Tại sao Apple vượt qua được cả Sony hay Bose trên thị trường tai nghe? Vì thật ra "người dùng không quan tâm đến chất âm"
Sony là tác giả của tiêu chuẩn LDAC, cho phép truyền tín hiệu âm thanh chất lượng cao qua Bluetooth. Vậy, tại sao thị phần của Sony lại chỉ bằng cái móng tay của Apple?
Theo thống kê của Counterpoint Research, trong quý 4/2018 vừa qua Apple chiếm ngôi vương thị trường tai nghe không dây một cách áp đảo: 60% thị phần thuộc về AirPods. Đứng tiếp theo sau là cả các hãng smartphone đối địch như Samsung và Huawei, cả các tên tuổi Trung Quốc giá rẻ lẫn những "huyền thoại’ của giới âm thanh như Sony, Bose và B&O.
Trước đó, vào tháng 11, Apple đã chiếm vị trí số của Sony trên thị trường tai nghe nói chung: AirPods, EarPods và các mẫu Beats bán ra chiếm 24% trong khi Sony chỉ đạt 22%. Đây là lần đầu tiên Apple giành vị trí số 1 từ tay đối thủ Nhật Bản cũng như các hãng âm thanh lớn khác như Panasonic và Bose.
Bản chất khác biệt
Tất cả các tên tuổi khác đều "ngửi khói" Apple về thị phần tai không dây.
Dĩ nhiên, so sánh giữa Apple và Sony cũng là so sánh giữa 2 công ty có bản chất khác biệt. Apple là công ty bán smartphone, ngay cả AirPods khi ra đời cũng vì iPhone bỏ cổng tai nghe. Còn Sony đã là người khổng lồ âm thanh suốt hàng chục năm. Hiện tại, Sony vẫn đang đóng vai trò quan trọng trong trào lưu Hi-Res, giúp đưa nhạc số lên tầm cao mới về chất lượng.
Nhưng thành công của Apple cũng cho thấy chất lượng âm thanh có vai trò... nhỏ bé đến thế nào. Trong cùng một báo cáo, Counterpoint, chỉ 41% người dùng chọn âm thanh là lý do để mua AirPods. Những yếu tố khác như mức độ tiện dụng, trải nghiệm thoải mái hay di chuyển gọn nhẹ chiếm tỷ trọng lớn hơn hẳn.
Lý do thành công: Đưa chip vào tai nghe để tăng độ tiện dụng (chứ chẳng phải để cải thiện chất âm).
Để đảm bảo các yếu tố này, Apple đã chơi ngông đến mức thiết kế riêng những con chip mới để đặt vào tai nghe. Kết quả là AirPods khi ra mắt nhanh chóng gây sự chú ý nhờ kết nối cực kỳ ổn định và những tính năng vượt mặt đối thủ như chuyển thiết bị không cần gỡ kết nối, tự động mở/ngắt tùy vị trí, kích hoạt Siri... Dù có thân hình "bé tí hon" và cực kỳ nhẹ, những chiếc tai nghe không dây của Táo hỗ trợ tối đa 5 giờ nghe nhạc. Các con chip W1 và H1 đóng vai trò quan trọng trong những lợi thế này, đặc biệt là trong khâu nhận diện thiết bị phát để tùy biến Bluetooth nhằm tối ưu thời lượng pin.
Chỉ riêng Apple
Sony cũng có đóng góp lớn cho Bluetooth. Tiêu chuẩn LDAC do hãng này phát triển được coi là chìa khóa giúp Bluetooth có thể đạt đến âm thanh "Hi-Res" đáng mơ ước. Từ phiên bản Android 8.0 Oreo, Google đã mua bản quyền LDAC để hỗ trợ cho toàn bộ các phiên bản Android từ mã nguồn mở AOSP.
Sony thua cuộc vì... chạy theo chất lượng âm thanh.
Apple không có LDAC, và thậm chí cũng chẳng có công nghệ ngang tầm aptX của Qualcomm. Tín hiệu âm thanh truyền đi vẫn sử dụng codec AAC cũ kỹ. Nhưng điều đó đã không ngăn Apple chiếm vị trí số 1 về thị phần tai nghe không dây: sau khi Apple vén màn AirPods, Sony cũng lục tục ra mắt tai True Wireless và đến giờ vẫn chưa giải quyết được vấn đề ổn định.
Một lần nữa, cái tinh ý của Apple lại được thể hiện: chỉ có riêng Táo Cắn Dở mới biết nhìn qua những yếu tố tưởng chừng quan trọng để nhận ra thứ gì mới là thực sự cốt yếu với người dùng. Ngoài Apple ra, đâu có ai nhận ra yếu tố quan trọng nhất của tai nghe không dây không phải là... âm thanh?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Một ứng dụng quản lý chi tiêu bằng AI đang gây sốt dân mạng Việt: Nhắc 'cực gắt' mỗi lần lỡ chi nhiều tiền, cảm giác như bị mẹ mắng!
Theo nhà phát triển, thay vì chỉ đưa ra những cảnh báo khô khan, Rolly phản hồi với giọng điệu đầy tính cá nhân, thậm chí "châm biếm" để khiến người dùng nhận ra thói quen tiêu tiền...quá đà của mình
Tiếng kêu thực sự của khủng long nghe như thế nào?