Sơ suất khi chuyển tiền mã hóa, người dùng bị tính phí 2,5 triệu USD để chuyển 133 USD
Dù có thuyết âm mưu về việc rửa tiền, giao dịch này giống như là một sơ suất khi người dùng thiết lập phí chuyển tiền mã hóa.
Còn gì vô lý hơn khi bạn muốn gửi 133 USD cho bạn của mình nhưng phải trả khoản phí chuyển tiền lên đến 2,5 triệu USD. Điều tưởng chừng vô lý đó hóa ra lại trở thành sự thật khi một người dùng tiền mã hóa đã trả phí chuyển tiền đến 2.5 triệu USD đó cho một giao dịch chuyển tiền bằng đồng Ethereum – đồng tiền mã hóa phổ biến thứ hai thế giới sau Bitcoin.
Giao dịch này được ghi lại trên Etherscan – một công cụ để xem và tìm kiếm các giao dịch bằng đồng ETH trên thị trường. Theo bản ghi này, ai đó đã trả đến 10.668,73185 ETH (hơn 10.000 ETH) để chuyển 0,55 ETH từ một ví điện tử này sang ví khác.
Với thế giới internet vốn ưa chuộng các thuyết âm mưu, nhiều người trên Twitter cho rằng đây là bằng chứng cho một dạng rửa tiền mới. Tuy nhiên, có một lời giải thích đơn giản hơn nhiều cho sự việc này: một sai lầm khi chuyển tiền.
Cũng giống như Bitcoin, để chuyển tiền trong Ethereum, người dùng sẽ phải trả một khoản phí cho giao dịch của mình để khuyến khích các thợ khai thác đưa giao dịch của họ vào block dữ liệu tiếp theo. Mức phí càng cao, khả năng giao dịch được đưa vào block dữ liệu tiếp theo càng cao – nó càng được thực hiện nhanh hơn.
Thông thường mức phí này rất thấp so với số tiền cần chuyển và các máy tính của ví điện tử sẽ thông báo cho người giao dịch về số tiền phí nên trả để người dùng không phải trả quá nhiều.
Tuy nhiên trong trường hợp này, dường như người dùng đã thiết lập giới hạn cho "gas" (sức mạnh điện toán cho giao dịch), nhưng mức phí trả cho mỗi gas lại bị thiết lập cao quá mức: 0,5 ETH cho mỗi gas. Giao dịch này lại sử dụng toàn bộ giới hạn 21.000 gas – tương đương với số tiền phí 10.668 ETH, hay khoảng 2,5 triệu USD, để trả cho thợ đào.
Nói cách khác một giao dịch chuyển 133,95 USD này cần phải trả số tiền phí giao dịch lên đến 2,5 triệu USD.
Trong khi chưa biết giao dịch này là một tai nạn hay cố ý, sàn giao dịch SparkPool nhận được khoản phí này đã giữ lại giao dịch này để tiến hành điều tra. Năm 2019, SparkPool cũng từng gặp một trường hợp tương tự như vậy khi người thực hiện giao dịch đưa ra một khoản phí lên tới 300.000 USD. Khi đó SparkPool cũng giữ lại khoản phí này để điều tra và sau đó hoàn trả lại cho bên chuyển nhầm là một hãng blockchain tại Hàn Quốc.
Các sai sót trong khi chuyển tiền mã hóa không phải là điều quá hiếm hoi hiện nay. Tuy nhiên hiếm khi nào nó gây ra những thiệt hại lớn đến như các trường hợp vừa xảy ra.
Tham khảo Motherboard
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng