Thời buổi này, nhà đẹp xe sang đối với giới trẻ chẳng còn là thước đo của sự thành công nữa. Số lượng người trẻ không thích mua nhà mua xe ngày càng tăng cao.
Định nghĩa một người thành công trong mắt thế hệ ông bà, cha mẹ là gì?
Là nhà lầu, xe hơi, có của ăn của để, có nhiều nhà, nhiều đất, nhiều thứ để "người ta nhìn thấy mà người mộ". Nói chung, thành công theo quan niệm của thế hệ trước là phải có tài sản tích trữ về hiện vật, có thể sờ nắn, quy đổi ra tiền.
Còn ở thế hệ mới bây giờ, thế hệ bản lề "Millenniums" không nghĩ thế. Hiếm khi họ mua nhà đắt tiền, lại càng ít mua xe hơi sang trọng lung linh. Thực tế họ chẳng mua gì đắt tiền nữa. Ở Mỹ, những người trẻ tuổi dưới 35 đang được gọi là "thế hệ đi thuê". Họ thuê, chứ chẳng thèm mua đứt làm gì.
Và họ có cái lý của họ.
Tại sao lại thế?
Một số nhà xã hội học nói rằng thế hệ trẻ bây giờ đã phải trải qua nhiều giai đoạn khủng hoảng kinh tế, thế nên người ta dần sợ những khoản nợ dai dẳng. Chẳng ai còn dám liều bỏ ra số tiền lớn để rồi chông chênh trong việc lấy lại từng đồng.
Nhưng đây không phải là yếu tố quan trọng. Quan trọng nhất ở đây là, thế hệ trẻ hiện tại có nhiều giá trị để theo đuổi hơn so với cha mẹ mình. Họ tôn sùng nhiều yếu tố phi vật chất chứ không đơn giản chỉ những gì họ thấy được, sờ được, chụp ảnh được.
Đối với người trẻ bây giờ, định nghĩa thành công rất khác:
- Người thành công không đi mua bất động sản, họ đi thuê.
- Nếu bạn muốn trở thành người thành công, hãy đầu tư vào những trải nghiệm như du lịch, thể thao mạo hiểm, xây dựng dự án khởi nghiệp.
Mấu chốt ở đây là, người ta bây giờ không cần thiết phải thịnh vượng, lắm tiền nhiều của, cuộc sống ổn định. Người ta thích có cuộc sống thoải mái với thời gian biểu bất tuân, độc lập tài chính và chu du đây đó tận hưởng trải nghiệm.
Tức là, người ta giờ đây không còn nhiều hứng thú với vật chất nữa
Lý do đơn giản lắm.
Tại sao lại phải mua xe hơi trong khi bạn có thể đi taxi? Đi Taxi gần như là đi xe riêng, đã thế lại còn có tài xế, chẳng phải đụng tay đụng chân đạp thắng, bẻ vô lăng làm gì cho mệt mỏi. Mà nhất là rất rẻ, không cần đổ xăng, không cần bảo dưỡng, không cần đăng ký, cũng chẳng cần sửa chữa.
Tại sao lại phải bỏ ra cả đống tiền để mua lấy ngôi nhà to đẹp ở một địa điểm du lịch nào đó, chỉ để mỗi năm một hai dịp ghé qua tận hưởng? Thà lên Airbnb, chọn lấy bất cứ ngôi nhà đẹp đẽ nào ở bất cứ đâu trên thế giới, bỏ ít tiền ra thuê, ngủ nghỉ vài ngày có phải là tiết kiệm được bao nhiêu không?
Chẳng cần thiết phải bỏ tiền ra trói buộc mình ở một quốc gia nhất định, hay quận huyện nhạt nhẽo nào.
Bạn đâu có biết được mình sẽ ở đó trong bao lâu?
Nhỡ đâu trong vài năm tới, bạn sẽ nhảy việc, đến làm ở một địa phương nào khác thì sao. Lúc ấy người đi thuê nhà mới là có lợi, vì chẳng có cái gì rằng buộc bạn lại nơi ở cũ cả.
Trong vài nghiên cứu của Forbes, chu kỳ nhảy việc của người trẻ thế hệ mới là khoảng 3 năm một lần. Đấy, thuê nhà là thượng sách.
Lý tưởng "phải có trong tay thứ gì đó" đã có vẻ lỗi thời
Trong vòng 1 thập kỷ qua, đã có nhiều nghiên cứu tâm lý được tiến hành. Các nhà tâm lý học đã chứng minh được rằng việc đầu tư tiền của vào các trải nghiệm mới sẽ mang lại nhiều lợi ích về khía cạnh cảm giác sống hạnh phúc, thỏa mãn hơn so với việc cứ tò tò đi mua nhiều đồ đạc mới.
Trải nghiệm mới, niềm vui mới, chứ không phải lúc nào cũng là "vui như một đứa trẻ được mua đồ mới" nữa.
Các trải nghiệm đưa chúng ta xích lại gần nhau
Yếu tố cấu thành một xã hội hoàn hảo chính là sự tương tác, những mối quan hệ giữa người với người, dù muốn hay không. Khoa học đã chứng minh rồi, càng giao tiếp, càng nói chuyện nhiều, bạn sẽ càng cảm thấy hạnh phúc.
Nhưng cái chính, nói về cái gì, nói những cái gì mới làm người ta xích lại gần nhau, rồi được vui, rồi trở nên hạnh phúc?
Người ta thích nghe về những gì người ta chưa biết. Trải nghiệm của bạn chính là cái mà người ta muốn biết, muốn cảm nhận, làm người ta muốn hiểu bạn hơn. Chắc chắn, so với việc bạn mua được bao nhiêu căn nhà thì người ta thích nghe về những tháng ngày điên dại của bạn ở một nơi kỳ quái nào đó hơn chứ. Dù gì thì ganh tỵ vẫn là bản chất rất người, thế nên muốn xích lại gần nhau thì đừng làm nhau ganh tức.
Trong nghiên cứu của James Hamblin, một nhà bình luận báo chí có nói rằng: "Con người không thích nghe về chuyện người khác có bao nhiêu nhà, có bao nhiêu tiền, có mấy cái xe đâu, nhưng mà người ta lại thích nghe bạn kể về trải nghiệm khi xem một bộ phim nào đó cơ".
Hãy nên nhớ rằng, kể cả một trải nghiệm tồi cũng sẽ trở thành một câu chuyện hay. Còn một cái xe sang thì không.
Lắm tiền lắm của thì nhiều lo toan, các cụ cũng bảo thế
Với những tài sản mà chúng ta có, nhất là khi nó mang giá trị cực lớn, sẽ làm con người ta sinh cảm giá lo ngại về chúng, sợ rơi sợ vỡ, sợ mất, sợ ai cầm nhầm, sợ đủ thứ.
Giả sử bạn mua cái xe hơi đi. Cứ mỗi khi có tiếng động phía ngoài xe, bạn sẽ lại giật mình thon thót.
Giả sử bạn có căn nhà đẹp, nội thất đắt tiền đi. Bạn sẽ ngày ngày lo lắng không biết nhà mình có bị cướp để ý hay không, trẻ con trong nhà có làm hỏng đồ không, chó mèo có phóng uế bậy bạ làm nhà cửa bốc mùi hay không.
Thời gian sẽ phá hủy những chiếc xe, từng tấm ván lát sàn, từng chiếc TV đắt tiền theo nhiều cách khác nhau. Nhưng chẳng có trải nghiệm nào là phai tàn theo thời gian hết.
Quan trọng nhất, thời thế thay đổi thì giá thành cũng đổi thay
Nói đơn giản, iPhone 7 mới chính thức ra mắt được chục ngày, nhưng bạn sẽ không vồ vập mua ngay. Bạn đợi một thời gian nữa, sau khi cơn sốt hạ nhiệt, bạn sẽ cầm tiền đi mua iPhone 4, lúc ấy có giá rẻ đến kinh người. Chỉ mới vài năm trước, chiếc điện thoại ấy từng tốn cả một gia tài.
Bố mẹ, ông bà ở thế hệ cũ không có nhiều cơ hội để đi đây đi đó như thế hệ trẻ bây giờ. Vậy nên họ rất khó để hiểu thấu niềm vui khi được bôn ba ở vùng đất mới (như hầu hết chúng ta hiện nay). Họ cũng chẳng có cơ hội để tự thành lập công ty, theo đuổi dự án kinh doanh mới. Bởi vậy, họ dồn tiền của vào xe cộ, nhà đất, những thứ vật chất để lại cho con cháu sau này.
Chúng ta thì không. Chúng ta thừa biết bất cứ thứ gì thuộc về vật chất đều cũng sẽ hao mòn, giảm giá trị theo thời gian. Chúng ta biết phải đầu tư vào cái gì luôn sinh lời, mà lại không mất đi sau vài năm hay vài thập kỷ: kinh nghiệm sống.
Còn trẻ thì nên trải nghiệm, thay vì héo mòn tâm hồn để tích cóp từng xu mua nhà mua xe.
Thứ chẳng bao giờ mua được, cũng không ai đánh cắp được từ bạn, cũng chẳng hao mòn theo thời gian, cũng không làm bạn lo lắng là gì?
Chính là trải nghiệm sống, kinh nghiệm sống, cách làm người.
Theo Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Huawei và SMIC gặp khó khăn với tiến trình sản xuất chip, mắc kẹt ở 7nm cho đến ít nhất năm 2026
Huawei và SMIC sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong thời gian tới.
Dựa trên lý thuyết mới, lần đầu tiên ngành vật lý học "chụp hình" được một hạt photon