Sàn thương mại điện tử dành cho người cõi âm: không cần gọi đầu tư vẫn sống khỏe

    Ngocmiz,  

    Thập kỷ vừa qua, thương mại điện tử đã len vào từng ngóc ngách trong đời sống người dân Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn còn một mảng có vẻ chưa bị tác động bởi làn sóng thương mại điện tử: dịch vụ ma chay cho người chết.

    Điều này không có gì khó hiểu vì mảng này luôn được những người đứng tuổi ít có khuynh hướng sáng tạo chăm lo. Các doanh nhân trẻ khởi nghiệp cũng ít khi cân nhắc dịch vụ này trong các ý tưởng startup. Kết quả là kinh doanh đồ tế lễ hay hậu sự hiện nay phần lớn vẫn được thực hiện theo lối truyền thống.

    Cũng phải kể đến một số trở ngại khác như sự phân tán của mảng kinh doanh này. Cụ thể thì để tìm được các sản phẩm như một loại áo quan đặc biệt, bạn sẽ phải lần mò ghé qua hoặc gọi điện cho hàng tá cửa hàng nhỏ lẻ hỏi xem còn không. Những người tiêu dùng offline luôn bị hạn chế bởi các yếu tố như địa điểm hay thời gian và dễ bị “hét giá” khi có quá ít lựa chọn ở khu vực họ sinh sống.

    Nhất là khi trong gia đình có người mất, các thành viên cũng thường không có thời gian hay động lực đi tìm kiếm so giá hay lựa chọn món đồ ưng ý nhất. Nhiều người Trung Quốc hiện này còn phàn nàn họ không thể chi trả nổi tiền hậu sự cho người thân.

    Thương mại điện tử đã nhảy vào

    Thương mại điện tử rõ ràng là giải pháp tốt cho vấn nạn trên. Khi đặt hàng theo cách truyền thống, bạn có thể phải mất tới nhiều ngày gọi điện cho hàng loạt cửa hàng khác nhau để khảo giá hoặc hỏi xem có còn món đồ nào đó không. Tuy nhiên, với một lần search vài giây trên mạng, bạn đã có trong tay tất cả những thông tin đó rồi. Xu hướng các sàn thương mại điện tử nhảy cả vào mảng này thực sự là tất yếu.

    Các sàn thương mại điện tử lớn của Trung Quốc đều rao bán các sản phẩm dùng cho mai táng. Chẳng hạn như trên JD.com bạn có thể đặt mua các cỗ quan tài, bình đựng tro cốt và các sản phẩm đi kèm trong tang lễ. Trên Tmall của Alibaba, các sản phẩm cũng đa dạng như vậy. Đặc biệt, các con số thống kê về doanh số bán các sản phẩm dạng này trên Taobao cho thấy công ty đã bán được hàng ngàn bình đựng tro cốt chỉ tính trong tháng vừa qua.

    Trải nghiệm được nâng cấp

    Đặt mua trên các sàn thương mại điện tử như JD hay Taobao giúp khách hàng tìm được những sản phẩm giá cả phải chăng nhưng không phải một giải pháp phù hợp với tất cả mọi người. Bạn vẫn cần phải tự tìm từng món đồ bạn cần, đặt mua từng thứ rồi gộp lại trong tang lễ. Việc này vẫn đòi hỏi quá nhiều thời gian công sức đối với một người vừa mất đi người thân. Vậy nên nếu bạn muốn tìm mua trọn gói mọi thứ, những sàn lớn của JD hay Alibaba đều không phải lựa chọn tốt.

    Với những ai không muốn tự mình tìm mua từng thứ lo hậu sự, các trang thương mại điện tử như Yiko thực sự là một giải pháp hoàn chỉnh. Trên Yiko, bạn có thể chọn chính xác những thứ mình muốn hoặc đặt mua trọn gói tất cả những sản phẩm cần thiết. Bạn có thể tìm kiếm tất cả những món đồ tang lễ tại các thành phố lớn như Bắc Kinh với giá cả, đánh giá từ người mua trước hay ảnh chụp món đồ. Mọi món đồ tang lễ từ vòng hoa cho đến các vật dụng cho người quá cố đều có trên Yiko. Bạn thậm chí có thể đặt các dịch vụ tang lễ như hỏa thiêu hay chôn cất ngay trên chính website này.

    Các startup dịch vụ như Yiko cũng có những cách truyền thông độc đáo hướng tới đối tượng người cao tuổi. Theo nhật báo PingWest, những người đại diện từ Yiko đang trở nên rất thân thuộc trong cộng đồng những người về hưu. Những đại diện này thường tập trung cùng hát với người cao tuổi, chụp ảnh cho họ hay thậm chí là chủ động thảo luận về các lựa chọn cho việc hậu sự của họ. Những chiến lược tiếp cận rất gần gũi và thẳng thắn này hoàn toàn đối lập với cách truyền thông của các công ty cung cấp dịch vụ ma chay truyền thống như đưa ra những tấm card visit hay những tờ rơi giới thiệu sản phẩm một cách cộc lốc.

    Cảm hứng từ những người quá cố

    Từ khi sinh ra, sáng lập viên của Yiko, Ma Lei đã quen với cảnh những người xung quanh qua đời. Cha mẹ anh cùng làm việc tại một bệnh viện và cả gia đình sống trong khu ký túc xá ngay gần nhà tang lễ của bệnh viện. Từ bé, Ma Lei đã chứng kiến các giai đoạn lo hậu sự, tiễn đưa người quá cố trong tiếng khóc nghẹn ngào ngay từ ô cửa sổ nhỏ bé của mình.

    Ma cũng có những trải nghiệm với cái chết. Khi còn học lớp 3, một người bạn tung hứng một chiếc chai vỡ đã vô tình làm bén một phát vào cổ tay anh. Ma ngất đi vì mất máu và tỉnh lại trong bệnh viện, ý thức được mình còn sống nhưng vẫn nhớ những hình ảnh hiện ra ngay trước khi anh bất tỉnh: anh không hề cảm thấy đau đớn hay sợ hãi gì hết. Chính điều này đã khiến anh luôn tò mò về cái chết.

    Lên đại học, anh thậm chí còn nếm trải một khoảnh khắc còn gần hơn với cái chết. Trong một lần lái xe khi đang kiệt sức, Ma mất lái một giây và gây ra một tai nạn khủng khiếp. Chiếc xe anh lái gần như nát hết. Khi tỉnh lại trong bệnh viện, anh liên tục cho rằng anh đã gặp một người bạn cùng lớp đã chết, đứng ngay đầu xe anh ngay trước khi nó bị đâm.

    Coi đây là một dấu hiệu, Ma bắt đầu theo đạo Phật và làm các việc liên quan đến ma chay. Nỗ lực đầu tiên là trở thành một người gác nghĩa trang nhưng thất bại do đây là một địa hạt khá độc quyền. Tiếp đó anh đã cố gắng xây dựng một dịch mai táng online. Năm 2014, anh thậm chí còn đến tận Bắc Kinh gặp Wang Dan, sáng lập trang đặt dịch vụ mai táng trực tuyến Bi’an, nhưng hai người cuối cùng không gặp mặt trực tiếp. Ma muốn sản phẩm của anh có thể cung cấp dịch vụ hoàn toàn online nên đã đích thân tới Thượng Hải thành lập Yiko.

    Những điều kiện thuận lợi

    Yiko, Bi’an hay các bên cung cấp dịch vụ ma chay trực tuyến khác đều xuất hiện rất đúng thời điểm. Trung Quốc đã qua thời kỳ dân số vàng và đến với thời kỳ dân số già đi với thị trường đang mở rộng cho các dịch vụ mai táng.

    Thậm chí ngay cả lúc này, nhu cầu cho những dịch vụ như vậy cũng quá đủ để các startup lĩnh vực này có thể chinh chiến mà không cần nguồn vốn đầu tư như startup các ngành khác. Sau hai năm hoạt động, Yiko chưa cần tới một đồng vốn mạo hiểm nào (hoặc nếu có thì đây hẳn sẽ là công ty được đầu tư một cách bí mật). Bi’an được quỹ Zhenfund cấp vốn với tư cách nhà đầu tư thiên thần từ đầu năm 2014 nhưng kể từ đó chưa hề gọi thêm bất kỳ vòng đầu tư mạo hiểm nào khác. Cả hai công ty đều có vẻ như tự kiếm đủ tiền để vận hành.

    Đây cũng là một thực tế khá trớ trêu không ai nghĩ tới: Trong khi các startup trong lĩnh vực hot gọi được hàng núi vốn đầu tư đang ngày đêm khổ công “đốt tiền” chiếm lấy thị phần thì các startup trong lĩnh vực “đốt tiền vàng mã” lại đang trên đà tăng trưởng rất nhanh chóng.

    Tham khảo Tech In Asia

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày