Những sai lầm mà người mới khởi nghiệp thường mắc phải (P2)

    Comet,  

    Nếu bạn là người lần đầu startup hoặc có ý định làm điều đó, hãy lắng nghe những lời khuyên này.

    Tiếp theo phần 1 của ngày hôm qua, chúng tôi sẽ đưa tới các bạn những lời khuyên của người đi trước cho những người lần đầu khởi nghiệp. Bạn có thể đọc phần 1 tại đây.

    10. Đừng quên marketing

    Hầu hết những người mới khởi nghiệp đều biết họ cần đến marketing để khách hàng biết tới sản phẩm của họ. Thế nhưng đây là thời điểm cả tiền bạc và quan hệ của bạn đều có giới hạn, vậy nên hãy sử dụng các chiến dịch marketing hợp lý. Một sự kiện ra mắt sản phẩm rùm beng có thể chẳng giúp sản phẩm của bạn được nhiều như giúp cho cái "oai" của bạn, thế nhưng một chiến dịch viral qua các kênh mạng xã hội đôi khi lại hiệu quả hơn thế gấp trăm lần.

    Mỗi người, mỗi nhóm startup lại có một ý tưởng riêng về việc marketing sản phẩm. Thế nhưng hãy lựa chọn kết quả một cách thông minh và phù hợp nhất.

    11. Đừng so sánh với các startup khác

    Uber thành công? Hãy học hỏi họ chứ đừng ghen tị
    Uber thành công? Hãy học hỏi họ chứ đừng ghen tị

    Hãy nhớ rằng bạn là chính bạn, và dự án của bạn cũng thế. Các bạn không phải là Uber, Airbnb hay một thứ gì đó mà người ta có thể đọc về thành công của chúng mỗi ngày trên mặt báo. Hãy dừng ngay việc mỉa mai rằng nếu bạn cũng có một nguồn lực như thế thì bạn cũng sẽ sớm thành công, bởi cuộc đời này chẳng có gì là công bằng cả. Hãy tập trung vào thứ bạn làm, và nếu vẫn còn ghen tị thì ít đọc các tờ báo viết về thành công của chúng đi thì hơn.

    Tuy nhiên, một thái độ cầu thị để học hỏi những startup thành công thì luôn được hoan nghệnh.

    12. Đừng xem thường lịch sử

    Có thể trong suy nghĩ của bạn, ý tưởng của bạn là độc nhất trên thị trường. Thế nhưng hãy chịu khó Google kỹ lưỡng, rất có thể bạn sẽ tìm ra được cả tá mô hình giống như thế. Không có gì phải buồn về việc đó cả, nếu họ đã thành công, hãy xem cách họ làm điều đó. Theo chiều ngược lại, nếu họ thất bại thì hãy học hỏi nguyên nhân dẫn đến điều đó.

    Lịch sử chỉ mãi là lịch sử, nhưng chúng có thể giúp tương lai của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn.

    13, Đừng sợ, cứ làm startup đi

    Có rất nhiều người lưu giữ những ý tưởng tuyệt vời bên trong đầu của họ, cùng với cả trăm mối lo sợ về việc nó sẽ thất bại khi ra mắt. Những suy nghĩ tiêu cực kiểu đó sẽ chỉ tự đe dọa bạn mà chẳng đi đến đâu cả. Thay vì dành thời gian cho sợ hãi, hãy bắt đầu nó và suy nghĩ về việc đưa nó đến thành công.

    Đừng sợ hãi!
    Đừng sợ hãi!

    Chẳng ai có thể đảm bảo là bạn sẽ thành công cả, chỉ có quá trình làm việc chăm chỉ cùng suy nghĩ tích cực, hợp lý mới có thể đem lại hy vọng về điều đó cho bạn.

    14. Đừng dạy một quả trứng tập bơi

    Mặc dù ở trên bạn được chỉ ra rằng hãy làm startup, nhưng bạn chỉ nên tung sản phẩm ra thị trường sau khi đã dành một quá trình làm việc cẩn thận với nó. Những ý tưởng hay cần được nuôi dưỡng, và một chú vịt hoàn chỉnh sẽ bơi rất tốt trên mặt hồ chứ không phải là một quả trứng tròn trịa đẹp đẽ.

    Hãy bắt tay vào hoàn thiện những bước cần thiết ngay từ bây giờ, và tung sản phẩm ra thị trường khi nó đủ lông đủ cánh.

    15. Đừng áp lực về doanh số

    Mỗi ngày bạn có thể đọc thấy hàng tá những startup mới có doanh thu hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD. Bạn bắt đầu nghĩ đến startup của mình và tự đưa bản thân vào bế tắc. Đừng làm điều đó, ít nhất vào lúc mới bắt đầu khởi nghiệp.

    Những startup mới thường gặp khó khăn trong tài chính đến khoảng vài năm đầu là chuyện hết sức bình thường. Hãy kiên trì với công việc của bạn để mở ra cánh cửa của thành công. Tất cả chúng ta đều muốn startup của mình có thể bán được với giá hàng tỷ USD, thế nhưng trước đó hãy làm cho nó xứng đáng với con số đấy đã.

    16. Đừng lấy việc thiếu vốn như một cái cớ

    Không chỉ có bạn mới gặp vấn đề này đâu, đừng để nó là một cái cớ.
    Không chỉ có bạn mới gặp vấn đề này đâu, đừng để nó là một cái cớ.

    Không chỉ có bạn mới thiếu vốn đầu tư, có lẽ phải 99,99% các startup luôn than phiền về điều đó. Thế nhưng trong lúc người ta tìm kiếm giải pháp để khắc phục điều này, bạn lại ngồi đây và đổ lỗi cho nó?

    Hãy dừng ngay việc đấy lại, và suy nghĩ để tìm ra hướng đi cho dự án. Không ít dự án đã thành công với không một đồng vốn nào ban đầu cả, hãy học hỏi họ.

    17. Đừng ảo tưởng rằng ai cũng có thể làm tốt công việc

    Những startup mới thường có rất ít nhân sự. Ok đó là điều rất bình thường. Thế nhưng khi mà bạn yêu cầu một lập trình viên làm cho bạn bảng phân tích sản phẩm chỉ vì nghĩ rằng chúng làm qua Excel và anh ta là người giỏi về Excel nhất trong công ty, đó là một thảm họa. Mỗi người thường chỉ có một vài năng lực nhất định (tôi không muốn nói về Superman, hãy tìm anh ta ở rạp chiếu phim).

    Tiết kiệm chi phí là điều cần thiết, nhưng bạn cần đúng người cho từng công việc của dự án nếu muốn thành công. Và cả bạn nữa, hãy đọc lại điều đầu tiên nhé.

    18. Đừng đặt niềm tin vào các "gói hỗ trợ công việc" thay vì nhân viên của bạn

    Sẽ có rất nhiều cám dỗ trong quá trình làm khởi nghiệp, đặc biệt là vấn đề công việc. Những nhân sự của bạn có thừa sự nhiệt huyết, nhưng quảng cáo trước màn hình máy tính của bạn cho thấy bạn có thể giảm bớt số người kia bằng cách thuê các gói hỗ trợ dịch vụ có sẵn trên thị trường.

    Làm startup nghĩa là bạn cần làm điều đó cùng một đội, không phải một mình. Những gói dịch vụ kia có thể có cái tốt, có cái xấu nhưng chúng chẳng bao giờ so sánh được với những nhân viên trung thành đã theo chân bạn từ những ngày đầu tiên. Vậy nên hãy cân nhắc năng lực xử lý của đội ngũ trước khi thuê cái gì đó. Đội ngũ là của bạn, sản phẩm của họ cũng thế. Còn những thứ có thể thuê được kia thì không.


    Còn rất nhiều lời khuyên mà những người mới khởi nghiệp có thể học hỏi từ những người đi trước, nhưng hy vọng 18 điều trên đây sẽ giúp các bạn giải quyết được một vài vấn đề đang gặp phải trong quá trình làm việc.

    Chúc các bạn thành công!

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày