Mark Zuckerberg đang ấp ủ tham vọng thống trị cả thế giới công nghệ.
Chưa bao giờ kể từ thời La Mã cổ đại, hành động giơ ngón tay cái thể hiện sự tán thưởng lại trở thành một biểu tượng quyền uy đến vậy. Chỉ 12 năm sau khi thành lập, Facebook đã trở thành một đế chế vĩ đại với dân số đông đảo, tài sản khổng lồ, người lãnh đạo lôi cuốn và tầm ảnh hưởng rộng lớn. Mạng xã hội lớn nhất thế giới này có 1,6 tỷ người dùng, trong đó 1 tỷ người dùng Facebook trung bình 20 phút mỗi ngày. Ở các nước phương Tây, lướt Facebook là hoạt động phổ biến nhất trên thiết bị công nghệ được sử dụng rộng rãi nhất (smartphone). Các ứng dụng của Facebook chiếm 30% thời gian sử dụng Internet trên di động của người Mỹ. Và đây là công ty đại chúng có giá trị lớn thứ sáu thế giới với tài sản 325 tỷ USD.
Bất chấp những thành tựu trên, Mark Zuckerberg, nhà sáng lập kiêm CEO 31 tuổi của Facebook vẫn đang ấp ủ một tham vọng lớn lao hơn. Anh đang có kể hoạch phổ cập kỹ thuật số ở các nước nghèo bằng cách phát tín hiệu Internet từ các máy bay không người lái chạy bằng năng lượng mặt trời. Ngoài ra, Facebook cũng đang phát triển những chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) đầy tham vọng, bao gồm chatbot và thực tế ảo. Khát vọng thống trị này sẽ khiến Facebook phải cạnh tranh khốc liệt hơn với những đế chế vĩ đại khác trong làng công nghệ, đặc biệt là Google. Cuộc chiến sắp tới giữa những người khổng lồ này sẽ định hình tương lai công nghệ của toàn nhân loại.
Những đế chế được xây dựng trên dữ liệu
Facebook đã trở nên giàu có bằng cách tạo ra những dịch vụ thu hút được lượng lớn người dùng và bán dữ liệu của họ cho các công ty quảng cáo. Điều này cũng đúng với Google. Hai ông lớn này đóng những vai trò khác nhau trong cuộc sống của người dùng. Google sở hữu những dữ liệu về thế giới trong khi Facebook biết người dùng và bạn của họ là ai. Người dùng tìm đến Google để làm việc và quay sang Facebook để giải trí.
Thế nhưng, vị thế thống trị và chiến lược của bộ đôi này đang trở nên giống nhau một cách kinh ngạc. Việc sở hữu các kho dữ liệu khổng lồ làm hai công ty này ít bị cạnh tranh và thu về lợi nhuận khủng. Nhờ đó, họ có thừa tiền để đầu tư vào các dự án rủi ro và loại bỏ các đối thủ cạnh tranh tiềm năng bằng cách thâu tóm và sáp nhập. Và cả hai công ty trên đều đang tìm cách thu hút người dùng và dữ liệu nhiều hơn, trên danh nghĩa vì lợi ích cộng đồng. Điều này lý giải tại sao cả hai luôn hào hứng với kế hoạch phổ cập Internet ở các nước đang phát triển, bằng cách sử dụng máy bay không người lái đối với Facebook và khinh khí cầu đối với Google.
Mục đích của họ là khai thác thêm dữ liệu để cung cấp dịch vụ mới và kiếm tiền theo những cách mới. Canh bạc của Facebook vào “máy học”, trong đó phần mềm tự học bằng cách khai thác dữ liệu thay vì được lập trình sẵn, là một phần quan trọng trong chiến lược trên. Facebook đã sử dụng các công nghệ AI để nhận diện khuôn mặt trong ảnh và phân bổ nội dung status và quảng cáo thích hợp cho người dùng. Facebook cũng đang dấn thân vào phát triển trợ lý ảo và chương trình chatbot, tương tác với người dùng qua các hội thoại ngắn. Tuần tới, hãng dự kiến sẽ bổ sung thêm chatbot cho dịch vụ Messenger. Facebook đã đầu tư vào thực tế ảo bằng cách mua lại Oculus, một công ty đứng đầu trong lĩnh vực này với giá 2 tỷ USD trong năm 2014. Động thái này cho thấy Facebook kỳ vọng thực tế ảo sẽ là lĩnh vực chủ đạo sau thời kỳ của smartphone.
Nhưng Facebook sẽ phải đối mặt với nhiều đối thủ trong các lĩnh vực trên. Google đang sử dụng công nghệ AI để cải thiện dịch vụ Internet và dẫn đường cho xe tự lái của mình. Các ông lớn công nghệ khác cũng đang đầu tư mạnh tay vào AI, mặc dù với ngân sách lớn và nhiều dữ liệu nhất, Facebook và Google có thể thu hút những nhà nghiên cứu giỏi và start-up triển vọng nhất.
Facebook đã tụt lại sau Amazon, Apple, Google và Microsoft trong việc phát triển phần mềm trợ lý cá nhân được điều khiển bằng giọng nói. Ở chatbot, Facebook phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Microsoft và một loạt các start-up đang khát khao chứng tỏ mình. Và trong hành trình chinh phục công nghệ thực tế ảo, mà Zuckerberg xem là bước đệm cho tương tác ảo, Facebook cũng đang gặp các đối thủ đáng sợ. Microsoft đã nhảy vào tương tác ảo với kính HoloLens, sản phẩm ấn tượng nhất của hãng trong nhiều năm. Google thì từ lâu đã tích cực phát triển tương tác ảo khi đầu tư vào Magic Leap, một start-up về tương tác ảo khá kín tiếng.
Quy mô tham vọng của Facebook và sự cạnh tranh khốc liệt mà hãng phải đối mặt cho thấy, những công nghệ trên sẽ thay đổi cách con người giao tiếp với nhau, với dữ liệu và môi trường xung quanh. AI sẽ giúp các thiết bị và dịch vụ đoán trước được nhu cầu của người dùng (Google đã ra mắt ứng dụng Inbox gợi ý trả lời cho email). Các ứng dụng trợ lý ảo được điều khiển bằng giọng nói hoặc văn bản sẽ hỗ trợ người dùng đắc lực hơn. Và các dịch vụ thông minh sẽ được tích hợp vào vô số sản phẩm, như thiết bị đeo tay, ô tô và kính thực tế ảo/tương tác ảo. Trong thời gian 10 năm nữa, máy tính sẽ có giao diện của tương tác ảo, điều khiển bởi AI, sử dụng cử chỉ và giọng nói để nhập lệnh và hiển thị hình ảnh của cả thế giới xung quanh. Thông tin sẽ được tích hợp vào toàn bộ thế giới xung quanh, định hình lại cách giao tiếp, sáng tạo và làm việc của con người.
Đây là tầm nhìn tham vọng mà Facebook, Google, Microsoft và các đại gia công nghệ khác đang hướng đến. Nhưng bên cạnh đó là những quan ngại về tính riêng tư và bảo mật. Việc các công ty tập trung quá nhiều dữ liệu trong tay sẽ khiến người dùng cảm thấy bị giám sát. Điều này sẽ khiến người dùng quay lưng nếu họ cảm thấy thông tin của mình không được bảo mật hoặc không được lợi từ việc cung cấp thông tin cá nhân.
Nỗi lo bị hắt hủi
Vẫn còn đó những quan ngại về sự độc quyền và mối nguy của một hệ sinh thái khép kín mà người dùng không được tự do lựa chọn dịch vụ mình muốn. Chính phủ Ấn Độ đã bác bỏ đề nghị phổ cập Internet của Facebook ở nước này. Họ cho rằng việc một công ty duy nhất tập trung nhiều quyền lực như vậy có thể gây ra những rủi ro lớn. Cơ quan quản lý cạnh tranh của Đức cũng đang điều tra hoạt động thu thập dữ liệu cá nhân của Facebook. Khi tầm ảnh hưởng của Facebook gia tăng, Facebook có thể phải đối mặt với nhiều vụ kiện từ phía chính phủ hơn như Microsoft và Google từng gặp trước đây.
Facebook đã kiếm được lợi nhuận khổng lồ nhờ kết nối cuộc sống của hàng tỷ con người Nhưng tránh bị người dùng và chính phủ các nước quay lưng sẽ là một trong những thách thức lớn nhất của Facebook trong thế kỷ này. Ngay cả ở thời La Mã cổ đại, dân chúng đã nhiều lần khởi nghĩa khi họ cảm thấy bất mãn với vị hoàng đế của mình. Vì thế, Mark Zuckerberg, hãy cẩn thận với tham vọng của mình.
Tham khảo: economist
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng