Quy định mới tiếp tục siết nhập khẩu ô tô, giá xe ngoại khó giảm vào đầu năm tới như kỳ vọng.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 116/2017 quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 17-10-2017.
Theo các doanh nghiệp (DN) và chuyên gia, quy định mới này không hề cởi trói nhập khẩu ô tô như nhiều người mong đợi mà còn siết chặt hơn so với các quy định cũ. Hàng loạt điều kiện mới có thể khiến nhiều nhà kinh doanh ô tô nhập khẩu dẹp tiệm.
“Ông lớn” ô tô hưởng lợi
Nghị định 116 nêu rõ để kinh doanh ô tô nhập khẩu, cả xe chưa qua sử dụng lẫn xe đã qua sử dụng, DN tại Việt Nam (VN) phải có văn bản xác nhận được quyền thay mặt hãng sản xuất lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại VN. Đồng thời phải được cơ quan ngoại giao VN ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự.
Bình luận về điều kiện mới ban hành, ông Tấn Trần, giám đốc một công ty nhập khẩu ô tô, cho rằng quy định này chỉ có lợi cho các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng và gây bất lợi với những đơn vị nhập khẩu ô tô không chính hãng. Riêng ô tô cũ nhập khẩu có thể sẽ hết đường vào VN.
Lý do là hiện nay các hãng xe nước ngoài thường chỉ cấp giấy xác nhận triệu hồi cho một đơn vị. Hơn nữa, những đơn vị nhập khẩu không chính hãng sẽ không dễ gì có được văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh được nhà sản xuất ở nước ngoài ủy quyền thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại VN.
Ông Bùi Xuân Trường, Giám đốc Công ty Ô tô Trường Thành, cũng cho rằng một số điều kiện trong Nghị định 116 chẳng khác gì so với yêu cầu ô tô nhập khẩu phải có giấy ủy quyền chính hãng quy định tại Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương từng bị các chuyên gia, DN phản ứng dữ dội. Bởi trong trường hợp nếu hãng sản xuất ô tô tại nước ngoài không đồng ý cam kết triệu hồi sản phẩm thì không thể nhập khẩu.
Từ đầu năm đến ngày 15-10, người Việt đã chi hơn 1,6 tỉ USD nhập về 74.112 ô tô nguyên chiếc các loại. Ảnh: QUANG HUY
Khách hàng thiệt đủ đường
Không chỉ vậy, Nghị định 116 còn quy định: Cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô phải đáp ứng điều kiện có cam kết về việc hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp linh kiện, phụ kiện phục vụ việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô của DN sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài.
Phân tích về nội dung quy định trên, ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia lĩnh vực ô tô, cho rằng sẽ không có nhiều đơn vị nhập khẩu ô tô đáp ứng được điều kiện khắt khe mới ra đời. Hơn nữa, quy định không sát hợp ở chỗ đa số hãng ô tô đều không tự sản xuất các linh kiện, phụ tùng mà 40%-60% là nhờ các công ty khác làm, có thể ở nhiều nước. Do vậy quy định này sẽ gián tiếp thu hẹp đơn vị nhập khẩu, khiến người tiêu dùng chịu thiệt lớn.
Thậm chí nó tạo điều kiện cho một số cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô mang danh chính hãng bán giá linh kiện trên trời. Ví dụ, một chiếc bình ắcquy của một hãng xe bán tại châu Âu chỉ 100 euro (chưa tới 3 triệu đồng), trong khi tại một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ở VN bán 23 triệu đồng.
Do đó, theo ông Đồng, cần mở cửa cho mọi cá nhân, DN có quyền nhập khẩu linh kiện, phụ tùng thay vì tạo thế độc quyền cho một vài DN lớn hưởng lợi. Khi đó chỉ có người tiêu dùng VN là thiệt đủ đường.
Tương tự, giám đốc Công ty Ô tô Trường Thành, ông Bùi Xuân Trường, cũng đánh giá với những điều kiện tại Nghị định 116, người tiêu dùng sẽ mất quyền lợi vì sẽ xảy ra tình trạng độc quyền trong nhập khẩu ô tô lẫn bảo hành, bảo dưỡng. “Khi có nhiều đơn vị được bảo hành, nhập khẩu thì thị trường sẽ cạnh tranh hơn. Từ đó giá cả, phí dịch vụ cũng sẽ tốt hơn và người tiêu dùng được hưởng lợi. Nay nếu chỉ có một số đơn vị làm thì khách hàng chịu thiệt, không có nhiều lựa chọn” - ông Trường phân tích.
Giá ô tô nhập sẽ không rẻ
Nghị định mới nêu rõ: Ô tô mới nhập khẩu phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra, thử nghiệm theo quy định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với từng lô nhập khẩu. Mỗi lô xe nhập về sẽ phải lấy mẫu đem đi kiểm tra, thử nghiệm về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Trong khi theo quy định cũ, khi nhập khẩu DN chỉ cần lấy một xe làm mẫu mang đi thử nghiệm. Những lô hàng sau nhập mẫu xe đó thì không cần thử nghiệm lại.
Chính vì vậy, theo đại diện một DN nhập khẩu ô tô từ châu Âu, quy định mới ban hành bất hợp lý vì một mẫu xe, DN nhập khẩu nhiều lô hàng, nhiều đợt với thời gian khác nhau. Nếu cùng một mẫu xe thì cơ quan quản lý chỉ nên kiểm tra một mẫu một lần cho nhiều lô hàng. Còn nếu kiểm tra từng lô thì chi phí DN sẽ tăng lên, bởi mỗi mẫu xe đem đi thử nghiệm, kiểm tra khí thải, động cơ... phải đóng phí khoảng 30-40 triệu đồng cho mỗi lô hàng và nhiều khoản phí khác.
“Lâu nay người tiêu dùng chờ đợi đến ngày 1-1-2018 để được mua xe giá rẻ khi thuế nhập khẩu từ khu vực ASEAN về 0%. Nào ngờ chờ đợi để rồi vỡ mộng vì với những điều kiện mới ban hành thì giá ô tô nhập khẩu chưa chắc đã giảm” - vị đại diện DN trên nói.
Không dễ có giấy chứng nhận chất lượng
Theo Nghị định 116/2017, khi tiến hành kiểm tra thử nghiệm, DN phải cung cấp bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu, được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài.
Điều kiện này khiến nhiều nhà nhập khẩu ô tô lo lắng bởi ở nhiều nước, cơ quan có thẩm quyền chỉ cấp giấy chứng nhận chất lượng cho xe bán ra trong nước; xe xuất khẩu không cần cấp giấy này hoặc để DN tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm và không cấp chứng nhận chất lượng.
Trong khi nếu không có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, xe nhập về Việt Nam sẽ không được tiến hành kiểm tra thử nghiệm. Điều này cũng đồng nghĩa sẽ không thể được làm thủ tục thông quan, bán tại thị trường VN.
Lo xảy ra tình trạng thao túng
Bà Nguyễn Thị Hiền, phụ trách hệ thống ô tô đã qua sử dụng Toyota VN, dự báo làn sóng xe nhập khẩu giá rẻ từ khu vực ASEAN chắc chắn sẽ đổ ồ ạt vào VN từ năm 2018 khi thuế nhập khẩu về 0%.
Để bảo vệ DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, nhà chức trách VN đã ban hành hàng loạt điều kiện mới tại Nghị định 116/2017. Để bảo vệ sản xuất trong nước, nhiều quốc gia cũng làm tương tự. Quy định siết lại nhập khẩu ô tô là việc cần phải làm nếu dựa trên lợi ích chung của toàn ngành ô tô trong nước.
Tuy vậy, bà Hiền cho rằng với những quy định mới, kinh doanh nhập khẩu ô tô sẽ gặp khó khăn. Khi số lượng xe nhập khẩu vào không nhiều và chi phí tăng lên thì giá khó có thể giảm, thậm chí sẽ xảy ra tình trạng thao túng giá nếu không có sự kiểm soát.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Huawei và SMIC gặp khó khăn với tiến trình sản xuất chip, mắc kẹt ở 7nm cho đến ít nhất năm 2026
Huawei và SMIC sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong thời gian tới.
Dựa trên lý thuyết mới, lần đầu tiên ngành vật lý học "chụp hình" được một hạt photon