Quá trình biên tập Avengers: Endgame đã thay đổi đáng kể đoạn kết của nhân vật Black Widow
Cảnh báo spoiler nếu bạn vẫn chưa xem Avengers: Endgame.
Bộ đôi biên tập viên Jeffrey Ford và Matthew Schmidt đã cùng làm việc trong suốt hai năm trời để biên tập liên tục cho hai bom tấn Infinity War và Endgame. Cả hai bộ phim có thời lượng các cảnh quay tổng cộng 900 tiếng, và họ đã thực hiện nhiều thay đổi lớn trong quá trình hậu kỳ của Endgame, bao gồm phân cảnh hi sinh của Black Widow, cũng như làm thế nào để đưa trận chiến New York vốn diễn ra trong The Avengers vào cốt truyện du hành thời gian của Endgame.
Bắt đầu vào tháng 1/2017, bộ đôi này đã là một phần trong nhóm sáng tạo chủ chốt, đảm nhận khâu xử lý đoạn kết cho Infinity Saga của Vũ trụ điện ảnh Marvel, với trọng tâm là hai bộ phim Infinity War và Endgame. Ford và Schmidt đã biên tập hai bộ phim này liên tiếp nhau, có nghĩa là họ phải cắt ghép phim cùng thời điểm với khi hai đạo diễn Anthony và Joe Russo vẫn còn đang phim.
"Chúng tôi cắt phim mỗi ngày, sàng lọc chúng, và nghiên cứu để xem sẽ quay lại cảnh nào, cần hoàn thành cái gì" - Ford nói - "Chúng tôi liên tục làm việc trong các giai đoạn tiền sản xuất, sản xuất, và hậu sản xuất cùng một lúc trong suốt một năm trời".
"Và sau đó, khi chúng tôi hoàn tất cái năm điên rồ đó, chúng tôi bước tiếp vào địa ngục thực sự, giai đoạn hậu kỳ bất khả thi kéo dài từ tháng 1 đến tháng 4, thời điểm ra mắt 'Infinity War', và đó là một trong những thời kỳ làm phim căng thẳng nhất tôi từng trải qua, mà trước đó tôi từng làm việc trong một số bộ phim khá điên rồ rồi đấy" - Ford nói tiếp.
Trước khi bắt tay vào biên tập "Infinity War" và "Endgame", Ford từng tham gia biên tập các bộ phim MCU khác gồm "Captain America: The First Avenger", "The Avengers", và "Avengers: Age of Ultron". Trong quá trình làm những bộ phim này, Schmidt luôn song hành cùng anh, ban đầu là trợ lý biên tập trong bộ phim "Avengers" đầu tiên, sau đó đồng biên tập kể từ "The Winter Soldier".
Và bộ đôi biên tập này là thành tố không thể thiếu quyết định thành công của các bộ phim sau này của MCU. Trong khi Ford đang dần hoàn tất khâu hậu kỳ của "Infinity War", Schmidt tiếp tục ráp các cảnh quay "Endgame" trong khi anh em nhà Russo vẫn đang quay để họ không phải mất thời gian chờ đợi mới được xem các trường đoạn đã được biên tập của phim.
Tổng cộng, Ford cho biết đoàn làm phim đã quay hơn 900 giờ phim trong quá trình làm "Infinity War" và "Endgame".
"Đó là một lượng cảnh quay khổng lồ, với 3, đôi lúc là 4 nhóm quay làm việc mỗi ngày. Và đó là chưa tính đến các cảnh quay motion-capture. Nhưng nếu bạn làm dần dần, bạn có thể hoàn thành nó" - Ford nói.
Trong quá trình biên tập đầy thú vị nói trên, bộ đôi biên tập viên đã đưa ra một số quyết định dẫn đến những thay đổi trong các cảnh quay và các trường đoạn. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp của Endgame, khi bên cạnh những cảnh chiến đấu lớn và những khoảnh khắc bi tráng, họ còn phải thêm vào các cảnh quay từ các phim MCU trước đây để đáp ứng cốt truyện có yếu tố du hành thời gian.
Dưới đây, Ford và Schmidt giải thích cho chúng ta thấy "Endgame" đã thay đổi như thế nào trong quá trình biên tập:
Cảnh phim bi tráng về Black Widow đã được thay đổi khá đáng kể để khiến nó thân mật hơn.
Cảnh phim Natasha Romanoff (Black Widow, do Scarlett Johansson thủ vai) và Clint Barton (Hawkeye, do Jeremy Renner thủ vai) đi tìm viên Soul Stone ở Vormir đã dẫn đến một trong những khoảnh khắc bi tráng nhất trong "Endgame". Hai Avengers tìm cách ngăn nhau nhảy xuống vực để người kia có thể lấy được viên đá. Cuối cùng, Black Widow đã hi sinh linh hồn của cô để đổi lấy viên Soul Stone.
Nhưng ban đầu, cảnh phim này rất khác.
"Trong kịch bản và trong lần quay ban đầu, đó là một cảnh xuất sắc. Thanos và đội quân của hắn xuất hiện trên Vormir, và một trận chiến nhỏ nổ ra giữa chúng và Natasha và Clint. Natasha quyết định nhảy xuống vực. Clint cố ngăn cô trong khi chống chịu những đợt tấn công" - Schmidt nói.
Schmidt nói rằng cảnh hi sinh ban đầu của Black Widow được chiếu để thử phản ứng của người xem, và kết quả khá tích cực, nhưng sau khi nghiền ngẫm các cảnh quay, một ý tưởng mới hình thành.
"Nó đã được quay lại để làm cho quan hệ giữa Clint và Natasha trở nên thân mật hơn, và nó đáp ứng được kỳ vọng trong phiên bản cuối cùng của phim. Chúng tôi nảy ra một ý tưởng hay hơn, một ý tưởng tôn vinh Natasha thêm một chút nữa" .
Thời điểm các Avengers quay lại trận chiến New York đã được thay đổi nhiều lần.
Trong "Endgame", các Avengers quay lại những thời điểm quan trọng trong quá khứ nhằm thu thập các viên đá Vô Cực. Trong đó, họ quay lại New York để lấy khối Tesseract ngay khi trận chiến New York đang nổ ra trong phim "Avengers 1".
Các biên tập viên phải quyết định thời điểm nào trong trận chiến nên cho các Avengers xuất hiện, nhằm đảm bảo người xem có thể ngay lập tức nhận ra thời điểm đó là lúc nào. Và phải đến khâu hậu kỳ họ mới đưa ra được quyết định.
"Kịch bản là (các Avengers sẽ quay lại) khi Tony bay xuyên qua con Leviathan và khiến nó phát nổ từ bên trong. Nhưng khi chúng tôi chiếu nó cho khán giả xem thử, chúng tôi nhận ra phải mất vài phút họ mới nhớ ra được. Không như ý muốn của chúng tôi. Nên chúng tôi thử vài phiên bản khác" - Ford nói.
Ford cho biết anh đã thứ cắt một phân cảnh là các Avengers xuất hiện khi Hulk đang chụp Loki và quật anh này xuống nền như quật một con búp bê vậy. Nhưng cuối cùng họ lại sử dụng một phân cảnh khác.
"Phiên bản được sử dụng là khi nhóm Avengers lần đầu tập hợp, cảnh quay xoay vòng ấy." - Ford nói. Quả thật, đó là cảnh quay gọn ghẽ và hoành tráng nhất khiến chúng ta nhớ đến "Avengers 1".
Cảnh quay Loki và Jane Foster (Natalie Portman) trên Asgard được lấy từ các cảnh quay không được sử dụng của "Thor: The Dark World".
Ford và Schmidt phải mò mẫm lại các cảnh quay từ kho lưu trữ để có được hai cảnh quay thú vị trong phân cảnh Thor và Rocket quay lại Asgard lấy viên Aether.
"Cảnh quay Loki ném chiếc cốc trong buồng giam, và Thor cùng Rocket lẻn ra sau anh ta, là một cảnh quay định dạng DNG được lấy từ 'The Dark World' và sử dụng lại. Cảnh của Natalie Portman cũng vậy" - Ford nói.
Ford cho biết mục tiêu với mọi cảnh phim quay ngược thời gian trong "Endgame" là dùng lại càng nhiều cảnh quay từ các bộ phim gốc càng tốt. Do đó trong trường hợp của Portman, cô ấy thậm chí chẳng cần bước đến trường quay mới được xuất hiện trong "Endgame"!
Tại sao cần có cảnh Thanos nói ở cuối phim để tạo cơ hội cho Tony Stark nói câu nói để đời "I am Iron Man".
Ford đã đi vào lịch sử của MCU sau khi anh em nhà Russo tiết lộ rằng anh này là người đưa ra ý tưởng Tony Stark nói câu nói nổi tiếng "I am Iron Man" sau khi "cuỗm" những viên đá vô cực từ Thanos. Và theo Ford, ý tưởng này xuất hiện sau khi anh xem qua nhiều phiên bản thử nghiệm của phân cảnh này.
"Chúng tôi quay cảnh này theo nhiều cách khác nhau, với nhiều câu thoại khác nhau. Robert cũng có một câu ngẫu hứng. Có vài cảnh anh ấy im lặng, và một trong số đó là cảnh quay yêu thích của chúng tôi trong một thời gian dài. Nhưng rồi chúng tôi quyết định Thanos cần một khoảnh khắc ở cuối phim, gã sẽ nói thứ gì đó" - Ford nói.
Ford cho biết trong concept ban đầu, cảnh này Thanos không nói gì cả - chỉ là khi gã búng tay, khán giả sẽ thấy gã không có viên đá nào và Stark đã lấy chúng.
"Chúng tôi nghĩ về cấu trúc của phim sẽ có cảnh Thanos nói gã là tất yếu - gã nói điều đó ở đầu phim và ở giữa phim. Do đó chúng tôi nghĩ sẽ tạo nên một cấu trúc đối xứng tuyệt vời nếu đưa khoảnh khắc này vào".
Do đó khi dòng thoại "I'm inevitable" (Ta là điều tất yếu) của Thanos được đưa vào, dòng thoại "I am Iron Man" (Ta là Người Sắt) được sinh ra để đáp lại nó.
Kevin Feige muốn khép lại bộ phim với tiếng gõ búa từ bộ phim Iron Man đầu tiên.
Nếu bạn ngồi lại xem đến gần cuối đoạn credit của "Endgame", bạn sẽ thấy một điều rất lạ đối với một bộ phim MCU: không có cảnh after-credit nào. Thay vào đó, có một vài tiếng búa đập vào kim loại xuất hiện trong khi logo Marvel Studios hiện ra. Âm thanh này được lấy từ phim "Iron Man" hồi năm 2008, khi Tony Stark tạo ra bộ giáp Iron Man đầu tiên. "Endgame" đã tỏ lòng tôn kính đến bộ phim đã khai sinh ra MCU.
Theo Ford, tiếng búa là một ý tưởng của Kevin Feige, "sếp" của Marvel Studio, được đưa ra trong quá trình hậu kỳ của "Endgame".
"Chúng tôi biết từ sớm rằng sẽ không có cảnh after-credit nào trong bộ phim này. Gần cuối công đoạn hậu kỳ, Kevin tiến đến và nói, 'Tôi có ý này, và tôi muốn thử nó - nếu chúng ta đưa vào một âm thanh nho nhỏ hồi tưởng lại ở cuối với Tony thì sao?' Thế nên chúng tôi đã mò mẫm lại "Iron Man 1" và phát hiện ra đoạn phim chứa âm thanh đó. Chúng tôi đưa nó vào logo và điều chỉnh giai điệu lại một tí. Chúng tôi đưa Kevin xem và ông ấy rất hài lòng. Chúng tôi nghĩ đây là một lời chào tạm biệt tuyệt vời".
Tham khảo: BusinessInsider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng