nhà kính trên toàn cầu ngày càng đi lên. Nhiệt độ cao hơn sẽ dẫn đến sự biến động của dòng chảy nhiệt trong hệ thống khí quyển và khí hậu trên toàn cầu, gây ra những thay đổi đáng kể trong môi trường tự nhiên.
Tác động tiêu cực của El Nino trong lịch sử
Nhìn lại dữ liệu quá khứ, thế kỷ 20 ghi nhận 2 lần El Nino tồi tệ nhất diễn ra các năm 1982-1983 và 1997-1998. Lần "siêu" El Nino gần nhất vào 2015-2016 cũng được ghi nhận với "sức mạnh" tương tự nhưng đã thiết lập kỷ lục mới cho một số vùng trung tâm Thái Bình Dương.
Sự kiện El Nino năm 2015-2016 là một trong những sự kiện mạnh nhất từng được ghi nhận, với nhiệt độ đại dương ở phía đông Thái Bình Dương cao hơn mức trung bình hơn 2 độ C. Điều này gây ra những tác động đáng kể đến các kiểu thời tiết trên khắp thế giới, dẫn đến hạn hán, lũ lụt và cháy rừng nghiêm trọng ở nhiều khu vực khác nhau.
Ở Nam Mỹ, hiện tượng El Nino gây ra mưa lớn và lũ lụt, đặc biệt là ở khu vực phía bắc của Peru và Ecuador. Sạt lở đất và thiên tai gây thiệt hại đáng kể cho cơ sở hạ tầng và nông nghiệp. Ngoài ra, El Nino dẫn đến sự suy giảm quần thể cá, ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân địa phương.
Ở Đông Nam Á, El Nino gây ra hạn hán và nắng nóng kéo dài, dẫn đến mất mùa nghiêm trọng và thiếu lương thực, ảnh hưởng mạnh đến sinh kế và đời sống của người dân.
Ở châu Phi, El Nino khiến mùa mưa bị trì hoãn, dẫn đến mất mùa và thiếu lương thực ở các quốc gia như Ethiopia và Zimbabwe, làm trầm trọng thêm các điều kiện sống vốn đã khó khăn trong khu vực và dẫn đến việc nhiều người phải di dời.
Ngoài những tác động này, El Nino còn dẫn đến các sự kiện thời tiết quan trọng ở các khu vực khác, chẳng hạn như bão và lốc xoáy ở Hoa Kỳ và Canada, cháy rừng ở Indonesia và Úc.
Ảnh hưởng của sự kiện El Nino năm 2015-2016 vẫn còn được cảm nhận trong vài năm sau sự kiện này. Sự kiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu và theo dõi El Nino và các kiểu thời tiết khác, cũng như nhu cầu về các biện pháp chuẩn bị và ứng phó tốt hơn để giảm thiểu tác động của chúng đối với những người dân bị ảnh hưởng.
Sự kiện El Nino năm 2015-2016 cần được nhìn nhận trong bối cảnh của biến đổi khí hậu toàn cầu. Năm 2016 là năm nóng kỷ lục (đến nay) do sự kết hợp của biến đổi khí hậu toàn cầu và El Nino. El Nino tăng trực tiếp vào nhiệt độ toàn cầu năm 2016 thêm 0,12 độ C.
Mực nước biển toàn cầu cũng tăng 7mm do sự giãn nở về nhiệt. Suốt 12 tháng liên tục, nhiệt độ toàn cầu đạt các kỷ lục mới, lần đầu tiên trong lịch sử.
Những hệ quả khôn lường
Mốc 1,5 độ C sẽ bị xô đổ, 2023 sẽ là năm nóng nhất?
Trung bình hàng năm của nhiệt độ toàn cầu vào những năm gần đây đã tăng hơn 1,2 độ C so với thời tiền công nghiệp (1880).
Các quốc gia đã tham gia Thỏa thuận khí hậu Paris 2015 để cam kết hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ - và tốt nhất là 1,5 độ - so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp. Các nhà khoa học coi mức nóng lên 1,5 độ là điểm bùng phát quan trọng, vượt qua mức đó khả năng xảy ra lũ lụt nghiêm trọng, hạn hán, cháy rừng và thiếu lương thực có thể tăng lên đáng kể.
Adam Scaife, người đứng đầu công tác dự báo tầm xa tại Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh cho biết El Niño mạnh có thể đẩy hành tinh vượt qua lằn ranh đó, dù chỉ là tạm thời.
Josef Ludescher, một nhà khoa học cấp cao tại Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam, nói: "Chúng ta có thể sẽ có một năm nóng nhất được ghi nhận trên toàn cầu vào năm 2024". Năm nóng nhất được ghi nhận hiện tại là năm 2016, sau El Nino rất mạnh.
Mặc dù chúng ta đã 3 năm được làm mát bởi La Nina, nhiệt độ vẫn tăng vọt đến mức nguy hiểm.
Châu Âu chứng kiến mùa hè nóng nhất vào năm 2022, với nhiệt độ trên 40 độ C. Pakistan và Ấn Độ đã trải qua một đợt nắng nóng gay gắt, nhiều vùng lên tới hơn 49 độ C.
Mấu chốt của việc ngưỡng 1,5 độ có bị xô đổ hay không "không thực sự quan trọng", Scaife nói. "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử loài người, giá trị đó nằm trong tầm tay - và đó là điểm cốt yếu".
Scaife cho biết, bất kể mức tăng nhiệt độ chính xác mà El Nino mang lại là bao nhiêu, thì một số tác động của nó - bao gồm cả nhiệt độ khắc nghiệt - rất có thể là chưa từng có. "Mỗi lần chúng ta gặp phải El Nino kể từ giờ, nó sẽ làm tăng thêm mức độ nóng lên toàn cầu ngày càng lớn mà chúng ta đã tích lũy trước giờ".
"El Nino thường liên quan đến nhiệt độ phá vỡ kỷ lục ở cấp độ toàn cầu. Hiện vẫn chưa biết điều này sẽ xảy ra vào năm 2023 hay 2024, nhưng theo tôi nghĩ, nó có nhiều khả năng xảy ra hơn là không", Carlo Buontempo, giám đốc cơ quan Copernicus của EU cho biết.
Friederike Otto, giảng viên cao cấp tại Viện Grantham của Đại học Hoàng gia Luân Đôn, cho biết nhiệt độ do El Nino gây ra có thể làm trầm trọng thêm các tác động của biến đổi khí hậu mà các quốc gia đang trải qua - bao gồm các đợt nắng nóng nghiêm trọng, hạn hán và cháy rừng.
Otto cho biết: "Nếu El Nino phát triển, rất có thể năm 2023 sẽ còn nóng hơn năm 2016 – xét đến việc thế giới tiếp tục ấm lên khi con người tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch".
Hạn hán, nắng nóng và hỏa hoạn
El Nino có thể khuếch đại hạn hán, sóng nhiệt dữ dội và cháy rừng.
Nam Phi và Ấn Độ có nguy cơ bị hạn hán và nắng nóng gay gắt, cũng như các quốc gia gần Tây Thái Bình Dương bao gồm Indonesia, Australia và các quốc đảo Thái Bình Dương như Vanuatu và Fiji.
Đối với Úc - vẫn đang quay cuồng với lũ lụt trên diện rộng - El Nino có khả năng mang đến thời tiết khô hơn, nóng hơn nhiều, đặc biệt là ở các khu vực phía đông của đất nước. Kể từ năm 1900, 18 trong số 27 năm El Nino đi kèm hạn hán vào mùa đông và mùa xuân trên diện rộng, người phát ngôn của Cục Khí tượng Úc cho biết.
Lũ lụt gần đây ở Úc cũng làm gia tăng lo ngại về một mùa cháy rừng có sức tàn phá đặc biệt, vì sự phát triển của thảm thực vật gia tăng có thể cung cấp nguyên liệu cho các đám cháy khi thời tiết trở nên khô hơn và nóng hơn.
Ấn Độ cũng đang chuẩn bị cho các tác động của El Nino, hiện tượng có thể làm suy yếu gió mùa mang lại lượng mưa mà nước này dựa vào để lấp đầy các tầng chứa nước và trồng trọt.
Bão mạnh hơn
Không giống như La Nina, El Nino có xu hướng làm giảm hoạt động của các cơn bão ở Đại Tây Dương, nhưng lại tạo ra tác động ngược lại ở Thái Bình Dương, nơi nước ấm có thể cung cấp nhiên liệu cho các cơn bão dữ dội hơn.
Gottschalck cho biết: "Các cơn bão nhiệt đới thường có thể hình thành xa hơn về phía tây trong lưu vực và duy trì mạnh hơn trong thời gian dài hơn, do đó các tác động tiềm ẩn đối với Hawaii sẽ tăng lên. Điều này có nghĩa là có nhiều cơ hội đổ bộ hơn và các tác động từ xa, chẳng hạn như biển động mạnh hơn và kéo dài hơn, lượng mưa lớn,...".
Đối với các quốc đảo Thái Bình Dương tiếp tục là nạn nhân của cuộc khủng hoảng khí hậu, các nhà hoạt động cho rằng cần có sự đồng thuận của Liên Hợp Quốc để bảo vệ các thế hệ tương lai.
Ở những nơi khác trên Thái Bình Dương, Swain cho biết các mô hình cho thấy "vùng nước rất ấm" ngoài khơi bờ biển Peru đã mang đến lượng mưa lớn bất thường và lũ lụt ở các sa mạc. "Đó là dấu hiệu báo trước kinh điển cho một sự kiện El Nino quan trọng."
Hủy diệt san hô
Đại dương nóng lên là tin xấu đối với các rạn san hô.
Khi chúng trở nên quá nóng, san hô sẽ phun ra tảo sống trong mô của chúng, thứ cung cấp cho chúng cả màu sắc và phần lớn năng lượng. Điều này làm cho san hô chuyển sang màu trắng - một hiện tượng gọi là tẩy trắng san hô. Mặc dù chúng có thể phục hồi nếu nhiệt độ nguội đi, nhưng việc tẩy trắng khiến chúng có nguy cơ chết đói cao hơn.
Một giai đoạn tẩy trắng san hô đặc biệt thảm khốc đã xảy ra từ năm 2014 đến 2017 – tấn công mọi rạn san hô lớn trên trái đất. Rạn san hô Great Barrier của Úc đã chứng kiến gần 30% số san hô của nó chết trong đợt nắng nóng kỷ lục trên biển vào năm 2016 – sau đợt El Nino rất mạnh bắt đầu vào năm 2015.
Nhiều sự kiện tẩy trắng hàng loạt đã xảy ra sau đó và với El Nino đang đến gần, các nhà khoa học ngày càng lo ngại về những tác động đối với san hô vốn không có đủ thời gian để phục hồi.
Băng tan
Băng ở Nam Cực vốn đã vật lộn với ấm lên toàn cầu và El Nino có thể làm cho tình hình tồi tệ hơn.
Đầu năm nay, mức độ băng trên lục địa đã giảm xuống mức thấp kỷ lục lần thứ hai trong 2 năm, làm dấy lên lo ngại rằng sau nhiều năm thăng trầm, giờ đây lượng băng Nam Cực có xu hướng giảm mạnh.
El Nino có thể giúp đẩy nhanh quá trình này, theo một nghiên cứu gần đây cho thấy mối liên hệ giữa cường độ và tần suất của các sự kiện El Nino với tốc độ tan băng ở Nam Cực.
Wenju Cai, nhà khoa học nghiên cứu chính tại CSIRO, cơ quan khoa học quốc gia của Australia, nói với CNN: "Các mô hình dự đoán El Nino gia tăng nhiều hơn một cách có hệ thống sẽ tạo ra băng tan nhanh hơn".
Các nhà khoa học đang theo dõi chặt chẽ Nam Cực vì nó chứa một lượng nước khổng lồ trong lớp băng. Mặc dù dải băng ở Nam Cực khó có thể tan chảy hoàn toàn, nhưng nó có đủ nước để nâng mực nước biển toàn cầu lên 70 mét - thế nghĩa là tạm biệt vô số vùng đất ven biển loài người đang sống.
Cai cho biết trước mắt, các sự kiện El Nino có tác động khác nhau trên khắp Nam Cực, với mức tăng và giảm ở các khu vực khác nhau. Nhưng chốt lại, ông nói, xu hướng rất rõ ràng – "sự suy giảm tổng thể của băng biển".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng