Nội dung đáng chú ý trong Luật An toàn thông tin mạng được Quốc hội thông qua sáng 19/11...
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc bảo vệ thông tin riêng cũng như thông tin cá nhân là vấn đề thời sự không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới.
Từ 1/7/2016, cơ quan Nhà nước có trách nhiệm “thiết lập kênh thông tin trực tuyến để tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân, liên quan đến bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên mạng”.
Đây là nội dung đáng chú ý tại Luật An toàn thông tin mạng vừa được Quốc hội thông qua sáng 19/11, có hiệu lực từ 1/7/2016.
Bảo vệ thông tin cá nhân là nội dung đầu tiên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình trước khi các vị đại biểu bấm nút.
Thảo luận tại nghị trường, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung thêm những nội dung liên quan đến thông tin riêng và bảo vệ thông tin riêng vào dự thảo luật.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc bảo vệ thông tin riêng cũng như thông tin cá nhân là vấn đề thời sự không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Vì thế, nhiều quốc gia có các đạo luật riêng về vấn đề này.
Trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật An toàn thông tin mạng trình Quốc hội chỉ quy định các vấn đề liên quan đến kỹ thuật nhằm đảm bảo thông tin truyền đưa trên mạng được nguyên vẹn, không bị gián đoạn, sửa đổi hoặc phá hoại, được bảo mật tốt.
Tuy trong dự thảo luật không điều chỉnh vấn đề liên quan đến nội dung thông tin và thông tin riêng nhưng tiếp thu ý kiến của đại biểu, tại điều 18 “cập nhật, sửa đổi và hủy bỏ thông tin cá nhân” đã được chỉnh sửa và quy định rõ tại các khoản của điều này, báo cáo giải trình nêu rõ.
Theo đó, điều 18 dự thảo luật quy định, chủ thể thông tin cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân cập nhật, sửa đổi, hủy bỏ thông tin cá nhân của mình mà tổ chức, cá nhân đó đã thu thập, lưu trữ, hoặc ngừng cung cấp thông tin cá nhân của mình cho bên thứ ba.
Ngay khi nhận được yêu cầu tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và thông báo lại cho chủ thể thông tin cá nhân hoặc cung cấp cho chủ thể thông tin cá nhân quyền tiếp cận để tự cập nhật, sửa đổi, hủy bỏ thông tin cá nhân của mình do tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân đang lưu trữ.
Tổ chức, cá nhân xử lý thông tin còn phải áp dụng các biện pháp phù hợp để bảo vệ thông tin cá nhân; thông báo lại cho chủ thể thông tin cá nhân đó trong trường hợp chưa thực hiện được yêu cầu do yếu tố kỹ thuật hoặc yếu tố khác.
Luật cũng quy định tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân phải hủy bỏ thông tin cá nhân đã được lưu trữ khi đã hoàn thành mục đích sử dụng hoặc hết thời hạn lưu trữ và thông báo cho chủ thể thông tin cá nhân biết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo ban soạn thảo và các cơ quan liên quan rà soát lại toàn bộ quy định về kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, bảo đảm thống nhất với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.
Quy định về các giấy phép, giấy chứng nhận đối với các loại sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng được gộp lại để chỉ còn lại một loại giấy phép là giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng.
Các quy định về giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ an toàn thông tin mạng đã được xóa bỏ, nội dung các quy định này đã được đối chiếu, lồng ghép vào các điều quy định về giấy phép.
Như vậy, vấn đề cấp phép đã được đơn giản hóa tối đa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định.
Theo Vneconomy
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng