Phản hồi thông tin đóng tiền để thay nghĩa vụ quân sự: "Lòng yêu nước không thể đổi bằng tiền!"
(Genk.vn) - Đi nghĩa vụ quân sự là thể hiện lòng yêu nước mà bất cứ ai cũng phải có. Đừng biến trách nhiệm và lòng yêu nước thành thứ có thể mua bán...
“Không thể đóng tiền để thay nghĩa vụ quân sự (NVQS). NVQS gắn liền với tri thức quốc phòng và nghĩa vụ bảo vệ đất nước, là trách nhiệm của mọi công dân, tiền không thể thay thế được!”. Bạn đọc Nguyễn Văn Tám bày tỏ ý kiến trước phát biểu “khi sửa Luật NVQS sẽ tính tới việc cho phép đóng một khoản tiền để thay thế” của trung tướng Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, trong bài trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động.
Đừng đổ lỗi dân số đông
Theo bạn đọc Nguyễn Văn Tám, Việt Nam nên học tập mô hình NVQS của Đài Loan. Theo đó, mỗi công dân nam khi đủ tuổi quy định đều phải tham gia NVQS và tự chọn cho mình một binh chủng, nơi thích hợp để thi hành. Ví dụ kỹ sư về máy có thể đăng ký NVQS ở một trung đoàn sửa chữa xe tăng. Khi xảy ra chiến tranh, anh ta sẽ là sĩ quan của đơn vị này. Bất kỳ ai nếu thuộc diện đi NVQS mà không tham gia, sẽ bị xử lý, bị từ chối xuất cảnh.
Việc Trung tướng Trần Đình Nhã lấy lý do dân số nước ta đông để nói rằng “không thể ai đến tuổi cũng phải đi NVQS hết nên phải tính toán để thay thế” không được số đông bạn đọc đồng tình. Trên thực tế, dân số Đài Loan trên 25 triệu người, thấp hơn 4 lần Việt Nam trong khi diện tích của vùng lãnh thổ này nhỏ gấp hơn 6 lần của ta. Tính theo tỉ lệ dân thì Đài Loan đông dân hơn Việt Nam.
Vấn đề mà đông đảo bạn đọc đặt ra, đó là các quy định chế tài, xử lý người không tham gia NVQS từ nhiều năm qua không đươc thực hiện nghiêm minh; có hiện tượng tiêu cực, lo lót xảy ra nên mới có chuyện nhiều người trốn tránh NVQS. Ở Hàn Quốc, mọi công dân, từ công nhân nhà máy đến kỹ sư, bác sĩ, văn nghệ sĩ, vận động viên nếu tìm cách trốn NVQS đều bị truy tố trước pháp luật. “Nếu chúng ta làm nghiêm theo cách này thì mọi người sẽ có ý thức cao hơn trong việc tham gia NVQS. Luật pháp nghiêm sẽ điều chỉnh hành vi, ý thức của người dân” – một bạn đọc góp ý.
Về việc có hiện tượng lo lót, chạy chọt để không tham gia NVQS mà theo trung tướng Trần Đình Nhã là có nhưng không đáng kể, một số bạn đọc cho rằng phải làm rõ việc này và có biện pháp chấn chỉnh vì nó làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật. ‘Tôi thấy việc lo lót xảy ra khá phổ biến. Thanh niên muốn tránh nghĩa vụ quân sự thì phải đút lót tiền cho phường đội, huyện đội, những người trong hội đồng tuyển NVQS” – một bạn đọc nói. Nhiều bạn đọc còn chỉ ra thực trạng ngay cả trong trường hợp bắt buộc phải tham gia NVQS, thanh niên thuộc gia đình khá giả đã tìm cách ở nhà. Do đó, nếu dùng biện pháp đóng tiền để thay thế thì càng tạo điều kiện cho số đông người giàu trốn tránh, dẫn đến thiếu công bằng, phân biệt.
Đi NVQS là yêu nước
Còn nhớ những năm 1985, người dân các huyện Vũ Thư, Vũ xương, tỉnh Thái Bình di cư vào tỉnh Bình Thuận, lập thành hợp tác xã Công Chính thuộc xã Nam Chính, huyện Đức Linh. Cuộc sống di cư những năm đầu vốn rất khó khăn, nhiều gia đình thiếu gạo ăn, phải đi làm thuê cuốc mướn. Ấy vậy nhưng khi nhà nào có người được gửi giấy triệu tập tham gia NVQS thì gia đình, dòng họ, hàng xóm rất vui mừng, tự hào. Họ mổ trâu, giết heo mở tiệc linh đình thâu đêm rồi sáng ra kéo nhau ra Huyện đội Đức Linh để tiễn con em lên đường nhập ngũ. Gần 30 năm qua, hầu hết thanh niên tại đây đều tham gia NVQS, không trốn tránh, bị chính quyền nhắc nhở.
Nói thế để thấy khi khơi gợi được lòng yêu nước, giúp người dân thấy được niềm tự hào khi được triệu tập đi làm nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả thì không cần chờ đến sự nghiêm minh của pháp luật, mọi người vẫn tự nguyện tham gia.
Chính vì lý do này, bạn đọc Lòng Dân nói: “Đi NVQS là thể hiện lòng yêu nước mà bất cứ ai cũng đều phải có. Đó còn là trách nhiệm của toàn dân, không thể đem đồng tiền ra để mua được. Đừng biến trách nhiệm và lòng yêu nước thành thứ có thể mua bán mà có tội với tổ tiên, với đất nước này”.
Dẫu vậy, một số bạn đọc băn khoăn nếu làm nghiêm, làm tốt, ai ai cũng đi NVQS thì lấy đâu ra tiền để nuôi một lực lượng đông đảo như thế. Về băn khoăn này, bạn đọc tranh luận khá sôi nổi, cho rằng cần phải có chính sách hậu NVQS phù hợp. Bạn đọc Người Công Chứng lập luận: “Một năm có cả triệu thanh niên đủ tiêu chuẩn nhập ngũ, nếu không tính toán kỹ thì ngân sách nuôi quân sẽ vỡ, rồi các tiêu chuẩn khi phục vụ xong trong quân ngũ phải giải quyết chứ không thể để quân nhân khi xuất ngũ về không có công ăn việc làm”.
Theo bạn đọc này, điều quan trọng nhất là cần huy động các nguồn lực tài chính cho quốc phòng, quân đội để đầu tư cho lực lượng tham gia NVQS; song song đó điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các chính sách về giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người hoàn thành NVQS trở về.
Theo NguoiLaoDong
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng