Cubimorph thiết bị dạng module có khả năng biến hình thành bất cứ hình dạng nào bạn muốn.
Hãy thử tưởng tượng khi bạn khởi động một game trên smartphone, chiếc điện thoại sẽ tự động thay đổi thành hình dạng như một chiếc tay cầm. Và khi bạn nhận được một tin nhắn và cần trả lời, nó sẽ “hô biến” thành hình dạng điện thoại quen thuộc.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Bristol của Vương quốc Anh đang nghiên cứu một thiết bị có thể giúp bạn một ngày nào đó làm được điều phi thường trên. Với tên gọi Cubimorph, nó là một thiết bị dạng module có khả năng biến hình thành bất cứ hình dạng nào dựa trên tính năng mà bạn muốn, hoặc thậm chí dựa trên từng người sử dụng. Những người tạo ra Cubimorph hy vọng rằng nó có thể mở ra nhiều hướng đi mới cho các thiết bị công nghệ trong tương lai.
Dự án này được giới thiệu tại Hội nghị Quốc tế về Robot và Tự động hóa (International Conference on Robotics and Automation) được tổ chức vào 16-21/5 tại Stockholm, Thụy Điển.
“Tôi rất hứng thú với cách mà con người có thể thao tác sử dụng các thứ”, Anne Roudaut, giảng viên khoa Khoa học máy tính của trường Đại học Bristol và cũng là người đứng đầu dự án Cubimorph cho biết. “Khi chúng ta thấy một chai nước trên bàn, ta biết chính xác mình sẽ dùng tay để lấy nó như thế nào, hoặc nếu bạn thấy một cánh cửa, bạn sẽ biết chính xác mình cần làm gì để mở nó”.
Roudaut nói rằng cô muốn áp dụng điều này lên máy móc, giúp cho một thiết bị có thể tự động điều khiển chính nó để người dùng cảm thấy tối ưu và dễ sử dụng nhất.
Có hình dạng khá giống một khối rubik, Cubimorph được tạo thành từ nhiều khối vuông nhỏ được kết nối với nhau, mỗi khối đều có màn hình nhỏ ở các mặt, và chúng được lắp trên một bảng lề để có thể di chuyển được bằng hai mô tơ.
Một thuật toán chi tiết được dùng để chuyển đổi thiết bị từ hình dạng này sang hình dạng khác bằng cách sắp xếp thứ tự mà Cubimorph cần thay đổi các khối để chuyển sang hình dáng khác. Những nhà nghiên cứu cho biết người dùng không cần quan tâm đến quy trình hoạt động của nó, Cubimorph được thiết kế để các khối không va vào nhau khi di chuyển và gây nguy hiểm đến ngón tay của người dùng.
“Tôi nghĩ có rất nhiều ứng dụng cho công nghệ này. Trong đó rõ ràng nhất là game”, Roudaut nói. “Bạn chơi game trên điện thoại và nó sẽ biến thành hình dạng như tay cầm điều khiển để giúp tăng trải nghiệm khi chơi”.
Theo những nhà nghiên cứu, công nghệ này cũng rất có ích trong việc giáo dục, ví dụ như bạn có thể dùng nó để tạo ra bản đồ và các địa hình khác nhau.
Roudaut cho biết thêm nó cũng có thể dùng trong nhiều lĩnh vực đời sống. “Ví dụ, trẻ em, hoặc người cao tuổi, hoặc những người khuyết tật có thể thay đổi hình dáng của thiết bị để phù hợp với tay của họ hơn”, cô nói.
Tuy các nhà nghiên cứu đã mường tượng ra tương lai tươi sáng của Cubimorph, nhưng họ cũng thấy rằng nó phải đối mặt với thách thức lớn trong các thuật toán.
“Hiện tại đã có những thuật đó cho phép thay đổi một loạt module thành các hình dạng khác nhau", Roudaut nói. “Vấn đề là thuật toán đó chỉ có thể chuyển từ một hình dạng nào đó thành đường thẳng rồi sau đó mới chuyển sang hình khác”.
Nếu trong tương lai, một phiên bản Cubimorph có đến 1000 khối hay nhiều hơn, thì không thể nào biến nó thành một đường dài rồi chuyển hình dáng được, cô cho biết đây là một vấn đề khá phức tạp.
Roudaut nói rằng mục đích tương lai của Cubimorph là giúp mọi người có thể tạo ra bất kỳ hình dáng nào họ muốn. Nếu trong vòng 15 hay 20 năm nữa, một công ty lớn như Samsung hay Apple tạo ra một thiết bị có khả năng thay đổi hình dạng, thì các nhà lập trình hoặc người dùng có thể tùy biến hình dáng thiết bị theo họ muốn.
Cubimorph
Theo Roudaut thì Cubimorph có thể xuất hiện trên thị tường vào khoảng 10 năm nữa, nhóm của cô hiện đang kêu gọi sự giúp đỡ từ những nhóm nghiên cứu robot khác.
“Chúng tôi quyết định trình bày dự án tại hội nghị robot này vì chúng tôi nghĩ rằng dự án sẽ thu hút nhiều người trong lĩnh vực robot”, cô nói. “Cần phải trải qua nhiều giai đoạn những dự án này mới thành hiện thực, nhưng điều này cũng rất thú vị, vì có nhiều thử thách và các câu hỏi mới vẫn chưa được nghiên cứu”.
Tham khảo: livescience
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Huawei và SMIC gặp khó khăn với tiến trình sản xuất chip, mắc kẹt ở 7nm cho đến ít nhất năm 2026
Huawei và SMIC sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong thời gian tới.
Dựa trên lý thuyết mới, lần đầu tiên ngành vật lý học "chụp hình" được một hạt photon