Taphophobia: Nỗi sợ tỉnh lại trong quan tài và những phát minh hầm mộ độc nhất trong lịch sử
Đầu những năm 1900, mỗi tuần đều có một người bị chôn sống được phát hiện.
Bên trong nghĩa trang Wildwood ở thành phố Williamsport, Hoa Kỳ, có một ngôi mộ tập thể hết sức đặc biệt. Nó là nơi an nghỉ cho gia đình Thomas Pursell, một cựu lính cứu hỏa 83 tuổi người Mỹ đã qua đời năm 1973.
Bị ám ảnh bởi những người tỉnh dậy trong quan tài, Thomas Pursell đã tự tay thiết kế ra căn hầm mộ có lối thoát hiểm này.
Hầm mộ, nơi an nghỉ của Thomas Pursell và gia đình
Xin nhắc lại, đó là một hầm mộ có lối thoát hiểm! Bằng sáng chế được cấp cho Pursell mô tả, bên trong mỗi chiếc quan tài dành cho thành viên gia đình ông đều được trang bị một khóa bánh xe như khóa ở kho tiền nhà băng.
Pursell dự định cho trường hợp xấu nhất xảy ra, người chết tỉnh lại có thể xoay khóa bánh xe và thoát ra ngoài. Bên trong mỗi chiếc quan tài cũng được lót nỉ để giữ ấm, thậm chí có cả thức ăn dự trữ giúp họ đỡ đói và hoảng loạn.
Tuy nhiên hơn 40 năm qua, người ta vẫn chờ đợi mà chưa có một thành viên nào trong gia đình Thomas Purcell tỉnh lại và thoát ra khỏi hầm mộ của họ cả.
Mỗi quan tài đều có một khóa bánh xe có thể được mở từ bên trong
Trong thời La Mã cổ đại, khi một người chết đi, lễ tang sẽ được tổ chức kéo dài trong suốt 8 ngày. Người ta tin rằng khoảng thời gian đó là đủ để cho một linh hồn tận dụng mọi cơ hội trốn thoát khỏi thần chết và trở lại thân xác mình.
Bạn có thể thấy đó là một điều kỳ cục trong thời đại này. Nhưng niềm tin về những người chết sống lại vẫn tồn tại cho tới tận thế kỷ 20, ngay giữa Châu Âu và nước Mỹ, hai nơi được coi là cái nôi của nền văn minh và khoa học hiện đại.
Bắt đầu từ thế kỷ 18, xã hội phương Tây phải đối mặt với một hội chứng tâm lý cực kỳ phổ biến: Taphophobia – còn gọi là nỗi sợ bị chôn sống. Nó bắt nguồn trong dịch tả, khi những bệnh nhân rơi vào trạng thái gần như chết thường bị chôn sống, trước khi tỉnh lại dưới hầm mộ.
Tác giả Christine Quigley tường thuật lại trong cuốn sách The Corpse: A History rằng, vào đầu những năm 1900, mỗi tuần đều có một người bị chôn sống được phát hiện. Nỗi sợ hãi taphophobia đã kích thích một ngành tiểu thủ công cực kỳ phát triển: chế tạo những chiếc quan tài và hầm mộ an toàn.
Một hệ thống hầm mộ có thể quan sát từ bên ngoài
Bạn có thể nhìn thấy trên đây là một hệ thống chôn cất được thiết kế vào thời đại Victoria. Nó có một căn phòng phía trên hầm mộ, với một đường ống quan sát nối vào bên trong quan tài người chết.
Đường ống cho phép không khí đi vào bên trong, đồng thời cho phép người thân hay một linh mục có thể kiểm tra trạng thái của người chết nằm trong đó. Nếu trong một lần thăm mộ, họ thấy người chết cử động, hay thậm chí không ngửi thấy mùi cơ thể phân hủy, ngôi mộ sẽ được đào lên ngay lập tức.
Mộ phần Timothy Clark Smith, một người đàn ông mắc chứng taphophobia ở Mỹ
Còn đây là một phiên bản rút gọn của ngôi mộ có thể quan sát vào bên trong quan tài. Nó là của Timothy Clark Smith, một người đàn ông mắc chứng taphophobia ở tiểu bang Vermont, Hoa Kỳ. Smith được chôn cất vào năm 1893, với lời trăn chối rằng ông muốn có một chiếc cửa sổ bên trên ngôi mộ.
Chiếc cửa sổ kính này nhìn thẳng vào khuôn mặt của Smith khi ông ấy nằm bên dưới. Trong trường hợp Smith tỉnh lại, ông hi vọng rằng mình sẽ được ai đó đi qua phát hiện và giải cứu kịp thời. Nhưng từ đó tới nay, ngôi mộ vẫn nằm yên tại vị trí. Mặt kính cũng đã mờ theo thời gian, không ai còn có thể nhìn vào bên trong đó được nữa.
Một chiếc quan tài với tháp chuông báo động
Nếu mọi người không nhìn được vào bên trong, vậy họ có thể nghe. Đây là một mẫu thiết kế quan tài an toàn được mô tả trong bằng sáng chế số 81.437 cấp tại Mỹ năm 1868. Tác giả của nó là Franz Vester, một người cũng đặt nhiều niềm tin vào những câu chuyện người chết sống lại.
Ý tưởng của ông ấy rất đơn giản, làm một chiếc quan tài với tháp chuông nhô lên khỏi mặt đất. Quả chuông được nối với một sợi dây, với đầu kia được đặt vào trong tay người chết. Trong trường hợp người chết tỉnh lại, họ có thể kéo dây để báo hiệu.
Quan tài cũng để sẵn một chiếc còi để người tỉnh dậy có thể thổi. Trong trường hợp không có ai đi ra nghĩa địa hoặc lắng nghe thấy tiếng chuông và tiếng còi yếu ớt, Vester còn để sẵn trong quan tài một chiếc thang, thứ mà người chết sống lại có thể dùng và thoát ra ngoài qua đường tháp chuông.
Hệ thống cơ khí cho một chiếc quan tài dễ mở từ bên trong
Nhưng bạn có thể lập luận rằng, sau hàng tháng bị chôn sống, người chết tỉnh lại có thể không còn đủ sức để leo thang cũng như đẩy nắp quan tài ra ngoài? Đừng lo, một sáng chế khác năm 1907 sẽ giải quyết được điều đó.
Johan Jacob Toolen là người đã thiết kế lên hệ thống cơ khí cho một chiếc quan tài dễ mở từ bên trong. Người chết sống lại có thể rất yếu, Toolen biết, vì thế ông đã tạo ra một cần gạt mà chỉ cần chạm vào với lực rất nhẹ, nắp quan tài sẽ tự bật tung ra ngoài, cung cấp không khí trở lại cho họ hồi sức và đứng dậy về nhà.
Một chiếc quan tài với hệ thống thông khí lên bề mặt đất.
Vậy là không khí là một phần thiết yếu của sự sống. Người chết tỉnh lại cần không khí có đúng không? Năm 1887, Gale Bedlat đã thiết kế ra một chiếc quan tài với hệ thống thông khí lên bề mặt đất. Nó cũng bao gồm một chiếc chuông điện mà người chết sống lại có thể nhấn để báo động.
Một ý tưởng cải tiến của quan tài thông khí còn bao gồm cả đường ống dẫn thức ăn. Tài liệu ghi lại một nhà thiết kế quan tài đã thử nghiệm sáng chế của mình bằng cách tự chôn sống dưới lòng đất và nhờ người trợ lý xúc súp và truyền xúc xích vào đường ống cho mình.
Chiếc quan tài này còn được tích hợp cả máy vi tính
Ngày nay, nhờ những tiến bộ của y học, chúng ta đã có thể xác định chính xác khi nào một người đã chết. Nhưng nỗi sợ Taphophobia vẫn còn tồn tại trong những nhóm nhỏ.
Điển hình như bạn có thể thấy trên đây là một chiếc quan tài thời hiện đại, được thiết kế với một màn hình vi tính ở trong. Ai đó đã làm ra nó nghĩ rằng khi mình tỉnh dậy sẽ rất buồn chán. Cho nên anh ta có thể chơi game giải khuây, trong khi chờ người thân đào đất giải cứu.
Năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ của Mỹ vẫn tiếp tục nhận được hồ sơ đăng ký sáng chế về hệ thống quan tài có chuông báo động. Ở Áo thậm chí còn có hẳn một câu lạc bộ mang tên "6 feet dưới lòng đất".
Họ thường tổ chức những buổi gặp mặt, nơi những người tham gia được trải nghiệm cảm giác chôn cất dưới lòng đất khi còn sống. Bên trong quan tài chứa những chiếc webcam cho phép người bên ngoài nhìn thấy điều gì diễn ra bên dưới lòng đất 2 mét. Kết thúc buổi trải nghiệm, những người trong quan tài tất nhiên sẽ được giải cứu.
Tham khảo Atlasobscura, Gizmodo, Monochrom
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Huawei và SMIC gặp khó khăn với tiến trình sản xuất chip, mắc kẹt ở 7nm cho đến ít nhất năm 2026
Huawei và SMIC sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong thời gian tới.
Dựa trên lý thuyết mới, lần đầu tiên ngành vật lý học "chụp hình" được một hạt photon