RTX 5080 lộ điểm hiệu năng: Chênh lệch với RTX 4080 Super chỉ "vài ba FPS", có xứng đáng bỏ 999 USD để lên đời?
Liệu RTX 5080 có thực sự đáng giá 999 USD, hay RTX 4080 Super vẫn là lựa chọn hợp lý hơn?
Nvidia vừa chính thức ra mắt RTX 5080, thu hút sự quan tâm của giới công nghệ và cộng đồng game thủ. Tuy nhiên, các đánh giá ban đầu cho thấy hiệu năng của sản phẩm này không tạo ra bước nhảy vọt đáng kể so với RTX 4080 Super, làm dấy lên nhiều tranh cãi về giá trị nâng cấp.
Hiệu năng gây tranh cãi
Theo bài đánh giá từ Igor'sLAB, được chia sẻ trên Reddit, RTX 5080 chỉ mạnh hơn 8,3% so với RTX 4080 Super khi thử nghiệm trên 11 tựa game ở độ phân giải 1440p, không bật Ray Tracing hay DLSS. Trong Horizon Zero Dawn Remastered, RTX 5080 đạt 156,3 fps – chỉ nhỉnh hơn 1,3 fps so với mức 154,3 fps của RTX 4080 Super. Mức chênh lệch này khiến nhiều người lăn tăn với mức giá 999 USD của RTX 5080.
Ngoài ra, RTX 5080 còn tiêu thụ điện năng cao hơn. Cụ thể, card đồ họa này ngốn 289,7W, nhiều hơn 12W so với RTX 4080 Super. Trước khi ra mắt, một số tin đồn từng cho rằng RTX 5080 có thể nhanh hơn 10% so với RTX 4090, nhưng thực tế không đạt được mức kỳ vọng đó.
Bên cạnh các bài đánh giá ban đầu, một nguồn tin rò rỉ trên diễn đàn Tieba Baidu (Trung Quốc) cũng mang đến một góc nhìn khác về hiệu năng của RTX 5080. Một bức ảnh chụp màn hình được đăng tải cho thấy RTX 5080 đạt 32.701 điểm trong bài test 3DMark Time Spy, cao hơn đáng kể so với mức trung bình 28.305 điểm của RTX 4080 Super.
Nếu con số này chính xác, RTX 5080 có thể mạnh hơn 15% so với RTX 4080 Super. Cũng theo người dùng đăng tải hình ảnh, đây là hiệu năng của RTX 5080 đã ép xung, đồng nghĩa với việc hiệu năng mặc định của mẫu card này trong 3DMark Time Spy sẽ thấp hơn đôi chút. Tất nhiên, đây chỉ là dữ liệu rò rỉ, chưa được kiểm chứng bởi các bài đánh giá độc lập.
DLSS 4 và Multi Frame Generation có thể thay đổi cuộc chơi?
Cũng cần nói thêm, Nvidia trước đó cũng không tiết lộ quá nhiều về hiệu năng thuần của dòng RTX 5000 tại CES 2025. Hầu hết các so sánh hiệu suất được công bố đều thực hiện trên những tựa game như Cyberpunk 2077, Alan Wake 2, A Plague Tale Requiem và Far Cry 6, với Ray Tracing và DLSS được bật. Trong khi đó, các bài test rasterization – vốn phản ánh hiệu suất thuần túy của GPU – lại không được công bố rộng rãi.
Nhờ công nghệ tạo khung hình bằng AI – Multi Frame Generation, RTX 5000 series có thể tạo ra tốc độ khung hình cao hơn đáng kể so với thế hệ trước. Đáng chú ý, CEO Jensen Huang từng tuyên bố RTX 5070 (giá 549 USD) có thể đạt hiệu suất ngang bằng RTX 4090 – tất nhiên là chỉ khi bật Multi Frame Generation. Với RTX 5080, việc Nvidia sắp ra mắt DLSS 4 có thể giúp cải thiện tốc độ khung hình và tối ưu hiệu suất tổng thể, nhưng vẫn cần thêm các bài đánh giá độc lập để xác thực tác động thực tế của công nghệ này.
Với RTX 5080 và 5090 chính thức lên kệ hôm nay tại một vài quốc gia, chắc chắn sẽ có thêm nhiều bài đánh giá chi tiết trong thời gian tới. Việc kiểm tra hiệu năng ở độ phân giải 4K sẽ đặc biệt quan trọng, nhất là với nhóm game thủ cao cấp. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, sự phấn khích về RTX 5080 vẫn đang bị che mờ bởi những hoài nghi về giá trị nâng cấp của nó. Liệu RTX 5080 có thực sự đáng giá 999 USD, hay RTX 4080 Super vẫn là lựa chọn hợp lý hơn? Câu trả lời có lẽ sẽ rõ ràng hơn khi các đánh giá đầy đủ được công bố.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao 'chưng cất' đang trở thành từ đáng sợ nhất với các công ty AI tiên phong?
Dù chưng cất là một kỹ thuật đã được ứng dụng rộng rãi, nhưng việc DeepSeek tận dụng phương pháp này để phát triển mô hình AI của họ đã gây tranh cãi
Vì sao rắn độc không bao giờ bị trúng nọc độc của chính nó?