Phải chăng Internet of Things đang lạc lối?

    Ngocmiz,  

    Nhiều thiết bị IoT không những không giải quyết được vấn đề gì đáng kể mà thậm chí còn tạo thêm rắc rối cho người dùng. Thế nhưng tất cả những sản phẩm đó có thực sự đáng bị lên án?

    Theo bài viết của Joanna Stern

    Trước tiên hãy chơi một trò chơi nho nhỏ: Hãy thử đoán xem thiết bị nào dưới đây là một sản phẩm được kết nối với smartphone?

    A. Một chai nước theo dõi lượng nước bạn đã uống

    B. Một cái bát có thể theo dõi lượng nước chú chó của bạn đã uống

    C. Một cái ô có thể nhắc bạn quay lại lấy khi bạn bỏ quên nó ở đâu đó

    D. Một chiếc tampon thông minh có thể nhắc các cô gái khi nào cần thay

    Đây thực sự là một câu hỏi khó bởi thực ra cả 4 thiết bị kể trên đều đã được một số startup sản xuất và bắt đầu được chuyển tới tay khách hàng.

    "Nhét" công nghệ vào mọi sản phẩm?

    Công nghệ đã giúp cuộc sống của chúng ta trở nên tiện nghi hơn bằng việc giải quyết hàng tá vấn đề khác nhau, thế nhưng liệu chiếc khay đựng trứng thông minh có thể nhắc bạn khi nào trứng sắp hỏng để đi mua thêm có phải một sản phẩm cần thiết? Một tập hợp các công ty startup chuyên thiết kế các sản phẩm thông minh kết nối với smartphone (hay còn gọi là IoT) tin rằng tất cả mọi vật dụng hàng ngày đều nên được kết nối Bluetooth.

     Từ trái sang: (1) Thùng rác BrunoSmart có thể tự hút bụi vào túi và báo động khi rác đầy, (2) Áo cảm biến Hexoskin Smart Shirt đo các thông số cơ thể và chuyển dữ liệu về điện thoại, (3) Lọ đựng thông minh SKE Neo Smart Jar có thể thông báo về lượng calo hay chất béo của các sản phẩm trong lọ và (4) Vali thông minh Raden A22 có cân báo khối lượng hành lý.

    Từ trái sang: (1) Thùng rác BrunoSmart có thể tự hút bụi vào túi và báo động khi rác đầy, (2) Áo cảm biến Hexoskin Smart Shirt đo các thông số cơ thể và chuyển dữ liệu về điện thoại, (3) Lọ đựng thông minh SKE Neo Smart Jar có thể thông báo về lượng calo hay chất béo của các sản phẩm trong lọ và (4) Vali thông minh Raden A22 có cân báo khối lượng hành lý.

    Làn sóng này có thể xuất phát từ sự giảm giá của các linh kiện thành phẩm, sự bùng nổ của các trang huy động vốn cộng đồng hay những dòng tiền quá lớn đang đổ vào ngành công nghệ. Những thiết bị thông minh có chip, pin cùng hệ thống thông báo tới người dùng đang dần chiếm lĩnh thị trường và thu hút các doanh nghiệp, dù nhiều khi chúng rất kỳ cục. Mới đây, startup MyFlow cũng gây tiếng vang khi giới thiệu sản phẩm tampon thông minh cho nữ giới.

    Trong cuộc sống chúng ta luôn gặp rất nhiều vấn đề. Một hộp đựng thuốc thông minh cho người cao tuổi có thể cảnh báo khi chủ nhân của nó gặp tai biến hay đột quỵ có thể sẽ cứu được tính mạng nhiều người. Một máy điều nhiệt kết nối Internet có thể giúp tiết kiệm kha khá tiền hay một chiếc chuông cửa thông minh cũng có thể giúp chủ nhà yên tâm hơn. Thế nhưng rất nhiều các sản phẩm đắt đỏ lại đang hướng đến giải quyết những vấn đề không thực sự đáng kể. Trong một video quảng cáo sản phẩm, người dẫn có nói “Nhớ được lúc nào cần đánh răng hàng ngày cũng không phải chuyện đơn giản.”

    Thật trớ trêu là thay vì giải quyết những vấn đề hàng ngày của người dùng, nhiều sản phẩm “dở hơi” lại tạo thêm rắc rối cho họ. Rất nhiều sản phẩm không thực sự hoạt động được như những lời quảng cáo. Đây chính là lúc chúng ta cần thật sự tỉnh táo trước khi quyết định chọn mua các sản phẩm IoT.

    Ví dụ đơn giản là chiếc khay đựng trứng thông minh “không chịu” tiếp nhận mạng Wifi nhà tôi. Phải mất tới 15 phút tôi mới kết nối được chiếc khay Egg Minder 15 USD vào ứng dụng iPhone của mình, và cuối cùng nó cũng chỉ cung cấp cho tôi số lượng trứng còn lại trên khay. Thế nhưng khi tôi lấy đi 1 quả để ăn sáng, ứng dụng vẫn báo số trứng còn nguyên như vậy. Phải, có thể nói ứng dụng này đúng là…một quả trứng thối.

    Thế rồi tôi ăn hết bữa sáng ngon lành của mình và uống khoảng 15 ounce (tương đương 0,4 lít) nước. Nhưng chiếc bình thông minh Hidrate Spark lại không nhận được điều này, quả đúng là phí phạm!

    Vào cuối ngày, tại phòng tập gym, chiếc áo ngực thông minh của tôi cũng chỉ ghi nhận được một nửa trong tổng số 45 phút tập luyện của tôi, bởi cảm biến trên các sợi vải của áo không phải lúc nào cũng nhận diện được nhịp tim của tôi.

    Hầu hết các công ty đưa ra lý do cho các lỗi như vậy và chống chế rằng với nhân lực cũng như nguồn quỹ vừa có được, họ sẽ cố gắng hoàn thiện sản phẩm. Thế nhưng liệu họ hoàn thiện được thật hay không cũng khó mà nói trước. Chúng tôi từng chứng kiến các trục trặc xảy ra liên tiếp trong các bài test thử sản phẩm.

    Tôi thậm chí còn bị “bội thực” thông báo trên smartphone. Ví dụ như chiếc bàn chải và thìa thông minh cứ liên tục “nhéo” tôi đi đánh răng hay ăn uống mà hẳn là tôi sẽ phải mất một thời gian mới quen được. Hay như khi tôi mới chỉ rời phòng khách để vào phòng ngủ thì chiếc điện thoại đã nháy ngay là tôi vừa để quên chiếc ô thông mính Davek Alert 125 USD ở đó.

    Các thông báo này là sản phẩm phụ của một sự thiếu tinh tế từ các nhà sản xuất. Một hệ thống thực sự thông minh sẽ biết tự dùng các dữ liệu về vị trí người dùng, thời tiết hay thậm chí là lịch trình hằng ngày của họ để thông báo thay vì liên tục “kêu” inh ỏi khi smartphone của bạn mất kết nối với chiếc ô. Có lẽ một công ty như Google cũng có thể thiết kế ra hệ thống AI tuyệt vời cho một chiếc ô, thế nhưng Davek, một nhà sản xuất chuyên về ô thông minh lại không thể.

    Tại sao chúng ta cứ phải bê công nghệ vào những thứ thực sự chẳng cần đến nó? Dave Kahng, CEO của Davel từng phát biểu: “Bạn sẽ không mua một chiếc BMW chỉ vì camera rearview của nó tốt. Công nghệ là đây: bạn có thể dùng nó để theo dõi một trong những chiếc ô tốt nhất thế giới.”

    Dave đã đúng về một thứ: Đó là một chiếc ô tuyệt vời. Những đồ vật thông minh đúng là thường tốt hơn những đồ bình thường. Thế nhưng một chiếc vali Raden A22 lại không như vậy. Chiếc vali trông rất thanh lịch và có cả một chiếc cân được gắn kèm, thế nhưng phần pin của nó chiếm nhiều chỗ đến mức tôi phải bỏ bớt một đôi giày ở nhà không dám cho vào. Công ty cũng đang dự định tung ra một phiên bản vali lớn hơn nữa.

    Các sản phẩm thông minh cần phải thật sự tốt hơn các sản phẩm thông thường chứ không phải chỉ như những sản phẩm thường, chỉ khác là có thêm một ứng dụng trên smartphone. Hãy lấy ví dụ về chiếc tampon thông minh. Nó có nhiệm vụ chống tràn và chống các triệu chứng sốc độc do để tampon quá lâu trong người. Đây đúng là những vấn đề nhiều phụ nữ gặp phải, thế nhưng liệu chúng ta có cần một thiết bị kết nối Bluetooth update từng phút như vậy? Chúng ta không thiếu những ứng dụng nhắc việc, hay thậm chí là một ứng dụng Tampon Timer rất đáng tin cậy.

    Trong khi đó, CEO của MyFlow lại cho rằng các ứng dụng nhắc nhở như vậy hoàn toàn ổn nhưng lại không cung cấp các thông tin chi tiết được như chiếc tampon thông minh của hãng.

    Mặc dù vậy, tôi không có ý nói chúng ta không nên đổi mới sáng tạo các vật dụng hàng ngày. Một ví dụ tích cực là thùng rác thông minh BrunoSmart. Bạn có thể cho tất cả bụi bẩn vào trực tiếp trong túi bằng cách để chiếc chổi trước bộ phận “hút” của Bruno. Nếu Bruno thực sự hoạt động tốt như được quảng bá thì hẳn nhà sản xuất Dyson cũng sẽ phải ghen tị. Dưới đây là video về thùng rác "số" này.

    _______

    Một số nhà sản xuất các sản phẩm thông minh cũng đang bắt đầu bỏ bớt đồng bộ với smartphone. Chẳng hạn như hãng sản xuất máy ép hoa quả Juicero với việc CEO Doug Evans phát biểu: “Chúng tôi quyết định rằng việc những chiếc máy ép có kết nối smartphone hay không cũng không quan trọng.” Tất nhiên Evans vẫn nghĩ hãng cần phải thiết kế một chiếc máy ép vẫn hoạt động tốt kể cả khi mất tín hiệu wifi, mặc dù wifi giúp chiếc máy chế ra những thức uống tuyệt vời nhất dựa trên các nguyên liệu, thành tố,…

    Tương lai của IoT

    Sau tất cả, cũng có thể tôi đã nhầm. Có thể những sản phẩm kết nối thông minh này, dù chưa được tốt ở thì hiện tại, cũng vẫn giúp thúc đẩy quá trình sáng tạo và khai phá của con người. Genevieve Bell, nhà nhân chủng học của Intel thực sự đã mở mang tầm mắt cho tôi.

    Bell nhắc lại một thế kỷ trước đây, khi các nhà khoa học và các công ty mới chỉ bắt đầu đắn đo về việc điều gì sẽ xảy ra nếu các sản phẩm hàng ngày đều chạy điện? Ví dụ như lò nướng, hộp kem hay những dây chuyền hong khô quần áo?

    Cô giải thích: “Cũng như một số thí nghiệm 100 năm về trước, một số có thể sẽ trở nên đặc biệt hấp dẫn, gặt hái thành công và thay đổi cả cách chúng ta sống. Tương lai hẳn là sẽ còn vô vàn thí nghiệm, cũng như khi chúng ta khi tự đặt câu hỏi tại sao thôi. Tôi tin là những năm 1920 và 1930 xã hội cũng đã trải qua những cuộc cách mạng và “bội thực” tương tự.”

    Nhìn dưới góc độ này thì chúng ta đã và đang được chứng kiến rất nhiều những thí nghiệm thú vị khi tất cả mọi thiết bị đều đang được số hóa – được tạo thêm những giá trị mới như một chiếc máy tính vậy. Thế nhưng chốt lại là con người vẫn không nên để những phát minh này lấy hết khả năng ghi nhớ hay giải quyết các vấn đề cá nhân trong tương lai.

    Và cuối cùng, bạn có đoán được chiếc toilet thông minh kết nối với smartphone sẽ cung cấp cho bạn những thông tin gì không?

    Tham khảo WSJ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ