Google và Facebook là lựa chọn đầu tiên của rất nhiều người khi muốn tìm kiếm thông tin. Trong khi đó, gần 1/3 người Mỹ sẽ truy cập Amazon ngay nếu có thứ cần mua.
Cuộc tranh luận về ưu điểm của “thị trường tự do” và “chính phủ” dường như kéo dài vô tận. Trên thực tế, hai yếu tố này không tách rời nhau. Không thể có thị trường nếu thiếu chính phủ. Các nhà lập pháp, cơ quan đầu não và quan tòa quyết định luật chơi trên thị trường.
Họ thay đổi luật theo thời gian. Vấn đề đặt ra là, ai có sức ảnh hưởng lớn nhất tới những quyết định này?
200 năm trước, nô lệ là một trong những tài sản quý giá nhất của nước Mỹ. Sau nội chiến, đất đai đã thế chỗ nô lệ. Đến những năm 1920, phần lớn người đi làm ở Mỹ là công nhân. Thứ họ tranh đấu nhiều nhất lại là quyền tự do thành lập các nghiệp đoàn.
Ngày nay, tài sản giá trị nhất là thông tin và ý tưởng. Phần lớn chi phí sản xuất những tài sản này dành cho việc phát hiện hoặc làm ra bản đầu tiên. Sau đó, chi phí sản xuất thêm thường bằng 0. Những tài sản trí tuệ như vậy là chìa khóa xây dựng nền kinh tế mới. Nếu không có các quy định của chính phủ về khái niệm hay quyền sở hữu chúng, nền kinh tế hiện đại đã không tồn tại.
Tuy nhiên, cũng như điều từng xảy ra với nhiều loại tài sản khác, các chủ sở hữu tài sản trí tuệ có ảnh hưởng chính trị lớn cố gắng tăng lợi nhuận bằng cách tạo độc quyền.
Những tài sản trí tuệ giá trị nhất là tài sản được mọi người sử dụng rộng rãi như: Hệ điều hành Windows của Microsoft, Android của Google, công cụ tìm kiếm Google, Amazon hay Facebook. Với lượng người dùng áp đảo, các tài sản này đem lại lợi nhuận rất lớn.
Trong 10 năm qua, hàng loạt website mới đã ra đời. Tuy nhiên, lượt xem ngày càng chỉ tập trung vào một nhóm nhất định. Ở Mỹ, 10 website đứng đầu năm 2001 chiếm 31% tổng lượt xem của cả nước.
Con số này năm 2010 tăng lên đến 75%. Google và Facebook là lựa chọn đầu tiên của rất nhiều người khi muốn tìm kiếm thông tin. Trong khi đó, gần 1/3 người Mỹ sẽ truy cập Amazon ngay nếu có thứ cần mua.
Khi thị trường trở nên tập trung, người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn, những ý tưởng cách tân thì bị đè bẹp. Dù các website lớn này cho phép doanh nghiệp đăng sản phẩm của mình như sách, video, ứng dụng hay nhạc, nhưng đa số lợi nhuận vẫn chảy vào túi chủ sở hữu website.
Trái với quan điểm thông thường về kinh tế Mỹ với những công ty nhỏ mang tính đột phá, tỷ lệ thành lập doanh nghiệp mới ở nước này đã chậm lại đáng kể từ cuối những năm 1970. Các bằng sáng chế, nền tảng công nghệ tiêu chuẩn cùng quyền lực của các ông lớn ngành công nghệ đã dựng nên một rào cản khổng lồ gây khó khăn cho những công ty mới gia nhập.
Hệ thống sáng chế ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ra đời của những ý tưởng mới. Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Mỹ bảo hộ 20 năm cho những phát minh “mới và hữu ích”. Tuy nhiên, các ông lớn rất biết cách xoay sở.
Họ thực hiện những cải tiến nhỏ để nhận bằng sáng chế mới, biến tài sản trí tuệ của mình thành gần như vô thời hạn. Năm 2012, cố vấn tài sản trí tuệ của Nhà trắng Colleen V. Chien cho biết, Google và Apple đang dành nhiều tiền cho việc lấy bằng sáng chế, chưa kể đến chi phí tranh tụng, hơn là thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Luật chống độc quyền được dùng để xử lý loại sức mạnh thị trường như vậy. Những năm 1990, chính quyền liên bang Mỹ kết tội Microsoft vì họ buộc các nhà sản xuất máy tính phải cài đặt trình duyệt Internet Explorer kèm theo hệ điều hành Windows.
Microsoft đã dàn xếp ổn thỏa bằng cách đồng ý chia sẻ giao diện với các công ty khác. Tuy nhiên, từ đó đến nay, hãng này gần như miễn nhiễm với những cuộc kiểm tra kỹ lưỡng liên quan đến chống độc quyền. Có thể vì Microsoft sở hữu sức mạnh chính trị quá lớn.
Năm 2012, Cục Cạnh tranh thuộc Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ nộp lên các ủy viên bản phân tích dài 160 trang về sự thống trị của Google trong việc tìm kiếm và những thị trường quảng cáo liên quan. Họ khuyến nghị kiện Google vì ảnh hưởng xấu đến người dùng và sự phát triển những ý tưởng mới. Tuy nhiên các ủy viên hội đồng không chấp thuận.
Việc ủy viên hội đồng bác bỏ khuyến nghị từ nhân viên là hiếm khi xảy ra. Họ cũng không đưa ra lời giải thích cụ thể cho hành động này. Nguyên nhân rất có thể đến từ sức mạnh chính trị của Google.
Hiện Google đang vướng vào vụ kiện nghiêm trọng với các cơ quan chống độc quyền của EU. Cùng lúc, châu Âu điều tra Amazon vì cho rằng hãng này kiềm chế sức cạnh tranh trên thị trường e-book. Apple cũng gặp phải vấn đề tương tự với nhạc.
Nhiều người tin rằng châu Âu để mắt tới các ông lớn công nghệ này vì họ đến từ Mỹ. Tuy nhiên, số khác lại nghĩ nguyên nhân là Google, Amazon và Apple không có nhiều sức mạnh chính trị ở châu Âu như ở Mỹ.
Sức mạnh kinh tế và chính trị không thể tách rời vì những tập đoàn lớn có được ảnh hưởng chính trị qua cách các thị trường duy trì và vận hành, nhờ đó lại càng tăng thêm sức mạnh kinh tế. Một trong những mục đích ban đầu của luật chống độc quyền chính là ngăn chặn tình trạng này.
Vấn đề không phải thị trường tự do hay chính phủ được ưa chuộng hơn, mà là chính phủ tổ chức thị trường như thế nào, ai là người ảnh hưởng nhất tới quyết định của họ. Các tập đoàn lớn về công nghệ cùng nhiều lĩnh vực khác như thuốc, bảo hiểm, nông nghiệp và tài chính đang chi phối cả nền kinh tế lẫn chính trị.
Nếu tiếp tục bị ám ảnh bởi cuộc tranh luận về ưu điểm của thị trường tự do và chính phủ, chúng ta khó có thể nhìn thấy những gì đang diễn ra và thực hiện các hành động cần thiết nhằm đưa nền kinh tế vận hành theo lợi ích của đa số, không phải số ít công ty lớn.
Thu Thảo
Theo Trí Thức Trẻ/NYTimes
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Huawei và SMIC gặp khó khăn với tiến trình sản xuất chip, mắc kẹt ở 7nm cho đến ít nhất năm 2026
Huawei và SMIC sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong thời gian tới.
Dựa trên lý thuyết mới, lần đầu tiên ngành vật lý học "chụp hình" được một hạt photon