Từ khi Samsung Electronics công bố sản xuất điện thoại thông minh ở Việt Nam. Giờ đây những đối tác cung cấp của họ đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới nhờ vào kinh nghiệm tích lũy trong quá trình hợp tác.
Hiện có tới 29 công ty đảm nhiệm khâu cung cấp cho dây chuyền sản xuất điện thoại lớn nhất của Samsung trong khi năm 2014, số lượng nhà cung cấp chỉ là 4. Con số trên dự kiến tăng lên 50 vào năm 2020. Các công ty này đang mở rộng hoạt động ra những ngành khác, như ôtô, dựa trên những thành tựu công nghệ mà Samsung đã áp dụng để xây dựng một chuỗi cung cấp nội địa.
Meiko Electronics, một trong những nhà cung cấp đến từ Nhật Bản, đã quyết định chi hơn 100 triệu USD - khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay, để phát triển những tính năng mới cho nhà máy tại Hà Nội.
Meiko là doanh nghiệp chuyên về sản xuất bảng mạch in, các bộ phận của điện thoại thông minh sẽ được ráp trên bảng này. Với những tính năng mới, họ dự định sử dụng những công nghệ tương tự với công nghệ chất bán dẫn để sản xuất bảng mạch in với chiều rộng của dây chỉ có 30 micromet (1 micromet = 1/1.000.000 m). Meiko bắt đầu khâu sản xuất từ tháng 4.
Công nhân tại Meiko Electronics. Ảnh: Nikkei
Những loại bảng mạch như thế là yếu tố công nghệ quan trọng để sản xuất ra 1 chiếc điện thoại thông minh mỏng hơn, chắc chắn hơn và mang lại sự ổn định cho các cuộc hội thoại. Meiko cũng đã quyết định dây chuyền sản xuất mới sẽ chế tạo ra những bảng mạch dùng trong các module liên lạc trong xe ôtô và có thể hoạt động trên nền 5G, thế hệ mạng tiếp theo của điện thoại. Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản là những thị trường họ nhắm tới.
Lần đầu tư này được xây dựng trên những kinh nghiệm và kỹ năng họ tích lũy được kể từ khi bắt đầu sản xuất vào năm 2011. Theo Shuji Ida, Giám đốc nhà máy Meiko Electronics, cho biết “Các công nhân Việt Nam trung thành với công việc hơn công nhân các nước khác, như Trung Quốc, và kỹ năng về công nghệ của họ đang dần cải thiện”.
Samsung hiện có khoảng 160.000 nhân viên ở Việt Nam, đây cũng là nơi sản xuất phần lớn số lượng điện thoại được bán ra trên toàn cầu của họ - mỗi năm khoảng 200 triệu chiếc – bao gồm cả dòng điện thoại mới nhất là Samsung Galaxy S9. Năm 2013, điện thoại là mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất tại Việt Nam.
Ban đầu, một số thành phần được nhập từ những công ty nước ngoài như Meiko nhưng khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Samsung chuyển giao nhiều công nghệ hơn cho đối tác Việt Nam và mua nhiều hàng hóa từ họ hơn, Samsung đã bắt đầu hỗ trợ Việt Nam trong khâu đào tạo và cử những chuyên gia từ Hàn Quốc sang để đào tạo doanh nghiệp Việt Nam trong 3 tháng nhằm đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng của Samsung.
Khóa đào tạo đó đã giúp 29 nhà cung cấp địa phương phát triển – trong đó có đối tác sản xuất màn hình Tien Thanh ở Bắc Ninh và đối tác sản xuất khuôn nhựa Nhat Minh ở Bình Dương.
Một nhà máy của Samsung tại Việt Nam. Ảnh: Nikkei
Những chuyên gia người Việt Nam với kinh nghiệm thiết kế sản phẩm cho các công ty sản xuất linh kiện ở nước ngoài cũng dần chuyển về công ty trong nước. Các nhà sản xuất địa phương đang tập trung nỗ lực vào khâu phát triển sản phẩm dựa trên nguồn nhân lực này, theo Nguyen Khac Kiem, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Bách Khoa Hà Nội.
Các thương hiệu điện thoại thông minh trong nước cũng bắt đầu phát triển với những công nghệ tương tự cùng đội ngũ lao động lành nghề. Tập đoàn Vingroup vừa qua đã đưa vào hoạt động công ty sản xuất điện thoại thông minh VinSmart với tổng số vốn 131 triệu USD. Nhà máy được đặt tại một khu công nghiệp ở Hải Phòng và dòng điện thoại thông minh giá rẻ dự kiến ra mắt vào tháng 6/2019.
Hãng điện tử Asanzo, vốn có thế mạnh trong mảng TV, cũng dự định đầu tư 200 tỷ đồng (8.67 triệu USD) để mở rộng sang smartphone trong năm nay. Công ty đã tham gia vào lĩnh vực sản xuất smartphone năm 2017 và ra mắt sản phẩm mới mỗi quý, dự định tăng sản lượng lên 600.000 sản phẩm hoặc thậm chí cao hơn. Theo lời Tổng giám đốc Phạm Văn Tam, công ty này có kế hoạch sản xuất dòng điện thoại với giá chỉ 1 triệu đồng (43 USD).
Sự lạc quan về khả năng của Việt Nam có thể thay thế các công ty nước ngoài gia tăng sau chiến lược “Trung Quốc 1” để mở rộng sản xuất giữa các doanh nghiệp châu Á. Cho đến nay, hầu hết các nhà máy đều thâm dụng lao động. Nếu Việt Nam có thể tạo ra bước nhảy trong công nghệ để tạo ra chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp điện thoại thông minh thì đó sẽ là chìa khóa của chiến lược này.
Việc xuất khẩu smartphone của Samsung đã giúp cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư từ năm 2012. Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu trở thành một quốc gia công nghiệp vào năm 2020 và dự định tiếp tục cải thiện ngành công nghiệp địa phương trong khi tìm kiếm thêm sự hợp tác từ các công ty nước ngoài.
Việt Nam là quốc gia thu hút các công ty nước ngoài với dân số 94 triệu người và độ tuổi trung bình là 30. Tháng trước, General Motors đã ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược với Vingroup, theo đó nhà sản xuất ô tô Mỹ sẽ chia sẻ mạng lưới bán hàng và quyền sản xuất ôtô của họ.
Samsung là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam. Công ty này đã rót 50,5 tỷ USD vào Việt Nam từ năm 1988, khoảng 30% tổng vốn đầu tư nước ngoài. Tập đoàn LG cũng đang mở rộng các nhà máy điện tử tại Việt Nam, cùng với việc gia tăng bán lẻ, bất động sản và tài chính.
Theo Nikkei Asian Review
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng