Bỏ công sức mấy tháng trời ngồi nhà làm khóa luận tốt nghiệp, nhiều sinh viên coi đó là tâm huyết lớn của mình và họ thực sự bức xúc khi thấy nó bị rao bán rẻ mạt, tràn lan trên nhiều website trong khi họ chưa hề gửi nó cho ai hoặc upload lên mạng.
Gần đây, dư luận liên tục xôn xao vì việc khóa luận tốt nghiệp của sinh viên bị rao bán file PDF tràn lan trên mạng. Vụ việc bắt đầu dấy lên khi sinh viên ĐH Cần Thơ gửi thông tin tới lãnh đạo nhà trường, phản ánh việc khóa luận mới làm xong, bản PDF đã ngập tràn trên các website rao bán tài liệu.
Trước thông tin này, ban giám hiệu trường Đại học Cần Thơ đã chính thức xác nhận phản ánh trên là đúng sự thực, lên tiếng xin lỗi sinh viên và phối hợp với Công an TP Cần Thơ để điều tra nguyên nhân vụ việc.
Một luận văn tốt nghiệp của sinh viên ĐH Cần Thơ bị rao bán với giá 38.000 đồng
Tài liệu khác lại bị rao bán với giá 15.000 đồng.
Trên thực tế, đây không phải là lần duy nhất, khóa luận tốt nghiệp của sinh viên bị rao bán giá rẻ trên mạng. Theo nhiều người, thực trạng này đã có từ lâu nhưng ít được quan tâm.
Có thể nói, khóa luận tốt nghiệp là một công trình nghiên cứu khoa học lớn nhất của sinh viên. Ở hầu hết các trường ĐH, khóa luận được lưu trữ trên thư viện, làm tài liệu tham khảo cho sinh viên khóa sau. Ngoài ra, nhiều bạn cũng upload nó lên các website tải tài liệu miễn phí để mọi người cùng theo dõi. Tuy nhiên, ngoài những mục đích ý nghĩa ấy, công sức nghiên cứu suốt mấy tháng trời của sinh viên còn bị rao bán tràn lan trên mạng với mức giá vô cùng rẻ mạt.
Chỉ cần sử dụng vài thao tác tìm kiếm đơn giản trên mạng, bạn có thể tìm thấy đủ loại trang web rao bán tài liệu, từ tiểu luận cho đến khóa luận hay luận văn thạc sĩ. Mức giá của chúng rất rẻ, chỉ 10.000-15.000 đồng, thậm chí một số trang chỉ yêu cầu bạn nạp 10.000 đồng là có thể tải 150 tài liệu trong vòng 15 ngày.
Khóa luận tốt nghiệp trở thành công cụ kiếm tiền cho một số website.
Chỉ cần nạp 10.000 đồng, bạn có thể tải 150 tài liệu.
Đối với một số tài liệu hot.
Bạn cũng chỉ cần trả 10.000 đồng để xem trọn vẹn.
Điều đáng nói là ngay chính tác giả của nhiều tài liệu được rao bán trên mạng cũng không hiểu vì sao chúng lại nằm ở đó. Cho đến khi tìm kiếm tên tác phẩm của mình trên google, họ mới tá hỏa phát hiện, không ngờ công sức nghiên cứu của mình lại bị coi rẻ, vi phạm bản quyền một cách trắng trợn như vậy.
Thúy Anh (cựu sinh viên ĐH Công nhiệp) tâm sự: "3 năm trước mình thực hiện khóa luận "Kế toán tiêu thụ và xác định kết quả kinh doanh tại một số công ty tư nhân trong nước", bây giờ thấy tài liệu này bị rao bán file PDF tràn lan với giá chỉ 5.000-10.000 đồng, cảm giác bức xúc và cũng không hiểu vì sao mấy trang đó lại có tài liệu để bán trong khi mình chưa bao giờ upload lên mạng".
Thu Hương (cựu sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền) cũng cho biết, 2 năm trước, cô thực hiện khóa luận: "Bình luận trên báo mạng điện tử", lúc ấy đây là đề tài mới, chưa mấy người làm nên việc tìm kiếm tài liệu và nghiên cứu rất cực khổ. "Vậy mà hôm nọ mình thấy nó bị bán rẻ trên mạng, chỉ cần nạp thẻ 20.000 đồng là tải được. Điều đáng nói là trang đó không hề xin phép mình và mình cũng không hiểu tài liệu ấy họ lấy ở đâu ra".
Sinh viên cần làm gì để tránh rò rỉ nội dung khóa luận?
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, PGS.TS. Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, việc khóa luận, luận văn của cử nhân, thạc sĩ bị rao bán trên mạng là có thật.
"Câu hỏi đang được quan tâm là nguồn tài liệu này có ở đâu khi nhiều sinh viên chưa từng upload lên mạng. Tôi cũng không thể trả lời chắc chắn nhưng tôi biết, rất nhiều sinh viên đến quán photo copy in bản cứng nộp lên nhà trường đã bị quán đó copy và lưu giữ lại. Tôi từng thấy nhiều quán phân loại khóa luận rất chi tiết, để riêng theo từng ngành học, trường học, niên khóa. Nếu chỉ in một file tiểu luận hay tài liệu ngắn, tôi lại không thấy họ lưu trữ cẩn thận như thế. Nhưng hễ là khóa luận thì được lưu kỹ càng, nằm trong thư mục của thư mục. Nếu mình không để ý, thậm chí sẽ không tìm thấy họ lưu nó ở đâu. Vậy chắc chắn các quán ấy phải có động cơ nào đó".
PGS. TS. Trần Văn Tớp.
Theo ông Tớp, rất có thể, nội dung khóa luận bị rò rỉ từ chính những quán photo copy này. Vì vậy, khi đi in ấn bất cứ tài liệu nào, sinh viên nên cẩn trọng, sau khi in xong nên xóa ngay file, tránh việc tài liệu này bị sao chép, rao bán với mức giá rẻ mạt trên mạng.
Ông Tớp cũng chia sẻ, ở nước ngoài, khóa luận tốt nghiệp là loại tài liệu có thể tiếp cận dễ dàng. Bạn có thể yêu cầu một bản copy hoặc liên hệ với tác giả, xin một bản cứng đọc tham khảo và chỉ phải trả tiền in ấn, vận chuyển.
Tương tự, ở Việt Nam, sinh viên hoàn toàn có thể tiếp cận với nhiều nguồn tài liệu tham khảo trên hệ thống thư viện nhà trường, thư viện quốc gia, các tài liệu được upload miễn phí trên mạng. Khi không có cung, ắt hẳn sẽ không có cầu. Nếu việc tiếp cận luận văn, khóa luận dễ dàng rồi thì không ai đi mua chúng làm gì.
"Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta cần trung thực, trích dẫn phải ghi nguồn và tuyệt đối không bê nguyên khóa luận của người khác làm tài liệu của mình".
Bạn có bao giờ để ý, sau khi tốt nghiệp, khóa luận của mình có bị rò rỉ trên mạng?
Để giám sát vấn đề này, theo ông Tớp, nhà trường cần có nhiều biện pháp như lưu trữ tất cả bản cứng, bản mềm của đồ án tốt nghiệp trong một khoảng thời gian dài theo quy định. Mặt khác, khóa luận sẽ do hội đồng chấm, phản biện gồm nhiều thầy cô, kịp thời phát hiện và xử lý các vụ việc thực hiện đồ án thiếu trung thực.
"Tôi cho rằng nếu nhà trường làm nghiêm, phát hiện ngay các trường hợp đạo đồ án, luận văn, xử lý nghiêm thì sinh viên sẽ tự giác không nghĩ đến việc này và việc mua bán tài liệu có lẽ sẽ giảm đi đáng kể".
Tuy nhiên, quản lý ở cấp nhà trường, theo ông Tớp cũng gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất là do số lượng sinh viên làm đồ án quá đông, thứ hai là kiến thức mênh mông, thầy cô chấm, phản biện đồ án đôi khi cũng chưa thể theo kịp.
"Vì thế, để giảm thiểu tình trạng rò rỉ nội dung khóa luận tốt nghiệp, tôi cho rằng cần có thêm sự chung tay của các cơ quan chức năng khác". Hơn nữa, việc phát hành các bản copy với mục đích thương mại mà không xin phép tác giả, không có giấy phép xuất bản là vi phạm luật pháp. "Vì vậy đối với các trang web rao bán tài liệu công khai như vậy, tôi nghĩ các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý mạnh tay".
Theo Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng