Sếp Xiaomi tại Ấn Độ thẳng thắn thừa nhận hãng đang học hỏi chiến lược từ các hãng khác trong đó có Samsung
Tuy đang là hãng dẫn đầu thị trường smartphone Ấn Độ nhưng Xiaomi khẳng định, công ty vẫn còn phải học hỏi chiến lược phát triển lâu dài của các hãng, trong đó có Samsung.
Xiaomi và Samsung là những đối thủ chính trên thị trường smartphone Ấn Độ, điều đó không có nghĩa là họ không học hỏi lẫn nhau. Khi được hỏi về việc liệu Xiaomi có học hỏi điều gì từ chiến lược của Samsung hay không, giám đốc điều hành Xiaomi tại Ấn Độ, ông Manu Kumar Jain đã đã có những chia sẻ thẳng thắn.
Manu Jain, CEO Xiaomi tại thị trường Ấn Độ
Jain cho biết, Xiaomi đang không ngừng học hỏi từ chính các đối thủ, bao gồm cả Samsung để hoàn thiện mô hình kih doanh và tăng trưởng doanh số.
Xiaomi bắt đầu tấn công thị trường Ấn Độ với chiến lược bán hàng trực tuyến. Sau khi đã có được thị phần ban đầu và được người dùng biết đến, Xiaomi bắt đầu chuyển sang chiến lược bán hàng trực tiếp tại các cửa hàng từ cách đây khoảng 2 năm trước. Chiến lược này có phần giống với cách Samsung đã làm hồi mới gia nhập thị trường Ấn Độ. Kể từ đó đến nay, Xiaomi đã chiếm được gần 30% thị phần tại Ấn Độ, vượt mặt cả Samsung.
Jain chia sẻ với giới truyền thông: "Đó thực sự là một khởi đầu khó khăn. Chúng tôi hầu như không thể bán được bất kỳ chiếc smartphone nào ngoài cửa hàng trong vòng 6 tháng đầu tiên. Chúng tôi đang học hỏi Samsung và Vivo trong cách mở rộng sự hiện diện tại các cửa hàng ở quốc gia này".
Mô hình kinh doanh của Xiaomi thời kỳ đầu có sự học hỏi khá nhiều của Samsung, đó là việc tung ra nhiều mẫu smartphone mới với sự thay đổi nhỏ, tức là cấu hình và giá bán giữa các model kế cận không có sự khác biệt quá lớn.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, nhờ việc tích cực mở rộng số lượng cửa hàng, thị phần của Xiaomi trên thị trường smartphone Ấn Độ đã tăng nhanh và đạt mức 29%, bất chấp doanh số bán smartphone của hãng đã giảm khoảng 2% so với cùng kỳ trước đó.
Mặt khác, Samsung gần đây lại quay trở lại chiến lược bán trực tuyến như trước kia. Cụ thể hãng đã ra mắt dòng smartphone M-series chuyên bán trực tuyến tại Ấn Độ. Tuy nhiên có vẻ chiến lược cũ chưa thể phát huy hiệu quả trong lúc này khi thị phần của hãng đã giảm từ 26% so với cùng kỳ năm ngoái xuống chỉ còn 23%.
Xiaomi hiện đang đặt mục tiêu mở khoảng 10 ngàn cửa hàng bán lẻ tại Ấn Độ và phấn đấu đạt 50% doanh số từ kênh bán trực tiếp tại thị trường Ấn Độ vào cuối năm nay.
Jain cho rằng, quyết định chuyển từ bán hàng trực tuyến sang bán tại cửa hàng là đúng đắn và hợp lý trong bối cảnh Xiaomi đã chạm ngưỡng giới hạn với thị phần 50% trên kênh bán hàng trực tuyến. Đó cũng là lý do chính buộc Xiaomi phải chuyển hướng sang kênh bán trực tiếp.
Tuy nhiên nhược điểm của phương pháp bán hàng trực tiếp là đẩy chi phí vận hành tăng cao. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến giá bán sản phẩm và lợi nhuận của công ty.
Jain thừa nhận: "Đúng là chi phí kinh doanh trực tiếp tại cửa hàng cao hơn so với bán trực tuyến. Nhưng tôi có thể tự tin nói rằng, chi phí vận hành cửa hàng của chúng tôi thuộc hàng thấp nhất trong số các thương hiệu. Các thương hiệu khác thường có xu hướng tạo ra từ 3-4 lớp phân phối, gồm quốc gia, tiểu bang, thành phố và đôi khi còn có cả các nhà phân phối nhỏ hơn, trước khi sản phẩm đến được tay người bán lẻ và khách hàng. Nhưng chúng tôi chỉ có một cấp phân phối duy nhất".
Vị giám đốc điều Xiaomi tại Ấn Độ nhấn mạnh: "Tác động lớn nhất tới lợi nhuận của chúng tôi không phải đến từ việc bán hàng qua kênh trực tiếp mà bởi sự dao động của đồng đô la. Nếu đồng đô la tăng, chi phí của chúng tôi cũng sẽ tăng. Đó là bởi dù chúng tôi đang sử dụng các linh kiện tại Ấn Độ, nhưng hầu hết linh kiện của một chiếc smartphone vẫn cần phải mua bằng đồng đô la tại các nước khác".
Tất nhiên dù chi phí bán hàng có tăng lên thì cũng không phải là mối lo lớn nhất của Xiaomi trong tương lai khi hãng dự kiến có thể lấy nguồn thu từ dịch vụ Internet và ứng dụng di động để bù đắp cho khoản chi phí tăng cao.
Tham khảo Indiatimes
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Huawei và SMIC gặp khó khăn với tiến trình sản xuất chip, mắc kẹt ở 7nm cho đến ít nhất năm 2026
Huawei và SMIC sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong thời gian tới.
Dựa trên lý thuyết mới, lần đầu tiên ngành vật lý học "chụp hình" được một hạt photon