TGDĐ tiến quân sang Campuchia: Chỉ báo thị trường bán lẻ di động đã đến điểm bão hoà, những kẻ chậm chân như FPT Shop có cảm thấy lo sợ?
Thị trường bão hòa, các vị trí đắc địa đều đã có chủ, cả Thế Giới Di Động và FPT Shop đều phải xoay sở để giải bài toán tăng trưởng.
Thế Giới Di Động đã đến thời "hết nạc, vạc đến xương". Đó là những chia sẻ của ông Nguyễn Đức Tài tại một buổi hội thảo với nhà đầu tư từ giữa năm 2016. Thế Giới Di Động sau khi chiếm hết các vị trí đắc địa trên các tuyến phố huyết mạch đã phải hướng trọng tâm mở rộng sang các vùng ven, các khu vực thưa thớt hơn.
Đến nay, có thể khẳng định các vị trí đắc địa cho một cửa hàng bán lẻ điện thoại đều đã có chủ. Trước đây, các cửa hàng Thế Giới Di Động chỉ chấp nhận mở nếu có tiềm năng đạt doanh thu 3 tỷ đồng/tháng. Nhưng dần dần, mục tiêu doanh thu cho các cửa hàng mới cứ lần lượt giảm xuống còn 2 tỷ đồng, rồi 1,5 tỷ đồng...
Điều này có lẽ không chỉ đúng với Thế Giới Di Động mà còn đúng với cả thị trường bán lẻ di động. Một khi chuỗi cửa hàng lớn nhất phải mở rộng chậm lại, không có lý do gì để các doanh nghiệp thứ 2, thứ 3 lại có khả năng tăng tốc. FPT Shop, chuỗi cửa hàng có thị phần đứng thứ 2 trong ngành cũng đang chật vật để tìm kiếm mặt bằng cho các cửa hàng tiếp theo.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc FPT Shop chia sẻ, bài toán khó nhất với các chuỗi bán lẻ hiện nay chính là tìm kiếm mặt bằng để mở cửa hàng, cùng với yếu tố giá thuê mặt bằng. Theo bà Điệp, FPT Shop hiện vẫn đang cố gắng tìm kiếm các địa điểm mới để phát triển về mặt số lượng. Tuy nhiên, trong bối cảnh các vị trí đắc địa đều đã có chủ, việc tìm kiếm mặt bằng giờ đây đã khó khăn hơn rất nhiều.
Quan sát số liệu từ Thế Giới Di Động, có thể thấy bắt đầu từ nửa cuối năm 2016, tốc độ mở rộng của chuỗi này đã giảm đáng kể. Từ mức trên dưới 50 cửa hàng giai đoạn tháng 3 đến tháng 7, Thế Giới Di Động hiện chỉ mở khoảng 10 cửa hàng mỗi tháng.
Ông Trần Kinh Doanh, CEO Thế Giới Di Động cho biết, trong năm 2017 chuỗi Thegioididong.com sẽ chỉ mở thêm khoảng 100 cửa hàng, với mục tiêu là chú trọng nâng cao trải nghiệm của khách hàng hơn là mở rộng về số lượng.
(Tháng 8 là tháng TGDĐ phải đóng cửa 22 cửa hàng trong hệ thống Big C để nhường chỗ cho Nguyễn Kim)
Thị trường trong nước bão hòa cũng chính là lý do Thế Giới Di Động phải tấn công sang các nước trong khu vực, và quốc gia đầu tiên được chọn là Campuchia. Cuối tháng 3 tới đây, cửa hàng đầu tiên tại Campuchia với tên gọi BigPhone.com với tông màu vàng đen quen thuộc sẽ chính thức được khai trương và đến cuối quý 2 chuỗi này sẽ có khoảng 10-15 cửa hàng.
Mở rộng sang các thị trường nước ngoài là cách mà ông Nguyễn Đức Tài giải bài toán tăng trưởng, bên cạnh phát triển các mảng bán lẻ tiềm năng khác, như Bách Hóa Xanh hay Điện Máy Xanh. Nếu thành công tại Campuchia, Thế Giới Di Động sẽ nhanh chóng tấn công tiếp các thị trường khác trong khu vực, tham vọng của công ty là rất lớn.
Trong khi đó, bà Nguyễn Bạch Điệp chia sẻ, FPT Shop của bà vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và lựa chọn một số hướng đi mới để tạo đà tiếp tục tăng trưởng doanh thu, trong bối cảnh thị trường điện thoại chững lại như hiện nay.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng