PGS. TS Trần Đình Thiên: Cách tiếp cận thu hút đầu tư của Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc mời Apple hay Nvidia

    Bình Minh - Thiết Kế: Hải An/ Hương Xuân - Ảnh: Việt Hùng,  

    Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, năm 2024, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trên bản đồ kinh tế thế giới khi dòng vốn FDI và kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh. Sự chuyển mình này mở ra triển vọng tươi sáng cho năm 2025, khi Việt Nam sẵn sàng bước vào kỷ nguyên vươn mình mới.


      PGS. TS Trần Đình Thiên: Cách tiếp cận thu hút đầu tư của Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc mời Apple hay Nvidia- Ảnh 1.

      Theo ông, đâu là những điểm sáng kinh tế nổi bật nhất trong năm 2024?

      Điểm sáng rõ nhất của năm 2024 là xu thế cải thiện liên tục tốc độ tăng trưởng – quý sau hơn quý trước. Đà đi lên của nền kinh tế rất rõ ràng.

      Tuy nhìn, nhìn lại phía sau, chúng ta thấy quý 1, khu vực kinh tế bản địa lâm vào tình thế đặc biệt khó khăn. Lần đầu tiên, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (gần 74.000) vượt xa số doanh nghiệp mới thành lập (chưa đầy 60.000) [tỷ lệ 1.23/1], trong khi trước đây, tỷ lệ này thường chỉ 1/2 hoặc 2/3. Đó là con số mang tính cảnh báo rất cao.

      Thực tế cho thấy năm 2024, khu vực kinh tế bản địa gặp khó khăn chưa từng thấy kể từ khi đổi mới. Khó khăn tích hợp cả khách quan lẫn chủ quan trong nhiều năm, - do COVID, nợ xấu tồn tích từ những năm trước, khó khăn tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn, các điểm nghẽn thể chế, v.v., Hậu quả thật sự nặng nề - nền kinh tế chậm phục hồi, khó trỗi dậy, sức khỏe doanh nghiệp Việt bị bào mòn, suy kiệt…

      Câu hỏi “tại sao khu vực bên ngoài vẫn tốt mà khu vực nội địa lại yếu lâu như vậy” phản ánh thực trạng nghịch lý kinh niên của nền kinh tế nước ta, là một trong những vấn đề then chốt của chiến lược phát triển cho đến nay vẫn chưa được trả lời thấu đáo.

      PGS. TS Trần Đình Thiên: Cách tiếp cận thu hút đầu tư của Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc mời Apple hay Nvidia- Ảnh 2.

      Nhưng sau quý I, qua mỗi quý tiếp theo, tình hình chung được cải thiện rõ rệt. Nền kinh tế “thông mạch” với thế giới hơn, từng bước vươn lên, trở thành một trong những điểm sáng thu hút đầu tư và tăng trưởng của khu vực và thế giới.

      Đến nay, tình hình của khu vực nội được cải thiện ngày càng rõ rệt, trên cả 2 chỉ số - số doanh nghiệp thành lập và số rời khỏi thị trường. Từ tín hiệu “cảnh báo” đầu năm, xu hướng tốt lên của nền kinh tế trong cả năm 2024 trở thành “điểm sáng”, cho thấy triển vọng “xoay chuyển tình thế” rất có ý nghĩa.

      Hai tuyến trục tụ thành điểm sáng đó, một là hoạt động xuất nhập khẩu, hai là thu hút đầu tư nước ngoài. Trong điều kiện kinh tế thế giới đầy bất ổn và khó khăn, giữ được thành tích tốt trên cả hai tuyến “đối ngoại” này thực sự là một thành tích rất có ý nghĩa. Năm 2024 tiếp tục khẳng định vai trò chiến lược của hai động lực tăng trưởng hang đầu, “đôi cánh” giúp nền nền kinh tế bay lên là - đầu tư nước ngoài và hoạt động xuất nhập khẩu.

      Bên cạnh những mặt tích cực, chúng ta nên lưu ý điều gì?

      Điểm lưu ý đầu tiên là: trong thu hút đầu tư nước ngoài, điều quan trọng không chỉ là thu hút bao nhiêu vốn mà là tác động lan tỏa và dẫn dắt của nó. Tôi muốn nói đến khía cạnh tác động tương lai của nguồn lực này đến nền kinh tế chứ không phải ở những đóng góp “số lượng – nhất thời” [tăng sản lượng GDP, tạo việc làm tiền lương thấp]. Trong năm 2024, những nhà đầu tư quyết định tương lai - liên quan đến chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, phát triển xanh, đào tạo nhân lực chất lượng cao, và đổi mới sáng tạo , … - đã xuất hiện và bắt đầu “tụ lại” ở Việt Nam,.

      Nhưng trên thực tế, việc thu hút dòng vốn mới bắt đầu, tuy có báo hiệu sự thay đổi về cấu trúc – chất lượng đầu tư, song luồng vốn FDI “tầm thấp” vẫn chiếm phần lớn, trong đó, có nhiều dự án vào Việt Nam để “tránh thuế”, “né đòn” từ Mỹ sau khi Ông Donald Trump trúng cử tổng thống. Dòng vốn này có sức chèn lấn khu vực doanh nghiệp Việt rất mạnh, làm gia tăng nguy cơ nền kinh tế phụ thuộc nặng vào dòng FDI tầm thấp. Và nếu không cẩn thận, các doanh nghiệp Việt Nam còn bị “vạ lây”, gánh chịu các đòn “trừng phạt” từ Mỹ. Đó là chưa kể xu thế tràn lấn ồ ạt của dòng hàng hóa rẻ từ bên ngoài, theo các sàn thương mại điện tử “ngoại quốc” đổ vào thị trường Việt Nam. 

      PGS. TS Trần Đình Thiên: Cách tiếp cận thu hút đầu tư của Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc mời Apple hay Nvidia- Ảnh 3.

      Thêm nữa, tầm nhìn về đầu tư nước ngoài cần được xem xét kỹ lưỡng. Nếu tiếp tục thu hút ồ ạt các nhà đầu tư không phù hợp với trình độ phát triển hiện tại và nhu cầu tương lai của nền kinh tế, những tác động tiêu cực dài hạn có thể lớn hơn lợi ích trước mắt. Đây là những điểm cần lưu ý trong đánh giá các yếu tố tích cực và tiêu cực của năm 2024, cần được nhận diện và chuyển đổi thành các lựa chọn chiến lược.

      Năm 2024, giải ngân đầu tư công được thúc đẩy mạnh, nhưng con số thực tế chưa cao, 10 tháng năm 2024 chỉ đạt 52,29% kế hoạch. Ông nghĩ gì về vấn đề này?

      Tôi nghĩ rằng nỗ lực của Chính phủ không có gì phải nghi ngờ. Giải ngân đạt được như hiện tại, nếu nhìn từ con số tương đối, có thể chưa ấn tượng, nhưng xét về con số tuyệt đối, lượng giải ngân năm 2024 cao hơn năm trước khá nhiều.

      Tuy nhiên, vấn đề giải ngân đầu tư công vẫn là một điểm đáng lo ngại trong cơ chế hiện nay. Tại sao có tiền mà không dùng được, trong khi chính Nhà nước rất cần vốn để đẩy nhanh thực hiện các dự án lớn và “bơm máu” nhanh cho nền kinh tế? Vấn đề nằm ở hệ thống cơ chế, chính sách.

      PGS. TS Trần Đình Thiên: Cách tiếp cận thu hút đầu tư của Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc mời Apple hay Nvidia- Ảnh 4.

      Hiện nay, các yếu tố cản trở quá trình đầu tư được xác định là “trải khắp” hệ thống, không chỉ ở một lĩnh vực cụ thể. Từ Luật Đất đai, Luật Đầu tư, đến việc phân chia chức năng, trách nhiệm và quyền lực giữa Trung ương và địa phương, giữa các bộ - ngành đều góp phần gây khó khăn. Giải ngân đầu tư công không chỉ là vấn đề riêng lẻ của một vài cơ quan nào đó mà là của toàn bộ hệ thống. Nó bị ràng buộc bởi nhiều quy định pháp luật, khiến dòng vốn Nhà nước khó dịch chuyển ra thị trường và vận hành theo cơ chế thị trường.

      Hiện nay, việc đổ lỗi qua lại thường xuyên xảy ra: bên này nói tại bên kia, bên kia lại phụ thuộc bên khác. Điều này là không sai, khi xét trong không gian bị chia cắt, theo logic cục bộ. Nhưng nó khiến quá trình xử lý toàn bộ bị đình trệ. Chỉ khi trách nhiệm cá nhân được đẩy đến cùng, từng bước trở nên rõ ràng, thì các nút thắt trong hệ thống mới được tháo gỡ toàn bộ, mới triệt để được. Mấu chốt vấn đề là ở chỗ mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm chức năng cụ thể, trong một hệ thống không chồng chéo, xung đột; từ đó mới có thể giải quyết hiệu quả công việc.

      PGS. TS Trần Đình Thiên: Cách tiếp cận thu hút đầu tư của Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc mời Apple hay Nvidia- Ảnh 5.

      Hiện nay, động lực tăng trưởng từ thu hút dòng vốn FDI vẫn rất nóng, vậy làm thế nào để thu hút những nhà đầu tư chất lượng cao, góp phần tạo bước nhảy vọt cho Việt Nam trong thời gian tới?

      Thực tế, chip bán dẫn là nguồn lực đặc biệt quyết định tương lai của nhân loại. Nhưng mục tiêu trở thành một thế lực trong lĩnh vực này hiện nay không còn đơn giản như trước. Nhu cầu tăng cao, điều kiện thực thi khó khăn gấp bội, cạnh tranh khốc liệt cực độ. Đối với bán dẫn, không chỉ đơn thuần cần đến nguồn điện lớn hay nhân lực chất lượng cao mà còn phải đáp ứng nhiều yếu tố khác liên quan đến chính trị, quân sự, thậm chí cả cái gọi là chiến lược “chọn phe”. Việc tham gia cuộc chơi này không chỉ dựa vào các điều kiện nguồn lực thông thường, mà còn đòi hỏi một vị thế nhất định trong “chuỗi” các thế lực kinh tế lớn.

      Thách thức đầu tiên nằm ở chỗ ngành bán dẫn sản xuất những sản phẩm cực kỳ nhỏ nhưng đòi hỏi vốn đầu tư cực lớn. Các dự án trong lĩnh vực này thường đòi hỏi vốn “tỷ đô”, thậm chí nhiều chục tỷ đô. Toàn bộ dây chuyền hay từng khâu trong chuỗi đều yêu cầu nguồn vốn khổng lồ. Và logic đầu tư mới bao hàm yêu cầu của nhà đầu tư đối với nước nhận đầu tư bỏ ra một lượng vốn không nhỏ để “hỗ trợ đầu tư”. Trước đây, các nhà đầu tư chỉ cần nước sở tại “cung ứng” đất đai, điện và nhân lực. Nhưng giờ đây, điều kiện đầu tư đã thay đổi. Họ đòi hỏi sự chia sẻ cả nguồn vốn tài chính quy mô rất lớn. Logic này rất nghiệt ngã, là thách thức chưa từng thấy đặt ra cho những nước đi sau, còn nghèo nhưng có khát vọng “vươn mình” như Việt Nam.

      Đó là chưa kể để có công nghiệp chip bán dẫn, còn cần lượng vốn khổng lồ để đầu tư phát triển nguồn điện sạch đủ lớn, xây dựng hệ thống hạ tầng số hiện đại… 

      PGS. TS Trần Đình Thiên: Cách tiếp cận thu hút đầu tư của Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc mời Apple hay Nvidia- Ảnh 6.

      Vì thế, để thực sự “vươn mình”, cách tiếp cận thu hút đầu tư của Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc mời các tập đoàn công nghệ như Apple hay Nvidia mà còn phải tìm đến các nguồn vốn tài chính lớn từ quỹ đầu tư và tổ chức tài chính toàn cầu. Đây là chiến lược “đủ” để tham gia vào “chiến trường bán dẫn”, thay vì chỉ tập trung vào các tên tuổi công nghệ cao mà bỏ qua những nguồn lực tài chính tầm cỡ.

      Cách tiếp cận đào tạo nguồn nhân lực cho kỷ nguyên mới cũng phải rất khác. Chúng ta đang bước vào một thời đại mới, thời đại mà trí nhớ đã được may móc công nghệ hỗ trợ và thay thế rất nhiều. Cho đến nay, nội hàm chính của “nâng cao năng lực” - thực chất là “tiếp thu tri thức”. Đây chủ yếu là một quá trình “bị động”, nhưng cho đến nay vẫn là phương cách chủ đạo của giáo dục. Trên thực tế năng lực trí tuệ của con người chủ yếu được quyết định bởi năng lực “bộ nhớ”, khả năng sử dụng khối lượng “tri thức bị động”.

      Nhưng bây giờ, “trí nhớ” đã được máy tính và trí tuệ nhân tạo “giải phóng”. Điều quan trọng nhất của giáo dục – đào tạo đang từng bước không còn là “năng lực trí nhớ”, không phải là tiếp thu tri thức thụ động mà là việc “dạy” cách đặt câu hỏi và phát triển năng lực đổi mới - sáng tạo ở các cá nhân.

      PGS. TS Trần Đình Thiên: Cách tiếp cận thu hút đầu tư của Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc mời Apple hay Nvidia- Ảnh 7.

      Tóm lại, tôi muốn nhấn mạnh rằng để vượt qua và tiến vào kỷ nguyên mới với công nghệ cao, chip - bán dẫn, phải có những giải pháp và cách tiếp cận mới. Sự thay đổi cần phải mạnh mẽ và khác thường, chứ không thể tiếp tục làm theo logic thông thường, nếu không sẽ không giải quyết được vấn đề.

      Như chúng ta đã biết, chip bán dẫn cần một lượng năng lượng rất lớn. Hiểu đơn giản, việc đào Bitcoin tiêu tốn năng lượng gấp hàng trăm lần so với những hoạt động trước đây và tiêu thụ năng lượng cho trí tuệ nhân tạo còn khủng khiếp hơn.

      Đáng chú ý, năng lượng cho chip bán dẫn được đòi hỏi phải là năng lượng sạch, khối lượng rất lớn. Để giải bài toán này, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, cần phải có tư duy khác thường và quyết liệt.

      Thời đại mới đặt ra những câu chuyện hoàn toàn mới và khác biệt. Có những người nghĩ rằng chỉ cần làm lớn là đủ. Nhưng trên thực tế, chỉ cần lỡ một nhịp, sai một hướng công nghệ, không kết nối được vào chuỗi là đủ để suy sụp rất nhanh. Điện thoại Nokia từng là một ví dụ. Còn hiện nay, một số “ông lớn” công nghệ như Huawei, Intel, Samsung đang đối mặt với những khó khăn, rủi ro kiểu như vậy.

      PGS. TS Trần Đình Thiên: Cách tiếp cận thu hút đầu tư của Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc mời Apple hay Nvidia- Ảnh 8.

      Ông từng chia sẻ vấn đề “tam bất thông” và nghịch lý trong tăng trưởng kinh tế khu vực nội địa cần được chú trọng. Vậy vấn đề này nên được tháo gỡ thế nào?

      Nghich lý phát triển mà kinh tế Việt Nam lâm vào chủ yếu do điểm nghẽn của thể chế, chính là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Để hóa giải, điều cần thiết là “thông” các nguồn lực, cả đầu vào và đầu ra. Nghĩa là phải thông suốt hạ tầng kết nối. Nhưng hạ tầng không phải là yếu tố duy nhất.

      Muốn thông suốt nguồn lực, phải thông thoáng cơ chế. Các quy định chồng chéo – mà ở ta là vô vàn - cần được tháo gỡ thông suốt. Nhưng để thông cơ chế, quản trị phải thông minh, con người phải thông minh. Đơn giản vì cơ chế phụ thuộc con người.

      Tuy nhiên, chỉ nhận diện vấn đề thì chưa đủ, cần thực sự xử lý từng điểm nghẽn, phải biết ưu tiên đột phá”, gỡ từ các nút thắt trung tâm.

      Ở tầm quốc gia, càng cần biết lựa chọn vấn đề ưu tiên. Cụ thể hiện này, để xử lý các nút thắt thể chế, cần đứng vững trên quan điểm thị trường. Trong các thị trường, thị trường nguồn lực, thị trường đất đai, thị trường tài chính có tầm quan trọng quyết định, cần tập trung tháo gỡ từ các điểm này. Kinh tế thị trường mà không “gỡ” cho các thị trường hoạt động thông suốt – đây đích thực là nền tảng của kinh tế thị trường – thì “bó tay chấm com” thôi. Từ nền tảng thị trường mới định hướng giải quyết “nút thắt” phân bổ nguồn lực kiểu “xin – cho” một cách đúng đắn. Ngược lại, chỉ càng rối thêm.

      Đến lượt mình, việc cải cách (loại bỏ và thay thế) cơ chế "xin - cho" cần được xem xét trong mối quan hệ với hệ thống ngân sách, với Luật ngân sách, trong đó, các địa phương được “phân bổ” rất ít quyền, hầu như chỉ có “quyền xin” để tìm giải pháp. Logic “địa phương tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm” bộc lộ một cách tự nhiện từ đó.

      Về câu chuyện ngân sách, tại sao 70% ngân sách lại được dùng để nuôi cán bộ, nuôi bộ máy, chỉ còn chút ít đầu tư – làm sao có những công trình đủ lớn để “xoay chuyển tình thế”?

      Tiền lương gắn liền với toàn bộ bộ máy, đồng thời liên quan đến trách nhiệm của bộ máy. Đây là một bài toán mang tính hệ thống, nhiều năm không xử lý được. Cứ lao vào cải cách lương mà không biết rằng vấn đề nằm ở “việc”, tức là ở chức năng bộ máy và mức độ hoàn thành công việc, tức là trách nhiệm của cá nhân, ở các vị trí chức năng.

      Nguyên lý đơn giản vậy thôi. Nhưng chỉ ngược một chút thôi, sẽ phải loay hoay nhiều thập niên với một bộ máy kém hiệu quả. 

      PGS. TS Trần Đình Thiên: Cách tiếp cận thu hút đầu tư của Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc mời Apple hay Nvidia- Ảnh 9.

      Cùng với đó, phải chấp nhận thử - sai. Kinh nghiệm năm 1986 là một ví dụ điển hình. Khi đó, rất nhiều nỗ lực tháo gỡ thể chế như “đưa giá cả gần với thị trường”, từng bước bỏ chế độ tem phiếu xăng dầu, thực phẩm... đã được từng bước thử nghiệm. Nền kinh tế tiến từng bước rất thận trọng, theo từng mảng cục bộ, riêng biệt, để ra cơ thế thị trường. Đó là quá trình thử - sai, không sợ. Nền kinh tế “co giật” vì quá trình thử sai cục bộ thận trọng đó. Nhưng nhờ đó mà kinh tế tư nhân được phép tồn tại và hoạt động kinh doanh với tư cách là một thành phần kinh tế “đàng hoàng”, nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng và chuyển sang một giai đoạn phát triển mới về chất.

      Quá trình “thử - sai” và quyết định mang tính bước ngoặt không nhất thiết tuyệt đối hoàn hảo, nhưng nó có giá trị lịch sử đúng tầm. Tài năng của người lãnh đạo là dám ra quyết định đúng lúc, đúng tầm, mở đường cho sự thay đổi phù hợp xu thế thời đại.

      Với nỗ lực tháo gỡ điểm nghẽn, ông kỳ vọng kinh tế Việt Nam 2025 sẽ như thế nào?

      Động lực tăng trưởng chính năm 2025 của nền kinh tế tôi nghĩ vẫn là khu vực đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu. Khu vực nội địa cũng đang có dấu hiệu cải thiện rõ rệt, với hy vọng tốt dần lên ngày càng nhanh. 

      PGS. TS Trần Đình Thiên: Cách tiếp cận thu hút đầu tư của Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc mời Apple hay Nvidia- Ảnh 10.

      Cải cách các nút thắt, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản và việc tiếp cận vốn đang dần được gỡ bỏ. Nút thắt bất động sản và nguồn vốn đình trệ đang ảnh hưởng nhiều ngành, nhưng khi được tháo gỡ, nền kinh tế sẽ phát triển theo hiệu ứng “hòn tuyết lăn”, tức là khi một vấn đề được giải quyết, sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực ngày càng mạnh trong nền kinh tế.

      Theo đó, năm 2025 kỳ vọng không chỉ năm cuối cùng của kỳ kế hoạch mà sẽ là năm quyết định, khẳng định thực lực, đà và thế tốt hơn cho nền kinh tế bước vào giai đoạn mới.

      Năm 2025 cũng chứa đựng tiềm năng đột phá. Điều đó sẽ là hiện thực nếu công cuộc sắp xếp bộ máy nhà nước diễn ra cơ bản thuận lợi, không gây “sốc” kéo dài, làm tổn thương nền kinh tế. Cần lưu ý rằng khu vực kinh tế trong nước đang còn khá yếu, mạch vốn vẫn chưa thông, tắc nghẽn thể chế còn rất nặng.

      Nhưng “vạn sự khởi đầu nan”. Đà đang thuận, khí thế đang bừng dậy. Điều kiện cần cho một cuộc bứt phá đã lộ diện. 

      Tin cùng chuyên mục
      Xem theo ngày