Sau khi chỉ trích Tổng thống Obama, Mark Zuckerberg được mời tới Nhà Trắng
(GenK.vn) - Vào thứ 6 vừa qua, Eric Schmidt của Google, Mark Zuckerberg của Facebook cùng nhiều giám đốc của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã tham dự cuộc họp kín với Tổng thống Barrack Obama thảo luận về vấn đề giám sát. Cuộc họp này diễn ra ngay sau khi Zuckerberg lên tiếng đả kích Nhà Trắng vì công cuộc cải tổ Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) diễn ra quá chậm.
Cuộc họp lần này có sự góp mặt của nhiều “ông lớn” trong ngành công nghệ như CEO Reed Hastings của Netflix, đại diện của Dropbox, Box và Palantir. Theo phát ngôn viên của Nhà Trắng, họ đã cùng với Tổng thống Obama thảo luận về “cam kết thực hiện các bước tiến giúp người dân có thể tin vào quyền được bảo vệ trong khi vẫn duy trì sự ổn định và bảo đảm an toàn cho họ” của chính phủ.
Mặc dù 4 tháng trước, giám đốc điều hành của nhiều hãng công nghệ lớn đã từng được mời tới Washington để bàn thảo về vấn đề trên nhưng phiên họp lần này lại diễn ra ngay sau thời điểm Zuckerberg gọi điện cho tổng thống Obama để bày tỏ “nỗi thất vọng vì thiệt hại của chính phủ” gây ra cho ngành công nghệ.
Mark Zuckerberg đã bày tỏ "nỗi thất vọng vì thiệt hại của chính phủ” gây ra cho ngành công nghệ
Sau cuộc họp diễn ra vào hôm thứ 6, phát ngôn viên của Facebook cho biết: Zuckerberg đã “mang mối quan ngại của mình… đến gặp trực tiếp tổng thống… Mặc dù chính phủ Hoa Kỳ đang thực hiện các bước cải tổ cần thiết đối với chương trình do thám nhưng chúng vẫn chưa đủ. Các công dân trên toàn thế giới cần biết rằng thông tin của họ phải được bảo mật và Facebook vẫn sẽ tiếp tục yêu cầu chính phủ Mỹ phải minh bạch hơn trong các hoạt động của mình và phải quan tâm hơn nữa tới quyền tự do của mỗi con người.”
Trong khi đó, các tranh luận diễn ra xung quanh vấn đề do thám của NSA cùng mối quan hệ của chính phủ Mỹ với các hãng công nghệ đã làm đau đầu nhiều tên tuổi lớn trong ngành. Đặc biệt, sau những tiết lộ của Edward Snowden hồi năm ngoái, các công ty nước ngoài và các quốc gia khác đã dấy lên nỗi lo khi làm việc với các các công ty trong Thung lũng Sillicon. Ngược lại, nhiều “ông trùm” trong ngành công nghệ của Mỹ cũng lo ngại khả năng châu Âu, Brazil, Ấn Độ cùng nhiều thị trường trọng điểm khác sẽ áp đặt lệnh trừng phạt bằng cách hạn chế trao đổi thương mại và ban hành luật lưu trữ thông tin dành cho các khách hàng trong nước.
Theo Dean Garfield, chủ tịch Hội đồng ngành công nghệ thông tin nhận định: “Khi các thông tin về NSA bị tiết lộ, ngày càng nhiều các chính sách bất lợi đối với nền kinh tế thế giới xuất hiện… Quốc hội và các cơ quan nhà nước cần phải tích cực thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trong việc củng cố lòng tin” trong các lĩnh vực.
Tham dự trong cuộc họp tại Nhà Trắng cùng với Drew Houston (Dropbox), Alexander Karp (Palantir), Aaron Levie (Box), Eric Schmidt và Mark Zuckerberg có sự góp mặt của Bộ trưởng Bộ Thương mại – Penny Pritzker, cố vấn cấp cao cuả Tổng thống - Valerie Jarrett, Cố vấn đặc biệt của Tổng thống - John Podesta, các quan chức của NSA cùng các nhân viên văn phòng chống khủng bố. Tổng thống Obama cũng phác thảo sơ bộ các bước đã thực hiện trong chiến dịch cải tổ chương trình do thám của chính phủ kể từ ngày 17/1. Ngoài ra, ông cũng cung cấp thêm các thông tin về chính sách bảo vệ quyền riêng tư dành cho người dùng trực tuyến.
Cuộc họp diễn ra dưới sự góp mặt của Tổng thống Obama cùng các giám đốc công nghệ hàng đầu thế giới
Sau phiên họp, các nhân viên của Nhà Trắng cũng khảo sát người dùng Internet về việc liệu họ có cảm thấy dữ liệu cá nhân của mình đã được bảo vệ trên trang web chính thức của Nhà Trắng.
Trước đó, vào tháng 12 năm 2013, Tổng thống Obama đã có buổi nói chuyện trực tiếp với một số giám đốc điều hành của các hãng công nghệ. Trong đó có CEO của Yahoo – Marissa Mayer, đại diện của Twitter – Dick Costolo và nhiều người khác cùng được mời tới Nhà Trắng tham dự phiên họp liên quan tới HealthCare.gov (một phần của chính sách ObamaCare) nhưng chủ đề nhanh chóng được chuyển sang các vấn đề của NSA. Sau khi kết thúc cuộc họp, lãnh đạo của các hãng công nghệ đã đề nghị ông Obama “nhanh chóng tiến hành cải tổ toàn diện”.
Cuộc họp lần này diễn ra đúng thời điểm nổ ra các ý kiến về việc liệu nên hay không cải tổ NSA. Thời hạn dành cho ông Obama quyết định vận mệnh của chương trình do thám điện thoại sẽ được ấn định vào cuối tháng này. Mặt khác, các nhà làm luật tại văn phòng chính phủ cũng đang chuẩn bị quyết định tương lai của NSA, dự kiến sẽ được thống nhất vào năm tới.
Vận mệnh của chương trình do thám NSA sẽ được quyết định vào cuối tháng này
Tại nghị trường, các cuộc tranh luận cũng đang diễn ra sôi nổi từ trong phòng họp cho tới bên ngoài Quốc hội. Nhiều công ty công nghệ hàng đầu đã liên kết cùng nhau thành lập nhóm Cải tổ chương trình do thám của chính phủ (Reform Government Surveillance) và bắt đầu kêu gọi mọi người ủng hộ. Trong đó, một số hãng đã chi hàng triệu USD nhằm gây sức ép trong các cuộc tranh luận về bảo mật, an ninh máy tính và do thám bên trong văn phòng chính phủ. Những công ty khác lại tham gia đấu tranh trực tiếp. Điển hình như các thành viên của Hội đồng CEO công nghệ đã bày tỏ mối quan tâm của mình với Nhà Trắng trong các cuộc họp diễn ra tuần qua tại trụ sở Quốc hội. CEO của IBM – Virginia Rometty, CEO của Xerox – Ursula Burns và nhiều người khác đã nhấn mạnh rằng các tiết lộ về NSA rất có thể sẽ châm ngòi cho các lệnh hạn chế thương mại quốc tế mới.
Tham khảo: Politico
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng