Những nhà máy Tesla trong tương lai không có chỗ dành cho con người
Một kế hoạch về nhà máy tự động hoàn toàn của Tesla có thể làm cho không còn người công nhân nào gặp tai nạn khi sản xuất nữa, dù nó có vẻ "vô nhân đạo".
Tesla đang viết nên một trang sử thi mới từ đầu năm 2017 cho đến nay. Trị giá vốn hóa trên thị trường của công ty đã đạt mức 50 tỷ USD, vượt qua cả Ford và các đối thủ của họ như General Motors. Và nếu mọi thứ theo đúng như tiến độ, chiếc Model 3 sẽ được tung ra thị trường trong khoảng một tháng nữa.
Nhưng tất cả không phải màu hồng với Tesla, khi bắt đầu có một cuộc thảo luận để thành lập một tổ chức công đoàn tại công ty này. Theo báo cáo từ tờ Guardian trong tuần vừa qua, một số công nhân của Tesla mô tả nhà máy như một nơi nguy hiểm khi làm việc, và tốc độ sản xuất mà công ty và CEO Elon Musk đặt ra là tàn bạo.
Tuy nhiên, đó lại là một thực tế của ngành công nghiệp ô tô. Tạo ra một chiếc ô tô là công việc đòi hỏi nhiều sức lực. Trong dây chuyền lắp ráp hiện đại, người ta không còn mất nhiều công sức như trước đây nữa, nhưng đây vẫn không phải là một công việc nhẹ nhàng. Và cho dù ngành công nghiệp này đã đi đầu trong việc tự động hóa từ nhiều thập kỷ nay – nó vẫn cần đến rất nhiều giờ làm việc của con người để tạo nên một chiếc xe. Hàng trăm nghìn người tại Mỹ đang làm các công việc như vậy.
Ngành sản xuất ô tô hiện đã đạt đến mức hiệu quả nhất có thể trong thời điểm hiện tại mà không có một bước nhảy vọt nào về công nghệ. Nhưng đây lại là điều mà Elon Musk muốn. Với những báo cáo không mấy tốt đẹp về việc sử dụng lao động gần đây, bạn có thể chỉ trích Tesla ít quan tân hay không mấy thân thiện với con người. Nhưng điều ông Elon Musk thực sự muốn lại hoàn toàn “vô nhân đạo”.
Hay nói chính xác hơn, đó là thứ gì đó thay thế con người. Mục tiêu của ông không chỉ đơn giản là sản xuất ô tô, mà còn đưa toàn bộ công việc sản xuất lên một mức độ tự động hóa cao hơn nữa. Minh chứng cho điều đó là việc Tesla mua lại hãng chuyên về các quy trình tự động của Đức, Grohmann Engineering.
Nhưng đây chỉ là một bước nhỏ trên cả hành trình dài. Khi nói về “Master Plan, Part Deux” (Kế hoạch lớn, phần Hai) của mình, ông Musk chỉ ra điều mà ông gọi là nhà máy “đột phá của người ngoài hành tinh” – một nhà máy khác biệt hoàn toàn với những gì chúng ta thấy ngày nay, ngay cả với những nhà máy tiên tiến nhất cũng không thể so sánh được. Nhà máy đó sẽ là người ngoài hành tinh trong sự đổi mới của mình.
Vượt xa tốc độ của con người
Mục tiêu bao trùm của nhà máy đó sẽ nhằm vượt xa các giới hạn về tốc độ của con người. Theo suy nghĩ của ông Musk, đó sẽ là một nhà máy hoàn toàn tự động, được vận hành bởi một vài chuyên gia con người. Hay nói cách khác, nguyên liệu thô từ đầu vào đi vào, và một chiếc ô tô hoàn chỉnh sẽ lăn bánh ra từ đầu bên kia dây chuyền. Ở giữa, các robot sẽ làm mọi việc, với tốc độ rất cao – cao đến mức quá nguy hiểm so với khả năng của cơ thể con người.
Đó là lúc hợp lý để đặt ra câu hỏi: “Vậy con người thì sao?” Liệu Tesla có muốn giữ lại những công nhân sản xuất ô tô ở California hay không?
Trên thực tế là không. Ở mức độ nào đó, cho dù ông Musk rất ngưỡng mộ và đánh giá cao sự cống hiến của lực lượng lao động, ông không nghĩ việc lắp ráp ô tô là cách sử dụng tốt nhất cho mạng sống của con người. Trong khi chúng ta còn đang tranh cãi xem liệu suy nghĩ đó của ông có sai lầm hay không, thì bánh xe đã bắt đầu lăn. Chiếc xe quan trọng tiếp theo của Tesla, mẫu SUV nhỏ gọn Model Y, sẽ là một thử nghiệm cho tham vọng sản xuất của Elon Musk.
Tuy nhiên không phải ai cũng đồng tình với cách làm của ông Musk. Trong dây chuyền lắp ráp công nghệ cao của nhà máy Ferrari tại Maranello, Ý vẫn còn nhiều người công nhân đang làm nên phần lớn những chiếc siêu xe bằng tay. Trên thực tế, Ferrari chỉ sử dụng các hệ thống lắp ráp gần như tự động hoàn toàn cho các nhà máy thực hiện các nhiệm vụ quá độc hại hoặc nguy hiểm với người lao động. Hay nói cách khác, hầu hết chiếc Ferrari được làm bằng tay.
Và đó là cách khách hàng muốn có nó. Những chiếc Ferrari được bán với giá hơn 200.000 USD và chỉ sản xuất giới hạn dưới 10.000 chiếc mỗi năm. Trong khi đó, Tesla muốn xuất xưởng được 1 triệu chiếc xe hàng năm vào năm 2020. Dây chuyền lắp ráp trước đây không thể làm được điều đó.
Thời điểm cho một bước nhảy vọt
Nhưng sẽ là không đủ nếu cho rằng ông Musk làm như vậy chỉ vì tương lai của Tesla. Lần cuối cùng ngành công nghiệp sản xuất ô tô chứng kiến một bước tiến đột phá là “Hệ thống sản xuất Toyota”, đã làm nên quy trình lắp ráp ô tô “vừa đúng lúc”. Giờ tất cả các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới đều ít nhiều chấp nhận hệ thống đó như một tiêu chuẩn, và chất lượng xe đã được cải thiện đáng kể.
Trong khi hệ thống sản xuất vừa đủ vẫn tiếp tục được cải tiến bằng tự động hóa, không có nhà sản xuất nào chuyển hẳn sang hệ thống tự động hoàn toàn.
Trong khi hệ thống xe tự lái của ông Elon Musk có thể giúp giảm đi con số 40.000 người chết mỗi năm ở Mỹ vì tai nạn giao thông, có lẽ một nhà máy tự động hoàn toàn sẽ không còn làm người công nhân nào phải chịu nguy hiểm khi sản xuất ô tô nữa.
Kế hoạch này có thể vô nhân đạo ở hiện tại, nhưng mục đích của nó có thể còn nhân đạo hơn trong tương lai. Liệu ông có thành công hay không? Sẽ rất khó để biết trước. Nhưng đây cũng là câu hỏi người ta đặt ra 10 năm trước khi một startup về xe điện ra mắt, và bây giờ nó đã có giá trị lớn hơn cả General Motors.
Tham khảo Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Huawei và SMIC gặp khó khăn với tiến trình sản xuất chip, mắc kẹt ở 7nm cho đến ít nhất năm 2026
Huawei và SMIC sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong thời gian tới.
Dựa trên lý thuyết mới, lần đầu tiên ngành vật lý học "chụp hình" được một hạt photon