Nói thật là, Sony bỏ mảng di động luôn cũng được

    Phạm Hoàng,  

    Sản phẩm thiếu điểm nhấn, thiếu sáng tạo so với các đối thủ lại kèm mức giá cao, doanh số chỉ bằng số lẻ so với các ông lớn, Sony lẽ ra nên từ bỏ Xperia từ lâu rồi.

    Đây là bài viết thuộc tuyến nội dung "Nói Thật" với mục tiêu chia sẻ góc nhìn cá nhân của người viết sau quá trình trải nghiệm thực tế sản phẩm. Những nhận định trong bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả, dựa trên điều kiện sử dụng cụ thể và nhu cầu cá nhân. Chúng tôi hiểu rằng mỗi người dùng có tiêu chí đánh giá và cảm nhận khác nhau, vì vậy nội dung trong bài có thể không hoàn toàn phù hợp với tất cả mọi người. Chúng tôi luôn tôn trọng sự đa dạng trong ý kiến và mong muốn lắng nghe thêm những chia sẻ từ bạn đọc.

    Sony từng là biểu tượng công nghệ với các dòng điện thoại như Xperia Z, Z5, hay dòng Compact nhỏ gọn vốn được yêu thích bởi thiết kế tinh tế, khác biệt, camera chất lượng và hệ sinh thái giải trí độc nhất. Sony cũng từng đi đầu trong nhiều xu hướng, ví dụ như thiết kế nguyên khối, khả năng chống nước, loa ngoài kép, cảm biến ảnh lớn, hỗ trợ âm thanh Hi-Res...

    Nói thật là, Sony bỏ mảng di động luôn cũng được- Ảnh 1.

    Sony từng vô cùng sáng tạo với những chiếc điện thoại, nhưng bắt đầu chững lại và trở lên ì ạch trong khoảng 10 năm gần đây.

    Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường smartphone cạnh tranh ngày càng khốc liệt, dấu hiệu Sony rút lui khỏi mảng di động đang ngày càng rõ rệt. Và thực lòng mà nói, nếu Sony quyết định dừng hẳn mảng smartphone cũng chẳng có gì bất ngờ.

    Sự biến mất mờ nhạt

    Những năm gần đây, Sony gần như không còn hiện diện tại các hệ thống bán lẻ lớn ở Việt Nam. Hãng từng tuyên bố quay trở lại vào năm 2023 với Xperia 1 V và 10 V nhưng chỉ phân phối giới hạn qua Sony Store Online, không hiện diện tại các chuỗi lớn nhỏ như Thế Giới Di Động, FPT Shop hay CellphoneS. Giá bán lên tới hơn 30 triệu đồng cho dòng cao cấp khiến sản phẩm trở nên kén người dùng, trong khi dòng tầm trung cũng khó cạnh tranh khi so với Xiaomi, Samsung, OPPO vốn đang chiếm ưu thế cả về giá lẫn hiệu năng.

    Nói thật là, Sony bỏ mảng di động luôn cũng được- Ảnh 2.

    Những chiếc Xperia từng khiến fan vô cùng hào hững giờ đã không còn.

    Tại thị trường toàn cầu, Sony cũng không khá khẩm hơn. Theo số liệu của Visual Capitalist, sản lượng smartphone Sony chỉ đạt 2,8 triệu máy trong năm 2023 và giảm xuống còn 2,45 triệu máy vào năm 2024. So với các đối thủ như Samsung hay Apple - mỗi hãng đều bán hơn 200 triệu thiết bị mỗi năm, thì con số của Sony thực sự quá nhỏ bé. Chưa dừng lại ở đó, doanh thu mảng Mobile của Sony cũng liên tục giảm trong các quý gần đây, từ 93 nghìn tỷ yên cuối năm 2022 xuống chỉ còn hơn 65 nghìn tỷ yên vào cuối năm 2024.

    Tháng 6 vừa qua, Sony chính thức rút khỏi thị trường Phần Lan khi mẫu flagship Xperia 1 VII không còn được bày bán qua các đại lý lẫn website chính thức. Động thái này nhanh chóng lan rộng sang các quốc gia khác tại châu Âu như Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Anh, nơi mà người dùng chỉ còn có thể đặt mua máy thông qua website toàn cầu của Sony hoặc trên Amazon. Việc rút dần khỏi kênh phân phối truyền thống cho thấy Sony đang thu hẹp đáng kể quy mô hoạt động của mảng di động, dù hãng chưa tuyên bố dừng bán smartphone tại châu Âu.

    Nói thật là, Sony bỏ mảng di động luôn cũng được- Ảnh 3.

    Xperia VII đánh dấu nhiều sự thay đổi của Sony trong ngành công nghệ, nhưng không phải theo hướng tích cực.

    Không chỉ ngừng phân phối trực tiếp, Sony còn chuyển toàn bộ việc sản xuất điện thoại sang hình thức gia công ngoài thay vì tự sản xuất như trước. Xperia 1 VII là model đầu tiên được lắp ráp theo hình thức đặt hàng bên thứ ba, đánh dấu một bước chuyển mình lớn về chiến lược sản xuất. Điều này giúp hãng tiết kiệm chi phí, nhưng cũng có thể mở ra nhiều vấn đề khác, ví dụ như quản lý chất lượng...

    Máy thậm chí đã gặp lỗi nghiêm trọng, tự động sập nguồn, nhiều người dùng còn không thể khởi động lại. Sự cố được ghi nhận tại nhiều thị trường như Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan và Singapore, buộc Sony phải tạm dừng việc phân phối để điều tra. Theo xác nhận ban đầu, lỗi xuất phát từ bo mạch chủ chứ không phải phần mềm. Sony đã khuyến cáo người dùng giữ nút nguồn và tăng âm lượng để thử khởi động lại máy, đồng thời triển khai chương trình thay thế bo mạch miễn phí cho các thiết bị bị ảnh hưởng. Sự cố này càng làm tình hình của mảng di động Sony trở nên khó khăn hơn trong mắt người dùng.

    Cộng đồng lạnh nhạt

    Nói thật là, Sony bỏ mảng di động luôn cũng được- Ảnh 4.

    Việc ra mắt những chiếc điện thoại thiếu cảm hứng, ít thay đổi không thể khiến cộng đồng fan "giữ lửa".

    Sản phẩm mờ nhạt, thiếu sáng tạo, cộng thêm sự cạnh tranh gắt gao từ các đối thủ khiến cộng đồng người dùng dần không còn mặn mà với Xperia như trước. Dù vẫn có một nhóm nhỏ yêu thích vì chất lượng âm thanh, màn hình 4K (mà hiện cũng đã không còn) hay khả năng chụp ảnh/quay phim thủ công, đa số người dùng phổ thông đều phản ánh Sony thiếu cập nhật phần mềm, không có dịch vụ hậu mãi rõ ràng và gần như không làm truyền thông rộng rãi. Thậm chí có thời điểm flagship Xperia không còn bán chính hãng tại Mỹ trong hai năm liên tiếp do Sony không đạt thỏa thuận phân phối với các nhà mạng. Ở nhiều quốc gia, người dùng thậm chí còn không biết Sony ra mắt máy mới lúc nào, đã đến đời bao nhiêu, có tính năng gì mới.

    Cái giá phải trả của sự chậm trễ

    Nói như vậy không có nghĩa điện thoại Sony dở. Trái lại, vẫn có những điểm mạnh rõ ràng như thiết kế tối giản, camera pro, chống nước tốt và nhiều tính năng cao cấp dành cho người dùng chuyên nghiệp. Nhưng, thị trường đã thay đổi. Người dùng phổ thông hiện tại quan tâm nhiều hơn đến trải nghiệm phần mềm, giá cả hợp lý, hậu mãi rõ ràng và hệ sinh thái tiện lợi. Ở những yếu tố này, Sony rõ ràng không còn theo kịp.

    Nói thật là, Sony bỏ mảng di động luôn cũng được- Ảnh 5.

    Từng là 1 trong những thương hiệu đạt top 4 - 5 về doanh số, Sony Xperia giờ lại bị coi như 1 cái tên hoài niệm, đại diện cho 1 thời xưa cũ.

    Tóm lại, nếu một ngày Sony chính thức tuyên bố dừng hoàn toàn mảng smartphone, điều đó không khiến thị trường xáo trộn. Với phần lớn người dùng, Xperia đã trở thành một cái tên hoài niệm hơn là một lựa chọn thực tế. Và đôi khi, việc dừng lại đúng lúc lại là cách tốt nhất để giữ trọn giá trị một thương hiệu từng rất được yêu mến.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày